Chương trình môn Tiếng Pháp
Nội dung cốt lõi của môn Tiếng Pháp bao gồm các chủ điểm, chủ đề và các kỹ năng ngôn ngữ cơ bản: nghe, nói, đọc, viết. Kiến thức ngôn ngữ gồm: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp trong quá trình rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết cơ bản.
Điểm khác biệt nhất so với các chương trình trước đây là chương trình tiếng Pháp - Ngoại ngữ 2 được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy học.
Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào 5 kỹ năng lớn: Nghe, nói tương tác, nói độc thoại, đọc và viết. Để đạt được yêu cầu này, nội dung cần dạy còn bao gồm kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng) và kiến thức văn hóa.
Hướng chủ đạo của phương pháp dạy học là thông qua thực hành giao tiếp ngôn ngữ để học sinh nắm được các kiến thức ngôn ngữ, văn hóa Pháp.
Kiểm tra, đánh giá bao gồm cả định lượng (cho điểm) và định tính (nhận xét, xếp loại), kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh đánh giá lẫn nhau và học sinh tự đánh giá. Đa dạng hóa các hình thức và phương pháp đánh giá như: bài thi (bài kiểm tra) theo hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan; kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, bài tập nhóm, sản phẩm học tập...
Điều kiện thực hiện chương trình là có đủ giáo viên dạy tiếng Pháp đạt yêu cầu về năng lực chuyên môn. Giáo viên cần phải được tập huấn về toàn bộ nội dung của chương trình; hằng năm phải được tạo điều kiện tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài nước để cập nhật các kiến thức ngôn ngữ, văn hóa mới và các phương pháp dạy học hiện đại.
Đồng thời, có đủ cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học... theo tiêu chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT.
Chương trình môn Tiếng Nga
Chương trình môn Tiếng Nga - Ngoại ngữ 2 được xây dựng theo các chủ điểm, cụ thể hóa thông qua các chủ đề ở từng bậc trình độ. Việc sắp xếp chủ đề cho từng chủ điểm ở mỗi bậc căn cứ vào mức độ yêu cầu về kiến thức ngôn ngữ cần có để thực hiện các hoạt động giao tiếp trong từng chủ đề, đồng thời có xét đến yếu tố độ tuổi và tâm sinh lý của học sinh...
Chương trình chia thành 2 giai đoạn. Kết thúc giai đoạn 1, năng lực giao tiếp bằng tiếng Nga của học sinh tương đương với bậc 1; kết thúc giai đoạn 2, năng lực giao tiếp bằng tiếng Nga của học sinh tương đương với bậc 2.
Phương pháp dạy học tập trung vào việc hình thành và rèn luyện các kỹ năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nga; lấy người học làm trung tâm của quá trình dạy học; áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, đề cao vai trò tự học của học trò, kết hợp với sự hướng dẫn của giáo viên; tạo môi trường học tập thân thiện, xây dựng cho học sinh niềm đam mê với môn học.
Về đánh giá, cần kết hợp giữa kiểm tra, đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ tổng hợp và kiểm tra, đánh giá từng mặt riêng biệt, bao gồm kiểm tra đánh giá kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp), kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) và kiến thức văn hóa, đất nước học.
Kiểm tra, đánh giá bao gồm cả định lượng (cho điểm) và định tính (nhận xét, xếp loại), kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh đánh giá lẫn nhau và học sinh tự đánh giá.
Chương trình môn Tiếng Đức
Để giúp học sinh hình thành năng lực giao tiếp và giao tiếp liên văn hóa, chương trình tập trung vào 5 chủ điểm mà học sinh ở lứa tuổi thanh thiếu niên quan tâm như: Cuộc sống thường nhật, Văn hóa và xã hội; Giáo dục và đào tạo; Công nghệ và truyền thông; Thiên nhiên.
Hệ thống chủ điểm được cụ thể hóa thông qua các chủ đề ở từng bậc trình độ. Việc sắp xếp chủ đề cho từng chủ điểm ở mỗi bậc căn cứ vào mức độ yêu cầu về kiến thức ngôn ngữ cần có để thực hiện các hoạt động giao tiếp trong từng chủ đề, đồng thời có xét đến yếu tố độ tuổi và tâm sinh lý của học sinh.
Liên quan đến những chủ điểm nói trên, chương trình đưa ra những gợi ý về chủ đề, về kỹ năng ngôn ngữ (kỹ năng giao tiếp) và kiến thức ngôn ngữ trong dạy học tiếng Đức ở bậc 1 và bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.
Kiểm tra, đánh giá bao gồm cả định lượng (cho điểm) và định tính (nhận xét, xếp loại), kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh đánh giá lẫn nhau và học sinh tự đánh giá. Đa dạng hóa các hình thức và phương pháp đánh giá như: bài thi (bài kiểm tra) theo hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan; kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, bài tập nhóm, sản phẩm học tập... Điều kiện thực hiện yêu cầu giống như chương trình môn Tiếng Pháp...
Chương trình môn Tiếng Trung Quốc
Nội dung cốt lõi của môn học bao gồm các chủ đề và kiến thức ngôn ngữ: ngữ âm, từ vựng, chữ Hán, ngữ pháp, được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp trong quá trình rèn luyện, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết cơ bản.
Các chủ điểm gần gũi với học sinh, được lặp lại, nâng cao và chia thành các chủ đề, đưa ra yêu cầu cần đạt về kĩ năng và kiến thức ngôn ngữ Hán một cách cụ thể...
Đường hướng chủ đạo của phương pháp dạy học là thông qua thực hành giao tiếp ngôn ngữ. Hoạt động dạy học được tổ chức thông qua môi trường giao tiếp đa dạng, phong phú với cách hoạt động tương tác giữa học sinh và giáo viên; học sinh với học sinh; học sinh, giáo viên với SGK và các nguồn học liệu khác. Các hoạt động dạy học được thực hiện đồng đều trên các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó nghe và nói đi trước một bước...
Kiểm tra, đánh giá bao gồm cả định lượng (cho điểm) và định tính (nhận xét, xếp loại); đa dạng hóa các hình thức và phương pháp đánh giá...
Chương trình môn Tiếng Nhật
Chương trình môn Tiếng Nhật có tổng thời lượng 735 tiết, chia thành 2 giai đoạn: Kết thúc giai đoạn 1, trình độ năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật của học sinh tương đương với bậc 1; kết thúc giai đoạn 2, trình độ năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật của học sinh tương đương với bậc 2.
Chương trình được xây dựng theo chủ điểm, lấy chủ điểm làm trục chính. Trong chương trình, nội dung chủ điểm được coi là cơ sở cho việc lựa chọn nội dung các bài học, bài tập và hoạt động trong mỗi bài học. Do vậy, chủ điểm sẽ chi phối việc lựa chọn và tổ chức nội dung ngữ liệu trong chương trình.
Nội dung dạy học từng năm được xây dựng chi tiết dựa trên chủ điểm, chủ đề và các yêu cầu cần đạt về kỹ năng ngôn ngữ phục vụ giao tiếp. Chương trình cũng đưa ra danh mục một số cấu trúc ngữ pháp cần thiết và gợi ý về cách phân bố cấu trúc ngữ pháp ở các bậc trong chương trình, tương ứng với các chủ điểm, chủ đề và yêu cầu cần đạt về kỹ năng ngôn ngữ... Chương trình nhấn mạnh chú ý hình thành cho học sinh cách học, tự học...