Tăng kết nối, tương tác trong dạy học theo chương trình mới

GD&TĐ - Một trong những vấn đề đang được các nhà trường chú trọng khi triển khai dạy học theo chương trình mới đó là sự tăng cường kết nối, tương tác giữa thầy cô giáo và học sinh.

Cô và trò trường Tiểu học Tràng Xá (Võ Nhai, Thái Nguyên)
Cô và trò trường Tiểu học Tràng Xá (Võ Nhai, Thái Nguyên)

Giáo viên chủ động trong xây dựng Kế hoạch dạy học

Năm học 2021 - 2022, chương trình mới đang được triển khai đối với các khối lớp 1 và 2 ở bậc tiểu học, khối lớp 6 ở bậc THCS. Thực tế cho thấy, đang có những thay đổi mới mẻ, mà trước hết chính là ở khâu chuẩn bị của giáo viên.

Thay vì soạn giáo án cho tiết học như trước đây, giáo viên thực hiện chương trình mới sẽ xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề, bài học, xuyên suốt và kết nối qua các giờ học khác nhau. Mỗi kế hoạch dạy học sẽ triển khai các hoạt động chính như: Mở đầu; hình thành kiến thức mới; luyện tập; vận dụng. Trong mỗi hoạt động này, người dạy đều tiến hành các bước cơ bản như: Chuyển giao nhiệm vụ; thực hiện nhiệm vụ; báo cáo và thảo luận; kết luận và nhận định.

Một hoạt động nhóm trong giờ học của các em học sinh lớp 6, trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên
Một hoạt động nhóm trong giờ học của các em học sinh lớp 6, trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên

Cô giáo Nguyễn Vân Anh (giáo viên trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên) hiện đang được phân công dạy bộ môn Khoa học Tự nhiên và môn Công nghệ của khối lớp 6. Để xây dựng kế hoạch dạy học, với chuyên môn về Vật lý, cô đã phải dành rất nhiều công sức và thời gian, phối hợp với các đồng nghiệp chuyên ngành Hóa học, Sinh học để thống nhất được nội dung, cách thức lên lớp.

“Sự phối hợp, thống nhất chặt chẽ giữa các giáo viên là vô cùng quan trọng, để học sinh không cảm thấy nhiều sự khác biệt trong cùng môn học. Chúng tôi thường xuyên phải ngồi cùng nhau, từ việc lên ý tưởng tổ chức hoạt động, phân chia tiết dạy, cho đến tổ chức chấm bài, đánh giá” - cô giáo Nguyễn Vân Anh cho biết.

Về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung (TP Thái Nguyên) cho biết: Nhà trường có 5 giáo viên thuộc đội ngũ cốt cán bộ môn của tỉnh, cho nên ngoài việc tập huấn cho cấp thành phố thì lại vẫn có điều kiện truyền tải, trao đổi kĩ lưỡng thêm một lần nữa tại trường cho các đồng nghiệp. Nhờ vậy, việc tiếp cận, nắm bắt phương pháp mới với giáo viên nhà trường tương đối thuận lợi.

“Nhà trường có giáo viên cốt cán ở cả bộ môn tổ hợp như Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, cả bộ môn có tính chuyên biệt như Nghệ thuật, Thể dục. Chúng tôi tổ chức cho từng nhóm giáo viên chuyên môn thường xuyên bàn bạc, nghiên cứu, cùng xây dựng kế hoạch dạy học. Bắt đầu triển khai phương pháp mới, rất cần sự thảo luận, thống nhất”.

Cô giáo Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung (TP Thái Nguyên)

Học sinh được tăng cường tương tác

Tại trường Tiểu học Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên), các trang thiết bị dạy học đáp ứng chương trình mới như máy chiếu, tivi thông minh được ưu tiên đầy đủ cho khối lớp 1 và 2.

Sự đổi mới trong phương pháp dạy học tích cực giúp cho việc tương tác của học sinh được tăng cường rõ rệt. Các em học sinh được thảo luận, đưa ra ý kiến của mình, cùng bạn bè trao đổi theo từng nhóm, khiến cho không khí giờ học trở nên nhẹ nhàng, hào hứng.

Là người trực tiếp dạy học khối lớp 1, cô giáo Hoàng Thị Tám (giáo viên chủ nhiệm lớp 1A) cho biết cả cô và trò đều thấy hứng thú với những phương pháp mới, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm có lồng ghép nội dung kiến thức với kỹ năng như các hoạt động ở CLB hát then, đàn tính, cờ vua… 

Các em học sinh lớp 1, trường Tiểu học Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên) chủ động, mạnh dạn trong tương tác
Các em học sinh lớp 1, trường Tiểu học Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên) chủ động, mạnh dạn trong tương tác

Đối với khối lớp 6 của trường THCS Quang Trung (TP Thái Nguyên), sau cuối mỗi giờ học, các em học sinh thường được cô giáo ra vấn đề để về nhà tìm hiểu, nghiên cứu, suy nghĩ cách giải quyết, sau đó trình bày kết quả ở giờ học sau. Trên lớp, các em được chia cặp hoặc phân nhóm, tham gia các trò chơi học tập để giải quyết tình huống trong bài.

“Triển khai theo phương pháp dạy học mới, học sinh được chủ động, tham gia nhiều hoạt động, được tương tác với bạn cũng như với thầy cô nhiều hơn. Đặc biệt là với môn tổ hợp như Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội, trước cùng một vấn đề, các em có thể vận dụng nhiều kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau để xem xét giải quyết” - cô giáo Nguyễn Vân Anh trao đổi.

Có thể thấy, mặc dù thời gian đầu còn ít nhiều bỡ ngỡ để tiếp cận và làm quen phương pháp học mới, đến nay phần nhiều các em học sinh đã tỏ ra chủ động, thể hiện được khả năng tương tác tốt, nhờ đó việc dạy học theo chương trình mới đang đạt những kết quả tích cực. 

“Tuy là học trò người dân tộc thiểu số, nhưng các em tiếp cận các nội dung chương trình mới khá thuận lợi. Nhiều em thể hiện kỹ năng giao tiếp tốt, mạnh dạn và tự tin chứ không còn rụt rè e ngại như những ngày đầu đến lớp”.

Cô giáo Hoàng Thị Tám (Trường Tiểu học Thần Sa, Võ Nhai, Thái Nguyên)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ