'Dạy học dự án' giúp học trò đam mê Lịch sử

GD&TĐ - Công tác tại Trường THCS Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội) từ năm 2013, cô Nguyễn Thị Phượng áp dụng nhiều phương pháp giáo dục sáng tạo.

Học sinh Trường THCS Gia Thụy đi trải nghiệm và học về lịch sử địa phương tại đình Lệ Mật, phường Việt Hưng.
Học sinh Trường THCS Gia Thụy đi trải nghiệm và học về lịch sử địa phương tại đình Lệ Mật, phường Việt Hưng.

Trong đó có mô hình “dạy học dự án” để truyền cảm hứng môn Lịch sử cho học trò.

Đổi mới phương pháp

Cô Phượng cho rằng nhận thức đúng đắn về lịch sử, quá khứ và hiện tại đang diễn ra là cơ sở để mỗi người, mỗi dân tộc hoạch định tương lai của mình. Bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông có lượng kiến thức rất phong phú về thế giới và dân tộc.

Tuy nhiên, do đặc trưng của bộ môn, đối tượng của lịch sử là sự kiện đã diễn ra, không thể tái hiện hay trực tiếp quan sát, mà chỉ được phản ánh qua nguồn sử liệu, nên một số học sinh chưa hứng thú với môn học này. Làm sao để giúp các em nhận thức được lịch sử một cách chính xác, chân thực như nó đã tồn tại là nỗi trăn trở của cô Phượng trong suốt những năm tháng đứng lớp.

Hơn 20 năm trong nghề, 10 năm gắn bó với Trường THCS Gia Thụy, công việc tuy không mới nhưng cô Phượng luôn đổi mới phương pháp dạy học, khơi nguồn sáng tạo cho các em.

Cô đã biến mỗi giờ dạy Lịch sử không phải là nhồi nhét sự kiện, con số, ngày tháng, mà quan trọng là giáo dục truyền thống, giúp học sinh biết tích hợp, xâu chuỗi, liên kết kiến thức Lịch sử với môn học khác. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của đất nước và Thủ đô; biết xác định nhiệm vụ học tập để hội nhập quốc tế.

“Tôi lựa chọn các chủ đề lịch sử ngay tại quê hương Long Biên, định hướng cách tiếp cận để các em thấy yêu thích và tìm hiểu. Ở từng bài học, tôi hướng dẫn học trò sưu tầm tranh ảnh tư liệu lịch sử, trong đó có các cổ vật Long Biên, vẽ tranh trên giấy A0 giới thiệu về di tích lịch sử đình Gia Thụy và khu Gò Mộ Tổ, đình Lệ Mật…

Các em học sử bằng phương pháp tranh biện, trao đổi nhóm, vẽ sơ đồ tư duy, chơi trò chơi, đóng kịch hoặc gặp gỡ nhân chứng để nghe kể chuyện lịch sử nên rất hào hứng”, cô Phượng tâm sự.

Ngoài ra, cô Phượng còn tổ chức các buổi học thực nghiệm, ngoại khóa, đưa các em đi tham quan các điểm di tích. Đó là con đường ngắn nhất giúp học trò thấy yêu lịch sử, có ý thức giữ gìn, phát huy và bảo tồn di tích địa phương bằng việc làm thiết thực.

Cô Nguyễn Thị Phượng đã gắn bó với Trường THCS Gia Thụy hơn 10 năm.

Cô Nguyễn Thị Phượng đã gắn bó với Trường THCS Gia Thụy hơn 10 năm.

Học mà chơi, chơi mà học

Không chỉ vậy, cô Nguyễn Thị Phượng đã cùng đồng nghiệp xây dựng “Lớp học vui vẻ” trong tiết học Lịch sử. Để giờ học cuốn hút học trò, cô đã đưa cách thức “Học mà chơi, chơi mà học”. Đó là những trò chơi tương tác vừa tạo hứng thú, kích thích sự tò mò, ham học hỏi của các em, biến giờ học Lịch sử không nhàm chán, nặng nề, khô khan.

Để lan tỏa niềm đam mê chuyên môn tới các đồng nghiệp trong trường, trong quận và toàn thành phố, nữ nhà giáo đã xây dựng và tham gi các nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” và “Lan tỏa niềm đam mê Lịch sử” bằng việc sử dụng hiệu quả trang “Trường học kết nối”.

Cô cũng tham gia các nhóm Zalo chuyên môn, đặc biệt thông qua buổi sinh hoạt theo chuyên đề nghiên cứu bài học như: Chuyên đề đổi mới sinh hoạt nhóm chuyên môn và tham gia diễn đàn mạng; Đổi mới dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh môn Lịch sử và Địa lý lớp 6 trong Chương trình GDPT mới.

Song song với việc dạy học, cô Phượng đã có hơn mười năm cùng đồng nghiệp tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cấp quận môn Lịch sử. Bằng sự tâm huyết, sáng tạo, cô Phượng đã có phần thưởng xứng đáng là 20 học sinh đoạt giải học sinh giỏi môn Lịch sử cấp thành phố; hàng chục em đỗ vào lớp 10 chuyên Sử của trường như: THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn; THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Trường THPT Chu Văn An…

Chia sẻ về đồng nghiệp của mình, cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Gia Thụy, đánh giá cao những đóng góp, tinh thần đổi mới sáng tạo trong công tác giảng dạy của cô Phượng.

Là Tổ phó chuyên môn, cô Phượng luôn nêu cao tinh thần học hỏi, cầu thị và lắng nghe từ những người đi trước. Trên cơ sở đó, cô tận dụng tiến bộ của công nghệ vào soạn giảng để đem đến cho học sinh những bài học sinh động, hấp dẫn. Mọi công việc được giao, cô Phượng đều nỗ lực hoàn thành xuất sắc; thái độ sống chan hòa nên mọi người rất quý mến.

Có hai con được cô Phượng dạy bảo, chị Nguyễn Thị Mùi cho biết: “Cô Phượng luôn tận tụy với công việc và yêu thương học trò. Đặc biệt, cháu lớn nhà tôi được cô định hướng cho học Lịch sử dù bố mẹ muốn con theo học Văn. Nhờ có cô Phượng truyền ngọn lửa đam mê, dìu dắt và giúp đỡ cộng với sự nỗ lực của bản thân, cháu đã tham gia các kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp quận, thành phố.

Sau đó, cháu được tuyển vào lớp 10 chuyên Sử của Trường THPT Chu Văn An và năm lớp 12 đoạt giải Nhì quốc gia môn Lịch sử. Hiện tại, cháu là sinh viên năm 2 của Trường ĐH Luật Hà Nội. Con vẫn luôn nhắc nhớ tới công lao dạy dỗ và truyền cảm hứng học tập của cô Phượng”.

Hơn 20 năm trong nghề, cô Nguyễn Thị Phượng có 13 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp thành phố năm học 2021 - 2022; Giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp thành phố môn Lịch sử năm học 2013 - 2014; Giải Ba cấp thành phố Cuộc thi dạy học tích hợp liên môn và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn năm học 2016 - 2017; 8 năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp quận; 9 năm có sáng kiến kinh nghiệm xếp loại B, C cấp thành phố; 2 sáng kiến được Hội đồng khoa học sáng kiến thành phố công nhận năm 2019, 2022.

Cô Phượng đã hướng dẫn cho học sinh 3 dự án đoạt giải (Nhất, Nhì, Ba) cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học cấp thành phố, quốc gia; Giải Nhất “Nhà giáo Long Biên tâm huyết, sáng tạo” lần thứ sáu năm 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.