Dạy học môn tích hợp: Song song hay nối tiếp?

GD&TĐ - Chuyên gia chia sẻ về việc tổ chức dạy học 2 môn học mới ở THCS là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý; giúp nhà trường triển khai tốt hơn các môn học này sau gần 5 tuần triển khai.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Quận 1, TPHCM) trong giờ tìm hiểu lịch sử.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Quận 1, TPHCM) trong giờ tìm hiểu lịch sử.

Lịch sử - Địa lý: Dạy theo hướng song song

Môn Lịch sử và Địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung dạy học tương đối độc lập nhau, với 2 cách tiếp cận của khoa học Lịch sử và khoa học Địa lý khác nhau. Nhấn mạnh điều này, TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ 3 căn cứ khi xây dựng kế hoạch dạy học môn học, sắp xếp thời khóa biểu, đó là: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Lịch sử và Địa lý; Công văn số 2613/ BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021 - 2022; Công văn 3699/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021 - 2022.

Theo Công văn 2613/ BGDĐT-GDTrH, kế hoạch dạy học môn Lịch sử và Địa lý được xây dựng theo từng phân môn và các phân môn này được bố trí dạy học đồng thời trong từng kỳ học, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường. Công văn 3699/BGDĐT-GDTrH cũng nhấn mạnh lại điều này, đó là: Khi bố trí dạy học môn Lịch sử và Địa lý, phải chú ý bố trí đồng thời các phân môn Lịch sử và Địa lý. Như vậy, xây dựng kế hoạch dạy học môn Lịch sử và Địa lý theo hướng song song, bảo đảm thời lượng dạy học của môn học và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

“Về bố trí giáo viên (GV), Công văn 2613 hướng dẫn: Căn cứ tình hình đội ngũ GV của nhà trường, hiệu trưởng phân công GV dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn. Nghĩa là, tùy tình hình cụ thể, nhà trường có thể sắp xếp 1 GV dạy cả môn học, hoặc 2 GV dạy 2 phân môn, miễn sao phù hợp với năng lực chuyên môn của GV.

Bắt đầu từ lớp 7, lớp 8, lớp 9 có những chủ đề tích hợp; nếu trường hợp xếp 2 GV đảm nhận 2 phân môn, thì 2 GV cùng dạy trong một lớp sẽ phối hợp với nhau, làm sao để việc tổ chức dạy học các chủ đề thuận lợi và phù hợp nhất với chuyên môn của mỗi người; đồng thời bảo đảm hiệu quả thực hiện chương trình” - TS Nguyễn Thị Thu Thủy lưu ý thêm.

Trong giờ học tích hợp tại Trường THPT Lắk (tỉnh Đắk Lắk).
Trong giờ học tích hợp tại Trường THPT Lắk (tỉnh Đắk Lắk).

Khoa học tự nhiên: Dạy song song hoặc nối tiếp

Với môn Khoa học tự nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Biên, Phó Trưởng khoa Vật lý, Trường ĐHSP Hà Nội cũng dẫn 3 căn cứ: Chương trình môn Khoa học tự nhiên năm 2018; Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn 3699/BGDĐT-GDTrH.

Đây là một môn học gồm các mạch kiến thức: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm; đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Căn cứ tình hình đội ngũ GV của nhà trường, hiệu trưởng phân công GV dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kỳ, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.

PGS.TS Nguyễn Văn Biên cũng cho rằng: Mỗi hình thức tổ chức dạy học có ưu điểm và khó khăn riêng. Tùy vào điều kiện thực tiễn của nhà trường, hiệu trưởng quyết định tổ chức theo cách thức phù hợp.

Nếu tổ chức dạy học song song, ưu điểm là dễ xếp thời khóa biểu, dễ phân công GV; nhưng có thể trong 1 tuần HS phải học 4 tiết Khoa học tự nhiên, được dạy bởi 3 thầy cô khác nhau. Khi đó, cần lưu ý bảo đảm tính logic của môn học; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các GV khi dạy học, để HS có thể học môn Khoa học tự nhiên một cách thuận lợi. Hướng dẫn HS xây dựng hồ sơ học tập môn Khoa học tự nhiên cũng là một trong những giải pháp trong tổ chức dạy học, đánh giá năng lực của HS.

Nếu tổ chức dạy học tuần tự từng chủ đề theo chương trình thì ưu điểm là dễ bảo đảm logic các mạch nội dung; HS khá thuận lợi trong theo dõi sự phát triển mạch kiến thức. Tuy nhiên, với nhiều trường, thực hiện như vậy sẽ khó khăn trong xếp thời khóa biểu, cũng như khó trong phân công GV. Có thời điểm thầy cô sẽ phải dạy nhiều tiết và ngược lại.

Cần bảo đảm tính khoa học, sư phạm

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh: Về nguyên tắc phải bảo đảm logic của Chương trình môn Khoa học tự nhiên khi triển khai dạy học. Trường hợp nhà trường không đủ GV, không có cách nào bố trí, có thể sắp xếp thời khóa biểu dạy một số chủ đề đồng thời, nhưng phải bảo đảm tính khoa học, sư phạm.

Nghĩa là chủ đề được đẩy lên dạy trước so với trình tự của chương trình phải bảo đảm tính độc lập tương đối với các chủ đề học trước đó (tính đến thời điểm dạy học chuyên đề được đẩy lên), để bảo đảm học sinh đủ năng lực học tập. Tuy nhiên, cách làm này rất hãn hữu, không nên lạm dụng chỉ vì thuận lợi cho quản lý.

“Thực tế, nhiều trường xếp thời khóa biểu cho các lớp 7, 8, 9 vẫn theo cách cũ (chia đều số tiết các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ở tất cả các tuần), bởi vậy bố trí dạy Khoa học tự nhiên theo logic chương trình gặp khó khăn. Lý do, có những tuần GV được phân công dạy môn Khoa học tự nhiên có giờ dạy lớp 6 có thể sẽ vượt giờ chuẩn (quá 19 tiết); trong khi đó, các tuần không có giờ dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6 lại ít tiết.

Thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 5512, các trường không chia đều tiết theo tuần, bố trí thời khóa biểu cho GV dạy môn Khoa học tự nhiên trước, rồi từ đó xếp thời khóa biểu cho các lớp khối 7, 8, 9 sẽ thuận lợi hơn. Khi GV có giờ Khoa học tự nhiên thì các tuần đó điều chỉnh bớt 1 số tiết ở lớp khối 7, 8, 9. Các tiết này được xếp dồn vào các tuần trước, hoặc các tuần sau đó cho phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm cân đối về nội dung dạy học theo từng học kỳ” - PGS Nguyễn Xuân Thành lưu ý thêm.

Với băn khoăn về việc sử dụng sổ theo dõi đánh giá HS, PGS.TS Nguyễn Văn Biên dẫn Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá HS THCS và THPT. Theo đó, mỗi GV sẽ có sổ theo dõi và đánh giá HS của riêng mình. Trong trường hợp có nhiều GV cùng tham gia dạy học, thầy cô cùng thống nhất. Có thể thống nhất vào cuối kỳ, hoặc tốt hơn, trong các buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ bộ môn, thầy cô sẽ trao đổi về nội dung ghi vào sổ theo dõi và đánh giá HS theo lớp. Cuối học kỳ, thầy cô cùng ký ghi rõ họ tên vào cuối danh sách HS của từng môn học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ