Coi thường pháp luật
Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, Tòa án Nhân dân quận 12 (TPHCM) xét xử và tuyên mức án 3 năm tù giam đối với bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh (chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh), Phạm Thị Huỳnh lĩnh 18 tháng tù treo và Nguyễn Thị Đào bị phạt 2 năm tù treo bởi cơ sở này đã bạo hành 14 trẻ bằng hình thức tát, đá...
Bấy lâu nay, tại các bệnh viện nhi, không ít trường hợp trẻ em bị bạo hành phải điều trị. Báo chí phanh phui nhiều vụ việc. Trẻ bị người lớn bạo hành, khiến đau đớn thể xác mà còn có dấu hiệu loạn thần, thậm chí có bé tử vong.
Như trường hợp bé 4 tuổi ở Vĩnh Long tử vong do bị gãy sống mũi, lõm phần đầu, nứt hộp sọ, khi được bố gửi nhờ vợ chồng người bạn chăm sóc; trường hợp bé Ngọc B.Tr, 18 tháng tuổi (TPHCM), bị cô giáo dùng băng dính bịt miệng, ngạt thở và tử vong.
Do bận việc hoặc hết thời gian nghỉ sinh con, phụ huynh đã thuê ôsin chăm sóc con tại nhà. Với trẻ lớn hơn, khi đã đủ tuổi đến trường, thường bố mẹ gửi ở các nhóm trẻ tư thục bởi đa số các trường công lập không nhận trẻ dưới 3 tuổi.
Đặc biệt, nhà trẻ và trường mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của con em công nhân. Thu nhập thấp, công nhân phải gửi con trong các nhóm nhà trẻ tư thục có học phí thấp hơn, gửi thêm ngoài giờ khi làm tăng ca. Song đây lại là các trường hợp trẻ dễ bị bạo hành nhất.
Theo thống kê của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, mỗi năm nước ta có trên 2.000 trẻ em bị bạo lực và xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp; trong đó có khoảng 700 trường hợp bạo hành, 91,7% là bạo hành thân thể. Trẻ em từ 0 -10 tuổi chịu bạo hành nhiều nhất, chiếm gần 60%.
Điều đáng nói, tưởng chừng gia đình là môi trường an toàn nhất cho trẻ em nhưng thực tế, số trẻ bị bạo hành ngay trong chính gia đình của mình chiếm tỉ lệ cao nhất, với 63,2%, đứng thứ hai là trẻ bị bạo lực trong trường học, chiếm 20,1%.
Hậu họa khôn lường
Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Mạnh Hùng (Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương) cho biết: Trung tâm tiếp nhận, điều trị nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành. Trẻ em hứng chịu những trận bạo hành của người lớn, rất dễ để lại hậu họa khôn lường. Các em tổn thương cả sức khỏe lẫn tâm thần.
Những trận đòn roi thường xuyên từ bé dễ dàng ăn hằn trong đầu đứa trẻ, khiến chúng sống nhút nhát, bỏ cuộc trước khó khăn, thử thách, dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ khi lớn lên.
Giảng viên Vương Thị Luận, Khoa Tâm lý (Trường CĐSP Bắc Ninh) chia sẻ: Báo chí đã phanh phui nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non ở nhà cũng như ở trường. Nhẹ thì trẻ bị đau đớn thể xác, sang chấn tâm lý, nặng hơn là mang thương tật, thậm chí chấn thương sọ não và tử vong.
Những đứa trẻ được giáo dục bằng đòn roi, bằng bạo hành thường chai lì cảm xúc, là đối tượng rất dễ trở thành kẻ xấu, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn mỗi khi cần.
Theo số liệu thống kê từ đường dây nóng của Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em cho thấy, sự xâm hại và bạo lực đối với trẻ em trong gia đình tăng gấp 3 lần; tại cộng đồng tăng 7 lần và trong trường học tăng 13 lần so với chục năm về trước.
Sự gia tăng vụ việc trẻ bị bạo hành đã gióng tiếng chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ nói riêng, ý thức, trách nhiệm của người lớn nói chung trong việc bảo vệ con trẻ trước nạn bạo hành. Những bản án đích đáng của pháp luật dành cho người bạo hành trẻ phần nào cũng làm giảm tổn thương của con trẻ và nỗi xót xa của bậc làm cha, làm mẹ, góp phần răn đe, tăng cường phòng, chống bạo hành trẻ em.
Làm thế nào để bảo vệ trẻ em là câu hỏi đặt ra cho các ngành, các cấp, toàn xã hội và cho chính mỗi người lớn. Giảm thiểu, tăng cường phòng chống bạo hành để trẻ phát triển toàn diện là mục tiêu xã hội đặt ra.
Sự xâm hại và bạo lực đối với trẻ em trong gia đình tăng gấp 3 lần; tại cộng đồng tăng 7 lần và trong trường học tăng 13 lần, so với chục năm về trước.