Đột phá dạy học Ngữ văn lớp 10 Chương trình mới

GD&TĐ - Sau một học kỳ giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018, nhiều môn học lớp 10 được ghi nhận khởi sắc so với cách giảng dạy của chương trình cũ.

Sân khấu hoá tiết học Ngữ văn tại trường học ở Cần Thơ.
Sân khấu hoá tiết học Ngữ văn tại trường học ở Cần Thơ.

Khởi sắc chương trình mới

Với mục tiêu định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, phát huy kỹ năng của người học hơn chú trọng kiến thức nên các giáo viên bộ môn Ngữ văn đã linh hoạt vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới, tiết học trở nên sinh động.

Cô Nguyễn Thị Lệ Hà, Tổ phó chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Vĩnh Xuân (Vĩnh Long) cho biết: So với chương trình cũ, phạm vi nội dung kiến thức của chương trình lớp 10 mới có tính bao quát hơn. Chương trình mới tập trung rèn cho học sinh nhiều kỹ năng, đồng thời phát huy được tính tích cực chủ động, khả năng tư duy.

Mặc dù thời gian đầu triển khai, giáo viên phải vừa thực hiện vừa nghiên cứu, nhưng nhờ được tiếp cận thông tin chương trình từ sớm, thầy và trò có bước chuẩn bị khá chu đáo và triển khai kịp thời, do đó khi thực hiện không còn bỡ ngỡ. Các em biết tự nghiên cứu, kiến thức được mở rộng hơn. Ngoài ra, phương pháp mới cũng phát huy được tối đa việc dạy học tích cực.

Cô Lê Thị Bích Trân, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Tầm Vu (Hậu Giang) cho biết: Cách dạy trước đây, nội dung ghi bài là phần rút gọn, cô đọng những ý trọng tâm cần nhớ. Còn theo cách dạy mới, nội dung ghi bài là những hướng dẫn, chỉ dẫn để thực hành kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Phần ghi bài ngắn gọn, súc tích sẽ giúp học sinh cô đọng những đơn vị kiến thức cần nhớ. Do đó việc học hiệu quả hơn, học sinh không cần phải ghi chép hay thuộc lòng quá nhiều kiến thức khiến các em có cảm giác quá tải.

Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực dựa trên kế hoạch bài dạy theo chương trình Ngữ văn lớp 10 hiện nay đòi hỏi giáo viên phải vận dụng linh hoạt, chú ý đến từng học sinh để lựa chọn phương pháp dạy học sao cho hiệu quả.

Trong tiết dạy, giáo viên sẽ dễ dàng nhận ra năng lực của các em vì cách học theo chương trình mới có sự phân hoá rất rõ. Do vậy, giáo viên cần quan sát, theo dõi bao quát lớp, khuyến khích những học sinh còn rụt rè tham gia thuyết trình, lên bảng trình bày. Đặc biệt, thầy cô cần chú trọng hơn việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng đọc, viết, nói và nghe.

Theo cô Nguyễn Thị Cẩm Hường, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ), với chương trình cũ giáo viên sẽ tập trung nhiều hơn trong việc xây dựng và hình thành kiến thức cho học sinh. Trong các tiết học, giáo viên chủ yếu giảng, bình cho học sinh về tác phẩm văn học.

“Với chương trình mới, nhiệm vụ trọng tâm là phát triển năng lực và kỹ năng toàn diện cho học sinh (đọc, viết, nói, nghe). Vì thế, đòi hỏi giáo viên khả năng tổ chức, hướng dẫn học sinh đọc tác phẩm là chính, từ đó biết cách đọc và có thể tự đọc. Nói cách khác, với chương trình mới, giáo viên chỉ trang bị cho học sinh phương pháp tiếp cận tác phẩm thông qua ngữ liệu mẫu. Đây là yêu cầu mới về phương pháp giảng dạy đối với môn Ngữ văn”, cô Hường chia sẻ thêm.

Học sinh tổ chức các hoạt động bộ môn bằng việc thiết kế trang phục văn hoá từ đồ dùng tái chế.

Học sinh tổ chức các hoạt động bộ môn bằng việc thiết kế trang phục văn hoá từ đồ dùng tái chế.

Đột phá trong đánh giá

Các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đều nhấn mạnh: Khuyến khích giáo viên xây dựng và sử dụng đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh; xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm.

Chia sẻ về công tác đánh giá và kiểm tra trong chương trình mới, cô Nguyễn Thị Lệ Hà cho biết: Hình thức kiểm tra đánh giá trong chương trình mới rất phong phú, do đó giảm phần nào áp lực cho học sinh; cấu trúc ma trận đề phù hợp giúp các em dễ lấy điểm trung bình và phát huy tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, một vài ngữ liệu kiểm tra ngoài sách giáo khoa dẫn đến khó khăn cho việc chọn của giáo viên, học sinh còn bỡ ngỡ với ngữ liệu mới.

Tại Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ), việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn 10 được thầy cô thực hiện linh hoạt với nhiều hình thức: Đặt câu hỏi, đối thoại trên lớp, phản hồi thường xuyên, tự đánh giá và đánh giá giữa các học sinh, đánh giá qua dự án, hồ sơ học tập...

“Kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn mới có điểm khác biệt rõ ràng so với cách học ở bậc THCS. Đó là ở trên lớp, các em học một bài và chỉ phải chuẩn bị kỹ bài đó, kết hợp với chú ý nghe cô giảng trên lớp là có thể đọc hiểu văn bản, yên tâm đi thi. Nhưng với chương trình mới, khi kiểm tra, học sinh tiếp cận và giải quyết một văn bản mới hoàn toàn, các tri thức ngữ văn mặc dù đã được giáo viên trang bị kỹ nhưng vẫn còn nhiều em lúng túng khi làm bài hoặc hạn chế ngôn từ khi diễn đạt” cô Nguyễn Thị Cẩm Hường thông tin.

Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, giáo viên cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cảm riêng trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật. Chia sẻ điều này, cô Lê Thị Bích Trân đồng thời trao đổi: Hai lần kiểm tra giữa kỳ I và cuối kỳ I ở lớp 10 vừa qua tại Trường THPT Tầm Vu, môn Ngữ văn cũng đã áp dụng cách ra đề mới.

“Đề kiểm tra chủ yếu đánh giá năng lực đọc hiểu và viết của học sinh với tỷ lệ 50 – 50. Phần đọc hiểu có hình thức trắc nghiệm và tự luận. Cách ra đề mới đã tạo bước đột phá mới cho cả thầy lẫn trò. Giáo viên tích cực hơn trong việc học hỏi, tìm kiếm những văn bản ngoài chương trình; học sinh sẽ hứng thú hơn trong học tập cũng như thi cử. Từ đó chất lượng dạy và học từng bước được cải thiện. Trong lần kiểm tra cuối kỳ I, tỷ lệ học sinh trên trung bình là 91,38%. Đây cũng là kết quả đáng ghi nhận sau một học kỳ cố gắng của giáo viên và học sinh khi bước đầu thực hiện chương trình mới”, cô Trân thông tin thêm.

Nhờ áp dụng phương pháp dạy học mới, trong học kỳ vừa qua, tiết học của cô Hường luôn sôi động. Học sinh tích cực phát biểu, tranh luận trong các hoạt động. Trong mỗi tiết dạy, hoạt động nhóm được tổ chức nhiều hơn nên sự thuyết giảng của thầy cô cũng giảm bớt lại. Cùng với đó là kỹ năng nói và nghe được thiết kế trong bài học giúp các em có cơ hội bày tỏ chính kiến, lớp học lúc nào cũng sôi nổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.