Lâu nay, việc giáo viên đánh học sinh tuy là số ít nhưng vẫn thường xuyên xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến môi trường giáo dục. Nhiều giáo viên bị kỷ luật, phải công khai xin lỗi và có trường hợp buộc phải ra khỏi ngành vì có hành vi bạo lực đối với học sinh...
Giáo viên đánh học sinh với nhiều nguyên nhân khác nhau như học sinh nghịch ngợm, học kém, không nghe lời, không làm bài tập..., nhưng vì lý do gì đi chăng nữa thì việc giáo viên đánh học sinh là hành vi không thể chấp nhận được.
Tình trạng giáo viên đánh học sinh khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng giáo viên không còn biện pháp giáo dục nào khác? Biện pháp dùng đòn roi có phải là biện pháp cuối cùng hay không? Hay giáo viên có thể đang bất lực hoặc thiếu các kỹ năng giáo dục đối với học sinh...
Dạy dỗ học sinh bằng đòn roi không làm cho các em thông minh hay ngoan ngoãn hơn mà sẽ có tác dụng ngược như làm cho học sinh bướng bỉnh hơn, thiếu tôn trọng giáo viên và có thể sa sút trong học tập… Luật trẻ em năm 2016 nghiêm cấm hành vi bạo lực đối với trẻ em, vì vậy, không chỉ là giáo viên mà cả phụ huynh học sinh nếu sử dụng bạo lực đối với học sinh là hành vi vi phạm pháp luật, nhẹ thì bị xử lý vi phạm hành chính, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự.
Để giáo dục học sinh chưa ngoan cần phải áp dụng các biện pháp mền dẻo, khoa học, chú trọng đến yếu tố tâm lý, nêu gương…và cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. Khi áp dụng hình phạt đối với học sinh phải tuân thủ theo quy chế, không sử dụng hình phạt tùy tiện, phản cảm, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của học sinh…
Để giáo dục học sinh, trước hết mỗi giáo viên phải biết tự kiềm chế, tìm tòi biện pháp giáo dục học sinh một cách tối ưu nhất, vừa nhẹ nhàng, vừa khéo léo, vừa tình cảm và tuyệt đối không sử dụng đòn roi đối với học sinh trong bất cứ hoàn cảnh nào./.