Thót tim đường vào trường
Con đường từ ngã ba Châu Thôn ngược lên trường, vốn là con đường mòn bà con người Mông vẫn thường dắt ngựa, bò xuống huyện bán. Không rõ có bao nhiêu cái dốc nữa. Chỉ biết rằng, kể từ khi có các thầy, những cái dốc cũng bắt đầu có tên: Đó là dốc Đỏ vì lớp đỏ ba-zan mỗi lần trời mưa lại vừa trơn trượt, vừa dẻo quánh dính chặt vào bánh xe.
Dù các thầy đã quấn xích quanh lốp nhưng vẫn không đủ ma sát để bám đường. Cách duy nhất là buộc dây thừng hò nhau kéo. Đó là dốc thầy Thành vì tại cái dốc này, thầy Thành bị ngã xe và gãy chân, trong một lần đường trơn lầy do trời mưa. Rồi dốc thầy Sinh, thầy Tăng Sơn...
Đi dạy, ngã, vồ ếch là chuyện cơm bữa.Cũng bởi vì thế mà không ai dám đến trường một mình. Các thầy đợi nhau từng nhóm ít nhất là 3 – 5 người, để lỡ xảy ra sự cố gì giữa rừng, còn có người hỗ trợ.
Kỳ tích của 46 thầy giáo
Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có tất cả 6 điểm trường, nằm ở 6 bản người Mông: Mường Lống, Nậm Tột, Huồi Xái 1, Huồi Xái 2, Huồi Mới 1, Huồi Mới 2. Nhưng không có con đường nào nối các điểm trường lại với nhau. Thậm chí, điểm nọ cách điểm kia 30 – 40 km, phải vòng qua trung tâm xã, ngược lên.
Ít ai có thể ngờ được, ngôi trường nằm rải như một cánh cung dọc theo đường biên giới Việt - Lào này lại có phong trào thi đua dạy – học sôi nổi của huyện Quế Phong. Mỗi năm, trường đều có học sinh giỏi. Trường còn có giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh - như một kỳ tích được lập nên ở vùng tận núi cùng khe này.
Thầy Lang Văn Nhàn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 khẳng định: Dù là ở vùng sâu, vùng xa, nhưng trường luôn thực hiện nghiêm túc các hoạt động, nội dung dạy học và cả những đổi mới của ngành. Thầy còn tiết lộ: Để giúp các giáo viên của trường nâng cao năng lực chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường còn tổ chức cho các giáo viên đi giao lưu, dự giờ thăm lớp ở các trường vùng thuận lợi như Tiền Phong, Mường Nọc… Để từ đó, có thể học hỏi thêm những cách làm, mô hình hay về áp dụng cho trường mình.
Yêu thương đọng lại
Đều đặn hơn 30 năm qua, trống đánh, thầy trò vào lớp. Như một câu chuyện mà người ta vẫn kể: Bám bản dạy chữ nơi cùng trời cuối đất. Bất ngờ chạm mặt với một cậu học trò, em giật mình, miệng lắp bắp rồi vội khoanh tay: Chào xày! (thầy – PV). Với những đứa trẻ và dân bản, không có khái niệm cô, ở trường, tất thảy là thầy. Có những thầy “tóc ngắn” lâu nay ở bản cùng các em, và thỉnh thoảng có đôi “thầy tóc dài” ghé thăm.
“Ở trong này cứ như một thế giới khác, đối lập với cuộc sống bên ngoài. Nếu không yêu nghề, yêu trò, khó mà trụ lại được lắm”, thầy Nguyễn Trọng Quyền – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Thầy Quyền đã gắn bó với Tri Lễ 4 hơn chục năm.
Dường như, thử thách lớn nhất không nằm ở con đường đèo khổ ải, không phải là những lần ngã dúi dụi ở ngay kề mép vực, mà là của chính bản thân mình. Để khi đứng trên bục giảng, nhìn vào đôi mắt trong trẻo của học trò, tất cả khó khăn ở lại phía sau, chỉ còn tình yêu thương, trách nhiệm. Lúc ấy, các thầy đã có câu trả lời cho mình.