Tuy nhiên, kiến thức về nguyên lí làm việc của các hệ thống trong động cơ đốt trong là nội dung mang tính trừu tượng, học sinh không thể trực tiếp quan sát, tri giác được.
Để tiếp thu được nội dung này học sinh phải hình dung, tưởng tượng, phải thực hiện các thao tác tư duy dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Do đó gây ra nhiều khó khăn cho học sinh trong việc tiếp nhận cũng như khắc sâu kiến thức của bài học, dẫn đến sự say mê, yêu thích môn học của học sinh không nhiều, chất lượng và hiệu quả của giờ học chưa cao.
Theo thầy Hoàng Văn Hoan - Giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hưng Yên), phương pháp dạy phần nguyên lí làm việc của một số hệ thống trong động cơ đốt trong đang được sử dụng phổ biến hiện nay đó là:
Giáo viên hướng dẫn học sinh làm việc thông qua một số câu hỏi gợi mở; học sinh nghiên cứu sách giáo khoa, quan sát sơ đồ cấu tạo rồi tiến hành tư duy, hình dung, tưởng tượng và rút ra nguyên lí làm việc của hệ thống.
Sau đó, giáo viên tóm tắt và kết luận lại cho học sinh về nguyên lí làm việc của hệ thống dưới dạng lí thuyết.
Cách thực hiện như vậy thực tế gây không ít khó khăn cho cả giáo viên lẫn học sinh. Kiến thức về nguyên lí làm việc của các hệ thống trong động cơ đốt trong là lí thuyết, chúng thường mờ nhạt và trừu tượng. Do đó học sinh rất khó khăn trong quá trình tiếp nhận cũng như khắc sâu kiến thức vừa nghiên cứu.
Trước thực tế này, thầy Hoàng Văn Hoan - Giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hưng Yên) - cho rằng: Sử dung sơ đồ khối sẽ giúp giáo viên dễ dàng truyền đạt kiến thức về nguyên lí làm việc của một số hệ thống trong động cơ đốt trong.
Có thể khái quát như sau: Giáo viên yêu cầu học sinh nghiên cứu sách giáo khoa, quan sát sơ đồ cấu tạo của hệ thống. Thông qua một số câu hỏi gợi mở, hướng dẫn học sinh tiến hành tư duy và xây dựng sơ đồ khối thể hiện nguyên lí làm việc của hệ thống.
Giáo viên nên sử dụng giáo án điện tử đểrút ngắn thời gian vẽ sơ đồ và nhất là tạo sinh động hơn trong tiết học, thu hút được học sinh, làm cho học sinh có sự hứng thú và say mê môn học.
Thầy Hoàng Văn Hoan giới thiệu một số vận dụng cụ thể sơ đồ khối vào một số bài dạy như sau:
Nguyên lí làm việc của hệ thống bôi trơn cưỡng bức
Trường hợp 1: Khi hệ thống làm việc bình thường
Dầu bôi trơn chảy trong hệ thống theo sơ đồ khối như sau:
Giải thích nguyên lí theo sơ đồ:
Khi động cơ làm việc, dầu bôi trơn được bơm dầu hút từ cacte dầu đưa qua lưới lọc và bầu lọc để lọc sạch rồi đưa qua van khống chế đến đường dầu chính rồi theo các đường ống đến bôi trơn các bề mặt ma sát của động cơ, sau đó trở về cacte.
Trường hợp 2: Khi áp suất của dầu bôi trơn vượt quá giá trị cho phép
Dầu bôi trơn chảy trong hệ thống theo sơ đồ khối như sau:
Giải thích nguyên lí theo sơ đồ:
Khi áp suất của dầu bôi trơn vượt quá giá trị cho phép thì van an toàn mở để một phần dầu từ sau bơm chảy ngược về trước bơm làm giảm áp suất của dầu xuống. Khi đó hệ thống làm việc theo trường hợp bình thường.
Trường hợp 3: Khi nhiệt độ của dầu cao quá giới hạn định trước
Dầu bôi trơn chảy trong hệ thống theo sơ đồ khối như sau:
Giải thích nguyên lí theo sơ đồ:
Khi nhiệt độ của dầu cao quá giới hạn định trước thì van khống chế đóng lại để toàn bộ lượng dầu chảy qua két làm mát dầu, làm nhiệt độ của dầu giảm xuống. Khi đó dầu bôi trơn được bơm dầu hút từ cacte dầu đưa qua lưới lọc và bầu lọc để lọc sạch rồi đưa qua két làm mát đến đường dầu chính, theo các đường ống đến bôi trơn các bề mặt ma sát của động cơ, sau đó trở về cacte.
Nguyên lí làm việc của hệ thống làm mát bằng nước loại tuần hoàn cưỡng bức
Trường hợp 1: Khi nhiệt độ nước trong áo nước còn thấp hơn giới hạn định mức.
Nước làm mát chảy trong hệ thống theo sơ đồ khối như sau:
Giải thích nguyên lí theo sơ đồ:
Khi nhiệt độ nước trong áo nước còn thấp hơn giới hạn định mức thì van hằng nhiệt chỉ mở cửa thông với đường ống số 8 để nước chảy thẳng về bơm.
Khi đó nước làm mát được bơm nước hút từ két nước đưa đến các áo nước để làm mát các chi tiết, sau đó dược đưa qua van hằng nhiệt, theo đường ống số 8 chảy thẳng về bơm tạo thành vòng tuần hoàn khép kín.
Trường hợp 2: Khi nhiệt độ nước trong áo nước xấp xỉ giới hạn định mức
Nước làm mát chảy trong hệ thống theo sơ đồ khối như sau:
Giải thích nguyên lí theo sơ đồ:
Khi nhiệt độ nước trong áo nước xấp xỉ giới hạn định mức thì van hằng nhiệt mở cả cửa thông với đường ống số 8 và cửa thông với két nước.
Khi đó nước làm mát được bơm nước hút từ két nước đưa đến các áo nước để làm mát các chi tiết, sau đó dược đưa qua van hằng nhiệt, một phần theo đường ống số 8 chảy thẳng về bơm còn một phần chảy qua két nước để làm mát trước khi đưa đến bơm tạo thành vòng tuần hoàn khép kín.
Trường hợp 3: Khi nhiệt độ nước trong áo nước vượt quá giới hạn định mức
Nước làm mát chảy trong hệ thống theo sơ đồ khối như sau:
Giải thích nguyên lí theo sơ đồ:
Khi nhiệt độ nước trong áo nước vượt quá giới hạn định mức thì van hằng nhiệt chỉ mở cửa thông với két nước. Khi đó nước làm mát được bơm nước hút từ két nước đưa đến các áo nước để làm mát các chi tiết, sau đó dược đưa qua van hằng nhiệt rồi chảy qua két nước để làm mát trước khi đưa đến bơm tạo thành vòng tuần hoàn khép kín.
Nguyên lí làm việc của hệ thống đánh lửa điện tử không tiếp điểm
Trường hợp 1: Khi mở khoá điện
Dòng điện chạy trong hệ thống theo sơ đồ khối như sau:
Giải thích nguyên lí theo sơ đồ:
Khi mở khoá điện và ma-nhê-tô hoạt động thì các sức điện động xoay chiều trên các cuộn dây WN và WĐK của ma-nhê-tô được đưa đến bộ chia điện. Nhờ tác dụng của bộ chia điện, dòng điện được đưa đến biến áp đánh lửa. Tại đây nó tạo ra tia lửa điện và đặt ở bugi.
Trường hợp 2: Khi đóng khoá điện
Dòng điện chạy trong hệ thống theo sơ đồ khối như sau:
Giải thích nguyên lí theo sơ đồ:
Khi đóng khoá điện thì điện từ cuộn WN của ma-nhê-tô sẽ truyền qua khoá điện ra “mát”. Khi đó hệ thống đánh lửa ngừng làm việc.
Thầy Hoàng Văn Hoan nhận định: Sử dụng sơ đồ khối để dạy phần nguyên lí làm việc của một số hệ thống trong động cơ đốt trong là cách làm phù hợp với thực tiễn của quá trình đổi mới phương pháp dạy học môn Công nghệ trong nhà trường phổ thông, phù hợp với tinh thần đổi mới chương trình, sách giáo khoa và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học môn công nghệ hiện nay.
Cách làm này thực chất là biến những gì thuộc về lí thuyết, trừu tượng thành cái cụ thể, quan sát được. Đồng thời nó cũng phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, kích thích sự say mê, hứng thú học tập của học sinh.