Dạy học kết nối tạo dấu ấn đổi mới giáo dục vùng cao

GD&TĐ - Những tiết học kết nối với phương pháp dạy học sáng tạo góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu đổi mới Chương trình GDPT 2018.

Tiết học kết nối của Trường Tiểu học Kim Đồng (Lào Cai) với Trường PTDTBT Tiểu học Khoen On (Lai Châu).
Tiết học kết nối của Trường Tiểu học Kim Đồng (Lào Cai) với Trường PTDTBT Tiểu học Khoen On (Lai Châu).

Các trường vùng cao Tây Bắc đang linh hoạt vận dụng, khai thác hiệu quả hình thức này.

Đổi mới phương pháp dạy học

Với quan điểm đổi mới và hội nhập trên cơ sở “đoàn kết - vượt khó - sáng tạo”, ngành Giáo dục thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước triển khai chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục. Địa phương cũng đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Cô Đoàn Thị Duyến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Cường, thành phố Lào Cai cho biết: “Đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu tất yếu trong giáo dục thời đại công nghệ 4.0. Nhiều năm qua, trường tổ chức dạy học kết nối trên cơ sở chỉ đạo của sở, phòng GD&ĐT về triển khai mô hình 3 - 2 - 1 trong nhà trường (kết nối tối thiểu 3 trường trong tỉnh, 2 trường ngoài tỉnh, 1 trường nước ngoài). Qua đó, từng tổ, khối chuyên môn và giáo viên xây dựng kế hoạch môn học có nội dung kết nối”.

Theo cô Duyến, cơ sở vật chất nhà trường đáp ứng yêu cầu dạy học kết nối. Toàn bộ lớp học có mạng Internet, máy chiếu. Về phía giáo viên xây dựng kế hoạch có ít nhất 1 tiết dạy kết nối và phải lựa chọn, nghiên cứu trên cơ sở chương trình từng môn, liên môn. Qua đó, tích hợp nội dung phù hợp sau đó thống nhất kế hoạch môn học kết nối.

Dẫn chứng về môn Lịch sử, cô Duyến chia sẻ: Với di tích lịch sử, để học sinh tìm hiểu sâu hơn, nhà trường nghiên cứu thêm từ nhân chứng sống rồi đưa vào bài giảng cho phù hợp. Đồng thời, xem xét nội dung, từng phần hoặc cả bài để triển khai dạy kết nối.

Mới đây, tiết học kết nối môn Đạo đức lớp 3 được cô Nguyễn Thị Mỹ Linh - giáo viên chủ nhiệm lớp 3A2, Trường Tiểu học Nam Cường cùng hướng dẫn viên du lịch Hải Anh tổ chức tìm hiểu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tiết học kết nối với giáo viên và học sinh lớp 4 của trường.

Qua tiết học, học trò được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo, hiểu ý nghĩa Khuê Văn Các, Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; giáo viên có cơ hội làm quen, học hỏi kinh nghiệm tổ chức kết nối, đúc rút phương pháp dạy, cách học và ý thức học tập của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết thêm: “Tiết học đã khẳng định sự cần thiết việc ứng dụng công nghệ thông tin mức độ cao trong dạy và học. Đây cũng là thách thức đòi hỏi mỗi thầy cô nỗ lực trong việc tự học và bồi dưỡng để sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học hiện đại. Từ đó, linh hoạt và sáng tạo trong đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thời đại công nghệ”.

Tiết học kết nối của Trường Tiểu học Nam Cường, thành phố Lào Cai tìm hiểu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tiết học kết nối của Trường Tiểu học Nam Cường, thành phố Lào Cai tìm hiểu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hợp tác, chia sẻ chuyên môn

Cô Hoàng Thị Hương Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Lào Cai chia sẻ: “Trao đổi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy kết nối giữa các trường trong và ngoài tỉnh là hoạt động hiệu quả đối với cán bộ, giáo viên nhà trường. Chúng tôi đã tổ chức 2 tiết dạy kết nối (Tiếng Việt lớp 1, Tự nhiên và Xã hội lớp 2) để trao đổi, chia sẻ chuyên môn với Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên”.

Theo đó, 2 tiết học kết nối sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy như: Hỏi đáp, quan sát, thực hành… cùng một số kỹ thuật dạy học phù hợp thu hút sự chú ý, khích lệ tính tích cực, phát huy năng lực học sinh.

Cô Bùi Thị Thúy (Trường Tiểu học Kim Đồng, Đại Từ, Thái Nguyên) nhận nhiệm vụ giảng dạy bài “Giữ sạch nhà ở”, môn Tự nhiên Xã hội lớp 2A2. Cô đã tích hợp STEM vào dạy học. Cùng đó, sử dụng phương pháp lớp học đảo ngược, giúp học sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức mới; chia sẻ, vận dụng nội dung đã học vào thực hành một cách hiệu quả.

“Bài học STEM Làm đồ dùng thân thiện không chỉ giúp học sinh hiểu lợi ích việc bảo vệ môi trường, các em còn được thực hành làm đồ dùng đơn giản trong gia đình với nguyên liệu dễ tìm kiếm”, cô Bùi Thị Thúy thông tin.

Thông qua 2 tiết dạy, cán bộ quản lý, giáo viên 2 điểm cầu cùng nhau chia sẻ chuyên môn. Thầy cô Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) hào hứng với hoạt động, kỹ thuật cũng như hình thức tổ chức 2 tiết dạy.

Bà Vũ Thị Bích Hường – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đại Từ bày tỏ mong muốn tiếp tục tổ chức dạy học kết nối trực tuyến, chia sẻ chuyên môn trực tiếp với Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Lào Cai thời gian tới.

Tại Lai Châu, Trường PTDTBT Tiểu học Khoen On, huyện Than Uyên là 1 trong 5 đơn vị thực hiện thí điểm dạy học ứng dụng STEM của tỉnh. Trường đã kết nối với Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Lào Cai để học hỏi kinh nghiệm tổ chức giảng dạy và hoạt động tiết học STEM.

Cô Nguyễn Thị Hạnh - giáo viên chủ nhiệm lớp 3A2, Trường PTDTBT Tiểu học Khoen On chia sẻ: “Sau tiết học, ngoài nội dung giáo dục STEM, chúng tôi còn học hỏi nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học giúp học sinh phát triển năng lực phẩm chất. Đặc biệt, giáo viên nắm bắt được các bước trong quy trình tổ chức bài học STEM cho học sinh, khối lớp, nhà trường”.

Mặc dù, tiết học được giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng giảng dạy với lớp 5. Tuy nhiên, thầy Hiệu trưởng Phạm Hữu Trung cho hay, Trường PTDTBT Tiểu học Khoen On đã bố trí các tổ trưởng cùng dự để học tập. Qua đó, rút kinh nghiệm về triển khai tại đơn vị.

“Chúng tôi chỉ đạo các cơ sở giáo dục vận dụng sáng tạo, phù hợp đặc điểm của trường để dạy học kết nối trên tinh thần chọn lọc, từng bước triển khai, rút kinh nghiệm và đánh giá mức độ thành công sau đó nhân rộng. Mục tiêu cốt lõi giúp học sinh, giáo viên vùng khó được giao lưu, học cách dạy và học của vùng thuận lợi. Từ đó, hướng đến giáo dục hội nhập ngoài huyện, tỉnh và quốc tế”, ông Trịnh Ngọc Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ