Dạy học môn Hóa học: Trăm nghe không bằng một thấy

GD&TĐ - Thời gian qua, hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Hóa học đã được Sở GD&ĐT Kon Tum chỉ đạo nhà trường và Tổ phương pháp lưu động bộ môn Hóa học triển khai. 

Dạy học môn Hóa học: Trăm nghe không bằng một thấy

Hiệu quả của những biện pháp này thể hiện rõ ở việc học sinh yêu thích môn học hơn, chất lượng giảng dạy nâng lên rõ rệt, đặc biệt giáo viên hầu như không còn lúng túng trong việc đổi mới phương pháp dạy học.

Dùng nhiều hình thức giúp học sinh khắc sâu kiến thức

Theo thầy Nguyễn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum - với giờ dạy lý thuyết, Sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên tổ chức học sinh tiếp thu kiến thức một cách tích cực, khắc sâu kiến thức bằng nhiều hình thức. 

Có thể nói đến việc tăng cường câu hỏi nhằm củng cố kiến thức bài học, thời gian hướng dẫn học sinh về nhà phù hợp, nội dung ghi bảng ngắn gọn và cô đọng. 

Quan trọng hơn là phát huy tối đa tính tích cực của học sinh trong tiết học bằng nhiều hình thức như sử dụng phương pháp phiếu học tập, học phải đi đôi với hành...

Cùng một yêu cầu về kiến thức, thầy Nguyễn Hóa cho rằng phải có hệ thống câu hỏi cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, sử dụng nhiều cách hỏi khác nhau để tất cả học sinh đều có thể tiếp thu được. Lưu ý, trong mỗi tiết dạy, giáo viên cần rèn luyện kỹ năng viết phương trình phản ứng hóa học cho học sinh bằng cách gọi lên bảng viết.

“Với tinh thần đổi mới kiểm tra đánh giá, để học sinh làm bài kiểm tra có chất lượng, giáo viên cần lồng ghép bài tập trắc nghiệm khách quan vào trong giờ dạy lý thuyết, nhằm củng cố kiến thức và kiểm tra được nhận thức của học sinh ngay tại lớp. 

Vì thế, việc chuẩn bị phiếu học tập cho học sinh là rất cần thiết. Nội dung phiếu học tập nhất thiết phải có hệ thống bài tập trắc nghiệm khách quan ở nhiều mức độ kiến thức khác nhau ứng với từng đơn vị kiến thức. 

Đồng thời, cần có những câu trắc nghiệm khách quan mang tính chất tổng hợp kiến thức sau mỗi bài học” - Thầy Nguyễn Hóa nhấn mạnh.

Trăm nghe không bằng một thấy

Khi nói đến việc sử dụng đồ dùng trực quan, thầy Nguyễn Hóa nêu quan điểm: “Trăm nghe không bằng một thấy”, điều này hoàn toàn đúng đối với bộ môn Hoá học. Mặt khác, với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, việc chuyển từ ngôn ngữ nói sang hình vẽ minh họa sẽ giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn.

“Giáo viên có dạy hay đến đâu đi chăng nữa, học sinh có xác định đúng đắn mục tiêu học tập của mình thì hiệu quả cũng bị giảm nếu không kết hợp học với hành. 

Để học sinh nắm vững và nhớ lâu kiến thức căn bản thì việc học trên lý thuyết phải gắn liền với thực hành. Song song với việc làm thí nghiệm trong các giờ học lý thuyết, tăng cường sử dụng tranh ảnh trong các tiết bài tập, nhằm kích thích sự hứng thú của học sinh” - Thầy Nguyễn Hóa khẳng định.

Bên cạnh những lưu ý trong sử dụng đồ dùng trực quan, nhà trường cần tăng cường các tiết dạy rút kinh nghiệm, đặc biệt chọn tiết dạy luyện tập, dạy phụ đạo. 

Thầy Nguyễn Hóa cho biết, thực tế trong những năm học vừa qua, nhiều trường THPT đã triển khai dạy rút kinh nghiệm mỗi tuần một tiết đối với một môn học. 

Sau tiết dạy, được đồng nghiệp cùng tham gia dự giờ góp ý, rút kinh nghiệm, giáo viên sẽ nhận ra được những thiếu sót của mình và kịp thời điều chỉnh khi giảng dạy ở những lớp khác.

Với dạy lý thuyết Hóa học, bên cạnh dạy và học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học cho học sinh, các trường THPT tại Kon Tum còn tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác. 

Theo đó, hoạt động hợp tác trong nhóm nhỏ từ 4 - 6 học sinh. Cách này làm tăng hiệu quả học tập, nhất là lúc phải giải quyết những vấn đề gay cấn, lúc xuất hiện thực sự nhu cầu phối hợp giữa các cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ chung. 

Hoạt động theo nhóm nhỏ sẽ không thể có hiện tượng ỷ lại; tính cách năng lực của mỗi thành viên được bộc lộ, uốn nắn, phát triển tình bạn, ý thức tổ chức, tinh thần tương trợ.

Đón đầu lỗi sai của học sinh

Với môn Hóa học, Sở GD&ĐT Kon Tum chỉ đạo cụ thể đến từng trường THPT việc thực hiện các tiết luyện tập. Một trong những yêu cầu đối với tiết học này là giáo viên phải đón đầu lỗi sai của học sinh.

Để làm được điều này, giáo viên cần sưu tầm nhiều dạng bài tập với giả thuyết của bài toán có nhiều bẫy học sinh dễ mắc phải; từ đó có biện pháp sửa sai cho từng bài tập cụ thể và lưu ý rộng ra các bài tập tương tự. 

Nếu là câu hỏi trắc nghiệm khách quan, phải chọn những câu hỏi hay, có nội dung để đánh giá khả năng ở mức trí lực cao như: Phân tích, tổng hợp, so sánh, óc quan sát tinh vi…

Theo thầy Nguyễn Hóa, với tiết bài tập Hóa học, việc chuẩn bị giáo án là yếu tố rất quan trọng. Trong giáo án phải thể hiện được hệ thống bài tập một cách logic. 

Giáo viên cần biết đón đầu những lỗi học sinh sẽ mắc phải để từ đó chọn bài tập. Bài tập phải được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó. Và điều đặc biệt là các bài tập phải có mối liên quan với nhau. 

Song song với việc chuẩn bị giáo án, việc thực hiện một tiết giải bài tập như thế nào cho có hiệu quả cũng là một trong những yếu tố quyết định kết quả học tập của học sinh.

“Sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên cần tăng cường rèn kĩ năng làm bài tập trắc nghiệm khách quan thông qua việc rèn kĩ năng làm bài tập tự luận. 

Bởi bài tập trắc nghiệm khách quan dùng để củng cố kiến thức ở mức độ biết, hiểu thì thật sự có ưu điểm, nhưng ở mức độ phân tích, tổng hợp, đánh giá và thực nghiệm thì bị hạn chế. 

Nguyên nhân bởi nó không cho phép kiểm tra khả năng sáng tạo, khả năng tổng hợp kiến thức cũng như những phương pháp tư duy, suy luận, giải thích của học sinh.

Vì vậy, trong các tiết luyện tập giáo viên nên tăng cường lồng ghép bài tập kết hợp trắc nghiệm khách quan với tự luận. Tức là mỗi câu hỏi trắc nghiệm khách quan được đặt thêm một yêu cầu giải thích: 

“Hãy giải thích một cách ngắn gọn tại sao em lại chọn phương án đó?”. Với yêu cầu như vậy, bắt buộc học sinh phải dùng cách hành văn của chính mình để viết ra lời giải hoặc lời giải thích để chứng minh cho lựa chọn của mình là đúng” - Thầy Nguyễn Hóa cho hay.

Thực hiện nghiêm túc chấm, trả bài kiểm tra

Với việc chấm và trả bài kiểm tra, Sở GD&ĐT Kon Tum đã chỉ đạo các trường học yêu cầu giáo viên thường xuyên chấm, trả bài đúng thời gian quy định. 

Trong các tiết trả bài kiểm tra giáo viên đặc biệt chú ý đến vấn đề sửa sai cho học sinh. Có nhận xét vào bài kiểm tra của học sinh và ghi lời khuyên của mình để học sinh khắc phục trong những bài kiểm tra sau.

Thầy Nguyễn Hóa nhận định, với tất cả những hoạt động đổi mới như trên, kết quả thu được rất khả quan. Học sinh yêu thích môn học hơn, có thái độ học tập tích cực, chủ động, biết hợp tác với bạn bè trong giờ học. 

Kĩ năng tự học của học sinh cũng tốt hơn. Giờ học trở nên sôi nổi, học sinh được làm quen với nhiều hình thức học tập đa dạng, phong phú. 

Chất lượng giảng dạy được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua các bài kiểm tra như kiểm tra một tiết, kiểm tra cuối học kỳ và kết quả Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua...

“Dạy học bám sát đối tượng cũng là một lưu ý quan trọng trong dạy học Hóa học. Bởi, cho dù giáo viên sử dụng bất cứ giải pháp nào để nâng cao chất lượng nhưng thiếu sự quan tâm đến từng đối tượng thì hiệu quả sẽ vẫn thấp. Chính vì vậy, tâm huyết với nghề và sự tận tâm đối với học sinh là điều không thể thiếu đối với mỗi thầy cô giáo".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ