Cô giáo dành cả tuổi thanh xuân ở bản Rào Tre được đề cử vinh danh

GD&TĐ - Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục đề cử 2 nhà giáo tiêu biểu để Bộ GD&ĐT xem xét tặng Bằng khen nhân dịp lễ tri ân nhà giáo 20/11 tới đây. Trong hai nhà giáo, có cô Hoàng Thị Hương, người được đặt cho cái tên “cô giáo cắm bản”.

Hàng ngày ngoài việc dạy chữ, cô Hương còn thay bố mẹ chăm sóc, đưa đón các cháu đến trường.
Hàng ngày ngoài việc dạy chữ, cô Hương còn thay bố mẹ chăm sóc, đưa đón các cháu đến trường.

Quyết tâm đưa từng trẻ tới lớp

 “Cô giáo như mẹ hiền” cụm từ này có lẽ dành tặng riêng cho cô Hoàng Thị Hương (SN 1975, GV Trường Mầm non Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Một giáo viên chấp nhận hoàn cảnh, chịu thương, chịu khó, quyết tâm đưa con chữ đến với trẻ em vùng dân tộc Chứt.

Suốt 20 năm cắm bản, cô chưa một lần ý định xin về xuôi, hay bỏ trường, bỏ lớp. Cô không chỉ dạy chữ, cô đảm nhận luôn vị trí y sĩ, ca sĩ đem cả bầu trời thương yêu đến với những đứa trẻ dân tộc Chứt. Bọn trẻ đã quen với cách gọi “mẹ Hương”, “bà ngoại", “bà nội” thay vì cái nhân xưng cô giáo.

Chặng đường công tác tại bản của cô Hương đã ngót nghét gần 30 năm. Từ những ngày sơ khai, nơi bản Chứt còn gặp nhiều khó khăn, miếng ăn chưa đủ no nói gì đến học chữ. Với sự giúp đỡ, đồng hành cùng Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, chặng đường gieo chữ của cô giáo trẻ từng bước được in dấu vào từng đứa trẻ nơi đây.

Vào năm 1995, khi chuẩn bị rời trường đạo tạo hệ mầm non, cô trở về nhà thông báo với gia đình sẽ xin lên vùng núi dạy chữ, truyền niềm thương cho những đứa trẻ ở bản Rào Tre. Cả nhà lúc ấy không ai đồng tình, nhưng rồi với quyết tâm, lòng đam mê truyền chữ cho những đứa trẻ vùng cao của cô cứ ngày một đơm hoa.

“Thời đó, người ta hù tối, lên đó ở với khỉ, ăn lông, ở lổ. Tôi mặc kệ, cứ thế mang theo hành trang của sự quyết tâm, lòng đam mê với ý nguyện truyền con chữ đến những trẻ nhỏ vùng sâu”- cô Hương rưng rưng nhớ lại.

Hồi ấy, để khai sáng những đứa trẻ dân tộc Chứt, chính quyền và biên phòng Hà Tĩnh đã dựng lên ngay tại chính hội quán của bản một lớp học. Nhưng buồn thay, suốt nhiều năm lớp học lúc ấy không có một bóng học sinh.
Lí do đơn giản là lũ trẻ thấy lạ khi được đưa đến lớp, chúng đã quen mỗi buổi sáng nép mình với bố mẹ trong những căn nhà sàn ẩm thấp. “Muốn các em đến lớp không còn cách nào khác phải đến tận nhà đưa đi, phải nhờ cả già làng, thầy mo đến tận nhà thuyết phục bố mẹ đưa các cháu đến lớp học” - cô Hương kể nổi vất vả những ngày đầu với lũ trẻ dân tộc Chứt.

"Phải mất gần 2 năm trời các cháu mới bắt đầu quen cô, mới hiểu cô, mới có thể cho cô tự đưa đón các em. Công tác dạy học bắt đầu dễ thở hơn" - cô nhớ lại.

“Những đứa trẻ giờ như nguồn sống trong tôi”

Những vất vả hành trình gieo chữ đến với những đứa trẻ dân tộc Chứt – dưới chân núi Ka Đay phải đánh đổi cả mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu. Những lần cõng từng đứa trẻ băng qua khe suối, bìa rừng, trật chân, rách da, chảy máu là thường.

Cô Hương chia sẻ, khi lên đây dạy học nhiều người hỏi tôi thu nhập tháng bao nhiêu, tôi cười mà ví “cứ quy ra thóc mà nhận”. Suốt 7 năm ròng, từ năm 1995-2002, cô chỉ được nhận 20kg thóc của xã và 200 nghìn đồng/tháng phụ cấp từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê.

Sở GD&ĐT làm văn bản đề cử cô Hương được Bộ GD&ĐT vinh danh 20/11
 Sở GD&ĐT làm văn bản đề cử cô Hương được Bộ GD&ĐT vinh danh 20/11

Được biết, khi lập gia đình, thiếu thốn đủ bề, nhưng cô Hương đã “xẻ” một phần lương, phụ cấp của mình cho học trò của bản. Nhiều lúc cô còn bỏ tiền túi ra để mua sách vở, quần áo, đồ chơi, bánh kẹo và còn mang thêm gạo ở nhà đến để thêm vào khẩu phần ăn cho các em.

“Bây giờ lương và phụ cấp của cô Hương đã khá hơn chút đỉnh, tất tần tật khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Nhưng nhẩm tính công việc mỗi ngày, tiền đưa về nuôi con của cô giáo có thâm niên 22 năm bám bản Rào Tre chỉ còn phân nửa” – cô cười mà nói.

Cô cũng cho biết, để đón, đưa 18 cháu tới lớp, về nhà (từ nhà các em tới lớp trung bình 1km), trung bình một ngày cô Hương phải chạy hơn chục chuyến xe. Hơn chục km mỗi ngày như thế tiền xăng xe cô tự chịu. Cô vẫn vui và chưa một lần kêu than.

“Những đứa trẻ giờ như con, như nguồn sống trong tôi, tôi muốn gắn liền nơi đây không muốn đi đâu. Nhiều lần nhà trường làm đơn xin luân chuyển nhưng tôi đều không đồng ý. Bởi tôi có đi thì các bạn trẻ nơi đây cũng sẽ không đồng ý, chúng sẽ bỏ lớp, bỏ trường” – những lời từ ruột gan cô Hương chia sẻ.

Với những cống hiến cho sự học ở bản Rào Tre, cô Hương đã được trao tặng nhiều Bằng khen, giấy khen. Nhiều năm liên tục, từ năm 2003 -2014 cô là giáo viên giỏi huyện. Từ 2014 đến nay, cô liên tục đạt Lao động tiên tiến cấp huyện. Năm 2015 cô được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2010 - 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ