Ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em: Trách nhiệm trước hết từ người lớn

GD&TĐ - Nhiều vụ bạo hành với trẻ em đã liên tiếp xảy ra, điều này đã ảnh hưởng tới thể chất và tâm hồn của các em. Bởi vậy, để đẩy lùi nạn bạo lực cần sự chung tay từ gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này đã đưa ra vấn đề, việc bạo hành trẻ cần phải được xử lý nghiêm minh.

Ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em: Trách nhiệm trước hết từ người lớn

Vụ cháu bé 1 tuổi ở Hà Nam bị người giúp việc bạo hành, hay vụ việc mà các cô nuôi ở Trường Mầm non Mầm Xanh trên đường HT05 (quận 12, TPHCM) đánh trẻ khiến nhiều cha mẹ lo lắng hoang mang khi phải giao con mình cho người khác.

Trong clip đăng tải trên mạng về Trường Mầm non Mầm Xanh, mỗi khi cho trẻ ăn các bảo mẫu lại dọa nạt và đánh đập các con. Nhiều trẻ bị đánh thẳng vào mặt, thậm chí bị đẩy đầu vào tường. Đặc biệt cứ đến giờ nghỉ trưa, hễ bé nào khóc, bảo mẫu lại xách bổng lên rồi ném mạnh xuống nền nhà…

Những đứa trẻ vô tội này không chỉ đau đớn về thân thể, mà còn rơi vào khủng hoảng tinh thần một cách nặng nề. Các vụ việc như thế này sẽ để lại di chứng nặng nề nếu gia đình và xã hội không kịp thời phát hiện.

Tại Đối thoại “Lan tỏa Yêu thương - Chấm dứt những hình phạt thể chất và tinh thần & Thúc đẩy phương pháp kỷ luật không bạo lực” do Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững tổ chức, nhiều đại biểu đã lên tiếng về vấn đề nên đưa các hành vi bạo hành trẻ vào luật để xử lý.

Đề cập đến Khung pháp lý về bảo vệ trẻ em trên thế giới và ở Việt Nam, bà Hoàng Thị Tây Ninh - đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em SI đã nêu: “Liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, các Ủy ban của Liên Hiêp Quốc quan tâm đến vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực”. Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em cũng đề cập đến các vấn đề về bảo vệ Quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã ký cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu 16/2 về các vấn đề bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, nói về tính khả thi của việc đưa ra luật cấm các hình phạt thể chất và tinh thần đối với Trẻ em, bà Phan Thị Hiền Anh - Chuyên viên Phòng Bảo vệ Trẻ em (Cục Bảo vệ Trẻ em) cho biết: “Đối với Luật Trẻ em 2016, để ra được Luật, Cục trẻ em cũng đã trải qua 2 năm để thay đổi từng câu chữ.

Quan niệm truyền thống vẫn xem việc đánh, mắng con là việc gia đình là một trong những khó khăn để thay đổi vấn đề. Có 3 cấp độ bảo vệ trẻ em: Cấp độ phòng ngừa - Cấp độ hỗ trợ - Cấp độ can thiệp.

Do đó, chúng ta nên tập trung vào 2 cấp độ đầu tiên, trước tiên nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Việc đưa các luật cấm các hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ có thể được xem là phương án cuối cùng. Vấn đề đặt ra ở đây là cần các tài liệu truyền thông và đảm bảo việc tiếp nhận thông tin của công chúng”.

Ở Việt Nam, liên quan đến khung pháp lý về bảo vệ trẻ em có Luật Trẻ em 2016, Luật Hôn nhân và Gia đình 2017, Luật Giáo dục 2005, Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 và Luật Hình sự. Điều 26, Luật Trẻ em 2016 ghi rõ trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, không bị bỏ rơi, bỏ mặc, được phát triển an toàn.

Tuy nhiên, trong tất cả các luật liên quan đến trẻ em, các hình phạt thể chất và tinh thần vẫn chưa được hiểu đúng mức, chưa được làm rõ ở bất kỳ điều luật nào. Trên thực tế, việc bố mẹ đánh con, quát mắng như một hình thức giáo dục là một hình thức bạo lực với trẻ em và vi phạm pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ