Trẻ em phải học cách tồn tại, phát triển và điều hướng thế giới. Trẻ làm được điều đó thông qua việc thử và làm sai. Điều đó có nghĩa là trẻ sẽ mắc lỗi và hành động sai trái.
Tuy nhiên, trước khi cho rằng, hành vi của con mình là hư hoặc chống đối, phụ huynh hãy dừng và lùi lại. Sau đó, nên coi rằng hành vi của con mình có thể phù hợp với lứa tuổi. Điều này đặc biệt xảy ra với trẻ nhỏ.
Bà Alyson Schafer, tác giả cuốn “Honey, I Wrecked the Kids”, cho biết: “Trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo không cư xử ác ý. Chúng đang cố gắng đáp ứng nhu cầu của mình, cho dù đó là sự chú ý hay mong muốn được đi ngủ muộn hơn”. Vì vậy, nếu đứa trẻ 2, 3 hoặc 4 tuổi có hành vi không tốt, cha mẹ hãy tìm hiểu về những việc làm gây khó chịu nhất của trẻ nhỏ. Đồng thời, hiểu lý do hành động đó xảy ra và biết cách kiềm chế trẻ.
Không lắng nghe
Khi cha mẹ yêu cầu con đặt iPad xuống để vào bồn tắm, có vẻ như trẻ đang giả vờ không nghe thấy. Tiến sĩ Shefali Tsabary, tác giả cuốn “The Awaken Family”, giải thích: “Là cha mẹ, chúng ta thường đi đến kết luận rằng, con trẻ đang cố tình không lắng nghe phụ huynh. Tuy nhiên, thông thường, trẻ chỉ mất tập trung hoặc vui quá nên không chú ý đến”.
Cha mẹ hãy giúp trẻ thấy được lợi ích của việc lắng nghe. Bắt đầu bằng cách cho thấy rằng, phụ huynh hiểu quan điểm của trẻ. Phụ huynh có thể nói: “Mẹ thấy con đang xây dựng một khối tháp. Thật không dễ để ngừng chơi. Vấn đề là chúng ta cần phải tắm trước khi đi ngủ”. Sau đó, phụ huynh hãy trao lại quyền lực vào tay trẻ.
Trong khi đó, bà Joanna Faber, nhà giáo dục phụ huynh và đồng tác giả của cuốn “How to Talk So Little Kids Will Listen”, cho biết: “Suốt cả ngày, trẻ được bảo phải làm gì và không ai thích điều đó”. Hãy thử đưa ra lựa chọn: “Con muốn nhảy như thỏ hay trườn như rắn trên đường đi vệ sinh?”. Nếu trẻ tiếp tục phớt lờ phụ huynh, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng, con cần có cơ hội để cảm thấy kiểm soát được.
Trong trường hợp đó, phụ huynh hãy tìm nhiều cách hơn để giúp trẻ có tiếng nói trong những việc khác trong ngày, cho dù là để con chọn quần áo hay chọn giữa hai hoạt động khác nhau.
Nếu trẻ có hành vi không tốt, cha mẹ hãy tìm hiểu về những việc làm gây khó chịu nhất của con. |
Thiếu khả năng kiềm chế
Theo Tiến sĩ Lise Eliot, Phó Giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Y khoa và Khoa học Rosalind Franklin ở Bắc Chicago, Illinois (Mỹ), trẻ nhỏ có năng lượng để bộc lộ, nhưng lại thiếu khả năng kiềm chế cơ thể.
Trẻ càng mệt mỏi hoặc bị kích thích quá mức thì càng khó kiểm soát hành động của mình. Vì việc ồn ào là điều bình thường trong quá trình phát triển, nên phụ huynh hãy cho con mình tự do chạy nhảy ngoài trời hoặc trong một căn phòng được thiết lập cho mục đích này.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, hoạt động thể chất có thể cải thiện hành vi, những vấn đề về cảm xúc, sức khỏe tâm thần và sức khỏe tâm lý xã hội.
Do đó, cha mẹ hãy tận dụng những lợi ích này bằng cách dành nhiều thời gian cho hoạt động thể chất và ứng biến nếu ra ngoài. Nhà giáo dục phụ huynh Faber gợi ý: “Hãy thử giao cho con mình một nhiệm vụ, chẳng hạn như chọn táo hoặc xếp đồ lên quầy thanh toán”.
Bắt đầu bồn chồn
Mặc dù thật tuyệt khi đi ăn tối cùng gia đình, nhưng việc đưa trẻ nhỏ đến nhà hàng thường không phải là một trải nghiệm ăn uống thư giãn. Đó là một bối cảnh cổ điển cho một đứa trẻ nghịch ngợm.
Tiến sĩ Tsabary nói: “Trẻ chỉ có thể chú ý và tập trung một khoảng thời gian ngắn. Một khi vượt quá khoảng thời gian đó, trẻ sẽ không thể ngồi yên hoặc kiên nhẫn chờ đợi”.
Tuy nhiên, cha mẹ có thể thực hiện một số bước để chuẩn bị cho con mình thành công. Tiến sĩ Tsabary gợi ý: “Hãy mang theo sách tô màu hoặc đồ chơi nhỏ để khiến trẻ bận rộn. Đồng thời, hãy mang bữa ăn của trẻ ra bàn cùng thời điểm với tất cả thành viên trong gia đình. Đừng để trẻ ăn sớm hơn mọi người. Bởi, nếu không, trẻ sẽ ăn xong trước và phải chờ mọi người”.
Một lưu ý khác là cha mẹ hãy yêu cầu hóa đơn ngay khi thức ăn được mang đến. Như vậy, phụ huynh có thể ra ngoài nhanh chóng, hoặc ngay khi nhận thấy trẻ cảm thấy khó chịu. Nếu đang ở cùng gia đình hoặc bạn bè và không thể rời đi, tất nhiên là các phụ huynh nên đưa cho trẻ mượn máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh của mình sau khi bé đã ăn xong.
Trẻ càng mệt mỏi hoặc bị kích thích quá mức thì càng khó kiểm soát hành động của mình. |
Nhẹ nhàng khuyên nhủ
Khi trẻ bước vào trường mầm non, trẻ có thể bắt đầu có thái độ ngổ ngáo. Sau đó, vào một ngày, khi cha mẹ nói với con mình rằng, đã đến lúc cất đồ chơi và đi ăn tối, trẻ có thể chống tay lên hông và nói: “Yêu cầu đó thật ngu ngốc!”. Trong tình huống như vậy, không ít phụ huynh cảm thấy “sốc” và vô cùng phẫn nộ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cha mẹ không nên coi đó là chuyện cá nhân. Tiến sĩ Laura Markham, tác giả cuốn sách “Peaceful Parent, Happy Kids”, giải thích: “Trẻ có thể tức giận với cha mẹ, nhưng chúng chỉ đang sao chép những gì bản thân nghe được từ một đứa trẻ khác nói”. Trong trường hợp này, cha mẹ nên nhắc nhở trẻ: “Chúng ta không gọi như vậy với những người trong gia đình mình vì điều đó làm tổn thương cảm xúc của mọi người”.
Phụ huynh cũng nên giúp trẻ giải mã cảm xúc của mình. Hãy nói điều gì đó như: “Mẹ thấy con đang tức giận. Có lẽ, con ước gì mình có thể tiếp tục vui vẻ”. Sau đó, khi trẻ bình tĩnh lại, hãy đề xuất một số cách hay hơn để con có thể cho cha mẹ biết cảm giác của mình.
Nổi cơn thịnh nộ
Mặc dù có vẻ như trẻ đang cư xử mọi thứ theo chiều hướng đầy kịch tính, nhưng sự thật là chúng không thể kiềm chế được những cảm xúc lớn của mình.
Tiến sĩ Eliot cho biết: “Trẻ em ở độ tuổi này không thể gạt bỏ cảm giác thất vọng như hầu hết người lớn. Đồng thời, không phải lúc nào trẻ cũng có vốn từ vựng để diễn đạt những cảm giác đó”. Thông thường, điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn. Đó là: Trẻ nổi cơn thịnh nộ, cha mẹ phản ứng một cách giận dữ. Khi đó, phụ huynh càng trở nên khó chịu hơn.
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), cơn giận dữ là một phần bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Chúng thường bắt đầu vào khoảng 1 tuổi và trở nên tồi tệ hơn từ 2 - 3 tuổi trước khi giảm dần. Mục tiêu của cha mẹ là có ít phản ứng hơn căng thẳng và hỗ trợ trẻ nhiều hơn.
Tiến sĩ Eliot nói: “Hãy cho con bạn không gian để suy sụp, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải đưa chúng sang một phòng khác”. Khóc có tác dụng trị liệu và giải phóng hormone gây căng thẳng.
Phụ huynh hãy cố gắng đừng bao giờ nhượng bộ những yêu cầu của con mình khi trẻ đang bộc phát. Nếu không, trẻ sẽ học được rằng, bày tỏ sự phù hợp là một chiến lược hiệu quả để đạt được điều bản thân muốn. Tuy nhiên, hãy thông cảm và thấu hiểu. Đồng thời, cha mẹ hãy trấn an trẻ rằng, phụ huynh luôn ở đó khi con cần.
Suy nghĩ tích cực
Việc chứng kiến trẻ xô đẩy hoặc thậm chí đánh một đứa trẻ khác có thể thực sự rất đau lòng đối với các phụ huynh. Chắc chắn là cha mẹ sẽ cảm thấy bối rối. Tuy nhiên, một phần nhỏ trong lòng phụ huynh cũng không thể không tự hỏi rằng, liệu hành động đó ở trẻ có báo hiệu một vấn đề tình cảm nghiêm trọng nào hay không.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cha mẹ không nên lo lắng. Hầu hết trẻ mới biết đi đều có một số hành vi hung hăng. Song, hầu hết trẻ đều học cách để trở nên không hung hăng về mặt thể chất khi bắt đầu đi học mẫu giáo. Theo AAP, trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo thiếu khả năng tự chủ. Vì vậy, trẻ có thể có những hành vi bạo lực khi thể hiện sự tức giận.
Trong khi chờ đợi trẻ bình tĩnh, cha mẹ có thể làm mẫu hành vi nhẹ nhàng với thú cưng và búp bê để chứng minh cho con mình thấy cách nên đối xử với người khác. Phụ huynh cũng có thể đề xuất một số cách có thể chấp nhận được để bày tỏ sự thất vọng đối với hành vi sai trái ở trẻ.
Nếu trẻ không hài lòng về việc phải chia sẻ trong một buổi đi chơi, cha mẹ hãy dạy con rằng, bé có thể nói: “Tôi không muốn chơi với bạn lúc này” và bỏ đi. Đồng thời, hãy cho trẻ biết rằng, con luôn có thể đến gặp cha mẹ để được giúp đỡ.