Lớp học dưới mưa

GD&TĐ - Mưa liên tục kèm gió lớn khiến lớp học điểm bản Pá Sập (Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Pì, Nậm Nhùn, Lai Châu) mất phần bạt mới che, sàn lớp học vũng nước, nhão nhoét bùn đất. Chẳng còn nơi nào tốt hơn, 7 thầy trò đành vừa dạy - học vừa tranh thủ lúc ngớt mưa lấy bạt che chắn lại cho đỡ ướt lũ trò như đàn gà con ngơ ngác, trông đến tội nghiệp.

Không có lớp học, học sinh phải học nhờ ở một lán tạm dột. Ảnh: TG
Không có lớp học, học sinh phải học nhờ ở một lán tạm dột. Ảnh: TG

Học dưới lán tạm...

Chiều 10/9, thầy giáo Điêu Văn Huynh, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A3 thuộc điểm bản Pá Sập vẫn xì xụp che mưa cho lớp học của mình. Ở điểm bản Pá Sập có 3 lớp học đặc biệt, gồm: 1 lớp mầm non, 1 lớp Hai và 1 lớp Một. Hầu hết học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc Mảng (tỉnh Lai Châu đang thực hiện một đề án để bảo tồn tộc người này).

Lớp 2A3 có 6 học sinh. Hai ngày nay, trời đổ mưa, lớp học mà thầy Huynh đang giảng dạy bị tốc mất lớp bạt mới che trước hôm khai giảng. Thế là cả thầy và trò dắt díu nhau vừa dạy, học vừa nghe ngóng mưa, xem hướng gió để kê bàn học, tránh chiều gió lùa kèm theo làn mưa chỉ chờ cơ hội… xông thẳng vào lớp.

“Mưa từ hôm 9/9 đến giờ, nay trời lại càng mưa to. Chỉ mong trời thương học sinh, thương thầy cô cắm bản ngớt mưa để chúng em lấy bạt che tiếp, chứ cứ mưa như thế này, các em ướt hết”, thầy Điêu Văn Huynh vội vã nói.

Cũng theo thầy Điêu Văn Huynh, lớp học này thực chất chỉ là cái lán tạm của bà con dân bản. Học sinh phải di chuyển lên đây học từ tháng 8 năm nay do điểm học cũ (nằm cách vị trí hiện tại chừng 3km) thuộc khu vực xung yếu, nguy cơ sụt sạt cao và đã được chính quyền cảnh báo, di chuyển. Do chưa có lớp học nên Trường Tiểu học Nậm Pì mượn tạm lán tạm của gia đình các hộ dân xung quanh khi họ chưa có nhu cầu sử dụng. Cũng bởi đó là cái lán tạm nên trông chẳng khác gì cái “chuồng bò”, trống hơ trống hoác với chiếc bảng đen, vài bộ bàn ghế. Mỗi khi trời đổ mưa, thầy trò lại ướt như “chuột lột” nhưng đành động viên nhau cố gắng vì chẳng biết đi đâu.

Chỉ mong học trò bớt khổ

Trong lớp, thầy trò phải tránh mưa theo chiều gió. Ảnh: TG
Trong lớp, thầy trò phải tránh mưa theo chiều gió. Ảnh: TG 

Cả buổi chiều trời vẫn mưa liên hồi. Thầy Huynh nóng lòng mong ngớt mưa để che chắn lớp học, rồi tranh thủ chạy sang cuối bản hỗ trợ cô giáo Phan Thị Kim, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 “chống dột”. Lớp 1 do cô Kim chủ nhiệm có 11 học sinh cũng đang học nhờ tại lán tạm của nhà dân. Cũng như các anh chị học sinh lớp 2, 11 học sinh lớp 1 mấy ngày nay vẫn chân trần dưới lớp bùn nhão.

Cả điểm bản Pá Sập có 3 thầy cô giáo (thầy Huynh, cô Kim và cô Lò Thị Nguyệt, giáo mầm non). Lớp học chẳng có, nên chỗ ở của các thầy cô giáo là một điều hết sức xa xỉ. Ba người cứ thế “nương tựa” vào đồng bào dân tộc Mảng trong hành trình “gieo chữ”.

“Không có chỗ ở nên thầy cô phải xin ở nhờ nhà dân. Em thì xin ăn, ngủ nhờ nhà một hộ, còn hai cô giáo cũng ở nhờ một nhà dân gần đó. Cũng mong sao các em sớm có lớp học đã là quý hóa lắm rồi. Còn những giáo viên vùng cao như chúng em, cuộc sống vất vả như vậy thành quen”, thầy giáo Điêu Văn Huynh tâm sự.

Điểm bản Pá Sập có 44 hộ gia đình đồng bào dân tộc Mảng sinh sống. Các hộ này đều thuộc diện hộ nghèo. Từ điểm trường trung tâm đến điểm bản Pá Sập chừng 20 cây số. Do đường sá đi lại khó khăn, các thầy cô ở điểm bản này không thể đi về trong ngày. Chiều mỗi Chủ nhật, khi trở lại lớp, họ lại “địu” nhu yếu phẩm như: Cá khô, trứng, mì tôm... có khi chỉ là vài ba cân thịt lợn, mang lên trường để góp với bà con trong bữa cơm hàng ngày.

Lớp học được che chắn bởi tấm bạt, mưa to, thầy trò ướt như chuột. Ảnh: TG
Lớp học được che chắn bởi tấm bạt, mưa to, thầy trò ướt như chuột. Ảnh: TG 

Nếu trời thương, cuối tuần thầy cô xuống thị trấn gùi thực phẩm lên điểm trường, cả tuần đó có cái đổi món. Trời đổ mưa như mấy ngày nay, thầy Huynh và hai cô chẳng biết xoay xở thế nào khi đồ ăn đã hết. Bởi ở điểm bản này, nhiều lúc có tiền cũng chẳng có gì để mua vì không có người bán. Ngay cả khi ốm đau, nhiều khi thầy cô tự đoán bệnh rồi lấy thuốc dự trữ từ trước ra uống. “Em mang đồ ăn lên từ chiều Chủ nhật. Đến hôm nay thì hết. Đợi trời tạnh mưa mới lắp xích vào lốp xe để cố chạy về thị trấn mua thêm đồ ăn. Nếu mà không đi được, chắc sẽ phải đi bộ mất khoảng 9km mới ra đến đường quốc lộ được anh ạ!”, thầy Điêu Văn Huynh tâm sự.

Phần là vì lịch giảng dày đặc, phần cũng bởi đường sá đi lại khó khăn nên hãn hữu lắm các thầy cô ở đây mới về với gia đình. “Bình thường, cứ nửa tháng hoặc một tuần chồng em (Điêu Văn Huynh) mới có dịp trở về nhà. Đợt này lại mưa như thế, học sinh thì vất vả khi học dưới trời mưa, đường thì tắc có lẽ các anh chị trên đấy muốn về cũng chẳng được vì đường trơn trượt nguy hiểm”, cô giáo Lò Thị Sấm, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Nậm Pì tâm sự.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng thầy cô giáo cắm bản không nề hà bất cứ công việc gì. Khi người dân có việc, thầy cô chung tay giúp đỡ. Lũ trẻ không may ốm đau, cũng một tay thầy cô lo lắng, chăm sóc hoặc đưa đi viện. Không những vậy, mỗi tối thầy Huynh và cô Kim còn luân phiên nhau lên lớp dạy xóa mù. Đối tượng theo học là những người có độ tuổi ngoài 40. Điện lưới chưa có nhưng bên bên ánh đèn dầu leo lét, họ vẫn say mê dạy, say mê tập đọc “O”... “A”... để mong biết cái chữ, cuộc sống bớt khổ, để có thể dạy con điều hay lẽ phải.

Nói về ước mơ của mình, 3 thầy cô đều cười. Nụ cười thật hiền, chân thật. Họ chẳng nghĩ điều gì cho mình mà trong sâu thẳm chỉ mong khi nguồn lực đầu tư từ Nhà nước cho giáo dục còn hạn chế, những giáo viên vùng cao như cô Sấm, thầy Huynh, cô Kim đón nhận những tấm lòng hảo tâm từ các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng lớp học kiên cố để không còn cảnh trò lúc nào cũng lấm lem bùn đất hay ngồi trong lớp mà vẫn ướt nhẹp vì mưa gió. Còn thầy cô luôn trong cảnh vừa dạy vừa trông trời, trông đất, trông mây như bấy lâu. “Chỉ cần có lớp học kiên cố, chúng em sẽ cùng người dân lo cho lũ trẻ, toàn tâm toàn ý, đem hết lòng nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp trồng người tại vùng đất khó”, thầy Huynh bộc bạch.

Nghe nói có đoàn từ thiện ở Hải Phòng nhận lời hỗ trợ xây dựng lớp học cho điểm trường Pá Sập. Dự kiến đến sau Tết Nguyên đán 2020 sẽ có lớp học mới cho học sinh. Chúng em vui lắm. Em chỉ mong sao sớm có trường, lớp khang trang cho các con đỡ khổ.  Cô Lò Thị Sấm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ