Dạy học môn Ngoại ngữ 2: Khó triển khai do thiếu giáo viên, kinh phí

GD&TĐ - Việc tổ chức, đào tạo, đánh giá đối với môn Ngoại ngữ 2 trong các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) đang thu hút được sự quan tâm của các trường.

Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp (TPHCM). Ảnh: Nam Sơn
Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp (TPHCM). Ảnh: Nam Sơn

Để đạt được hiệu quả đối với môn học tự chọn này không phải là điều đơn giản bởi các trường trong cảnh thiếu giáo viên, kinh phí…

Thiếu giáo viên lẫn kinh phí

Trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở cấp THPT, bên cạnh những môn học bắt buộc có các môn học tự chọn đó là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Đối với môn Tiếng dân tộc thiểu số, số lượng các trường trên toàn quốc áp dụng vào các lớp học không nhiều bằng môn Ngoại ngữ 2. Chính vì lẽ đó, sự quan tâm của các trường đối với môn Ngoại ngữ 2 là rất lớn, nhất là trong bối cảnh quỹ thời gian chuẩn bị cho năm học mới không còn nhiều.

Theo thầy Nguyễn Trần Khánh Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, Quận 3 (TPHCM), việc tổ chức dạy ngoại ngữ 2 ở các trường THPT chưa phổ biến, bởi quá trình tổ chức phụ thuộc vào điều kiện của các trường như: Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, nhu cầu của học sinh…

“Trong thời gian qua, Trường THPT Marie Curie và một số trường THPT trên địa bàn TPHCM đã dạy tiếng Pháp là môn Ngoại ngữ 2 cho học sinh nhưng số lượng vẫn còn khiêm tốn. Các hoạt động kiểm tra, đánh giá đều được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT”, thầy Bảo cho biết.

Một trong những vấn đề mà các trường THPT quan tâm là quá trình mời giáo viên về giảng dạy môn Ngoại ngữ 2. “Nếu mời giáo viên thỉnh giảng thì phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiêu chí như có bằng đại học, có nghiệp vụ sư phạm. Nếu vậy việc tìm nguồn và tiền công chi cho giáo viên ở đâu?”, Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Tân Phú (TPHCM) nêu câu hỏi.

Trong khi đó, thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp (TPHCM) lại cho rằng: Không chỉ khó khăn trong khâu tìm kiếm giáo viên dạy Ngoại ngữ 2, việc học sinh được chọn các tổ hợp môn trong rất nhiều tổ hợp cũng là thách thức rất lớn về vấn đề đội ngũ giáo viên.

“Nhân sự sẽ phải tính toán, sắp xếp lại, chắc chắn sẽ có những tổ hợp môn thiếu giáo viên. Ngoài môn Ngoại ngữ 2 còn có các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ, Công nghiệp… đối diện với tình trạng này”, thầy Hải chia sẻ.

Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1 (TPHCM), thời gian qua, nhà trường nhận được sự hỗ trợ của một số đối tác trong việc dạy Ngoại ngữ 2 cho học sinh (Viện Goethe TPHCM hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Đức, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại TPHCM hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Hàn…).

Theo cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, nhiều học sinh của trường đã đăng ký học Ngoại ngữ 2 và tập trung đầu tư thời gian học cả trong dịp hè, nhất là những em có định hướng du học trong tương lai. Mặc dù vậy, với số tiết học Ngoại ngữ 2 còn khiêm tốn trong thời khóa biểu, việc tuyển chọn nhân sự cho môn Ngoại ngữ 2 cũng khá phức tạp, liên quan đến việc tuyển giáo viên chính thức hay thông qua hình thức thỉnh giảng hợp đồng nên chất lượng chưa được như mong muốn.

Một tiết học của học sinh Trường THPT Marie Curie, Quận 3 (TPHCM). Ảnh: Nam Sơn
Một tiết học của học sinh Trường THPT Marie Curie, Quận 3 (TPHCM). Ảnh: Nam Sơn 

Cần hướng dẫn cụ thể

Trong bối cảnh còn có nhiều lúng túng để tổ chức dạy môn học tự chọn Ngoại ngữ 2, một số trường kiến nghị Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn tổ chức dạy, kiểm tra, đánh giá đối với môn học tự chọn (Ngoại ngữ 2) trong các cơ sở GDPT.

Thầy Nguyễn Trần Khánh Bảo chia sẻ: “Các trường đang chuẩn bị điều kiện để có thể tổ chức dạy học Ngoại ngữ 2 cho học sinh theo khung chương trình của Bộ. Với nhiều thay đổi khi tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018, việc hướng dẫn tổ chức dạy, kiểm tra, đánh giá đối với môn Ngoại ngữ 2 nên sớm được thực hiện. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết để các trường vận dụng và tổ chức dạy Ngoại ngữ 2 đạt hiệu quả, phù hợp với mục tiêu và định hướng của Chương trình GDPT 2018 cũng như nguyện vọng của học sinh”.

Theo cô Vũ Thị Ngọc Dung, vấn đề dạy các môn học tự chọn nói chung, Bộ GD&ĐT đã có quy định sử dụng sách giáo khoa các môn học, tài liệu tự chọn nâng cao do Bộ ban hành, thực hiện theo thời lượng quy định tại kế hoạch giáo dục cấp THPT.

Bộ cũng yêu cầu các trường THCS, THPT chủ động xây dựng kế hoạch dạy học bám sát cho từng lớp, ổn định trong từng học kỳ để ôn tập, hệ thống hoá, khắc sâu kiến thức, kỹ năng các môn học; bố trí thời lượng cho mỗi môn, chỉ đạo các tổ chuyên môn hỗ trợ giáo viên chuẩn bị kế hoạch bài dạy. Mặc dù vậy, đối với môn Ngoại ngữ 2, với những đặc thù riêng, cần có những hướng dẫn cụ thể, giúp các trường chủ động hơn trong quá trình đào tạo.

“Theo tôi, không chỉ môn Ngoại ngữ 2 mà môn Nội dung giáo dục của địa phương cũng rất cần những hướng dẫn cụ thể của Bộ. Đây là  môn học đặc thù, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị, như các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, địa phương mới giúp học sinh thu hoạch kiến thức một cách hiệu quả”, cô Vũ Thị Ngọc Dung bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ