Dạy môn tích hợp: Cần hiểu sâu, biết rộng

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022, lần đầu triển khai dạy môn Khoa học tự nhiên đối với lớp 6. Bởi vậy, giáo viên cần chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy để có thể bắt nhịp với yêu cầu của môn học.

Năm học 2021 - 2022, lần đầu tiên triển khai môn Khoa học tự nhiên đối với lớp 6. Ảnh minh họa
Năm học 2021 - 2022, lần đầu tiên triển khai môn Khoa học tự nhiên đối với lớp 6. Ảnh minh họa

Sẵn sàng tâm thế

Theo thầy Lâm Đại Đồng – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Như Xuân (Thanh Hoá), tuy thuộc vùng đặc biệt khó khăn nhưng công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa để dạy học môn Khoa học tự nhiên đối với lớp 6 của trường đã ổn định. Nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục, trong đó phân công những giáo viên “cứng” dạy lớp 6.

Riêng với môn Khoa học tự nhiên, ngoài việc bố trí 1 giáo viên cốt cán phụ trách, nhà trường đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên bộ môn Sinh học, Hoá học, Vật lý về phương pháp dạy học tích hợp để có thể sẵn sàng dạy môn Khoa học tự nhiên khi được yêu cầu.

“Thời điểm này, chúng tôi yêu cầu giáo viên tự bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, chủ động nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa của môn học để thẩm thấu những điểm mới và điều cần lưu ý khi dạy học tích hợp môn Khoa học tự nhiên”, thầy Đồng chia sẻ.

Khi nói đến môn Khoa học tự nhiên lần đầu tiên có ở bậc học phổ thông, cô Nguyễn Thị Thúy Hồng - giáo viên Vật lý, Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng có chút lo lắng, không biết chương trình, sách giáo khoa và phân công giảng dạy sẽ như thế nào. Trong khi từ trước đến nay, cô chỉ được đào tạo chuyên sâu một bộ môn.

“Lo lắng cũng qua khi chúng tôi được tiếp cận với Chương trình mới, SGK mới. Trên quan điểm dạy học tích hợp, chương trình vẫn được chia thành các chủ đề khoa học. Vì vậy, nếu giáo viên có sự chuẩn bị về dạy tích hợp và tìm ra các kiến thức liên quan giữa các mạch chủ đề để có sự kết hợp với đồng nghiệp, việc giảng dạy sẽ không quá khó khăn”, cô Hồng chia sẻ.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của năm học, cô Hồng đã chuẩn bị tâm thế và chủ động đổi mới phương pháp dạy – học. Cô tham dự nghiêm túc các buổi tập huấn do sở, phòng GD&ĐT và nhà trường tổ chức. Đồng thời, chủ động thay đổi phương pháp, kỹ thuật dạy học, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện dạy học… Đặc biệt, cô chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi vai trò của giáo viên trong giảng dạy.

Bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: Phòng đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, lập danh sách giáo viên theo nhóm các môn học, trong đó có môn Khoa học tự nhiên. Ngoài ra, phòng GD&ĐT mời tác giả viết sách để tập huấn cho giáo viên.

Giáo viên cần chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy để có thể bắt nhịp với yêu cầu của môn học. Ảnh chụp ở thời điểm chưa có dịch Covid-19
Giáo viên cần chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy để có thể bắt nhịp với yêu cầu của môn học. Ảnh chụp ở thời điểm chưa có dịch Covid-19

Giáo viên phải thay đổi

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Khoa học tự nhiên được thiết kế từ các bộ môn gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học. GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trao đổi: Chương trình môn Khoa học tự nhiên được thiết kế thành 4 mạch chủ đề chung: Chất và sự biến đổi của chất; Vật sống; Năng lượng và sự biến đổi; Trái đất và bầu trời. Mỗi chủ đề vận dụng kiến thức của một ngành khoa học, tạo điều kiện cho giáo viên vốn được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm có thể thực hiện chương trình. Dĩ nhiên nhà trường và tổ bộ môn sẽ phân công một cách hợp lý, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên dạy các phân môn.

Về phương pháp dạy học, có hai điều quan trọng cần chú ý: Tuy dạy theo phân môn nhưng giáo viên phải dạy mỗi phân môn trên nguyên tắc liên hệ chặt chẽ với phân môn khác. Hơn nữa, giáo viên phải chú trọng khắc phục lối dạy lý thuyết đơn thuần. Thầy cô chú ý trang bị cho học sinh công cụ làm việc, tư duy phản biện và khả năng ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trước nay, giáo viên chủ yếu dạy chuyên sâu một môn học, việc tích hợp nhiều môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi giáo viên phải có năng lực hiểu sâu và rộng mọi lĩnh vực, đây là thách thức lớn đối với giáo viên và nhà trường.

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn - Trưởng nhóm xây dựng Chương trình môn Khoa học tự nhiên khẳng định: Môn học có kết cấu chặt chẽ. Việc dạy học ở cấp THCS linh hoạt theo điều kiện thực tế và sự sắp xếp của mỗi trường. Các tổ chuyên môn phân công dạy mạch chủ đề phù hợp với chuyên môn của từng giáo viên, trên cơ sở bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các thầy cô bộ môn trong việc dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đây là giải pháp mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện. “Tuy nhiên, cốt lõi của việc dạy học môn Khoa học tự nhiên nằm ở kỹ thuật giảng dạy của giáo viên phải thay đổi” - PGS.TS Mai Sỹ Tuấn nói.

Nhấn mạnh đến 5 nguyên lý cơ bản của dạy học tích hợp, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn viện dẫn: Đây là tính đa dạng, cấu trúc, biến đổi, vận động và hệ thống. Giáo viên dạy theo mạch chủ đề nào cũng phải bám sát các nguyên lý trên. Nói cách khác, 5 nguyên lý đó chính là sợi dây kết nối bài học. Tuy nhiên, để các thầy, cô có thể dạy tốt môn Khoa học tự nhiên, cần quan tâm, chú trọng đến công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.