Những lớp học trong lán tạm
Chiều 10/9, thầy giáo Điêu Văn Huynh, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Pì (Tiểu học Nậm Pì), giáo viên chủ nhiệm lớp 2A3 thuộc điểm bản Pá Sập vẫn xì xụp che mưa cho lớp học đặc biệt.
Ở điểm bản Pá Sập có 3 lớp: 1 lớp mầm non, 1 lớp hai và 1 lớp một. Hầu hết học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc Mảng đang theo học (Tỉnh Lai Châu đang thực hiện một đề án để bảo tồn tộc người này).
Lớp 2A3 có 6 học sinh. Hai ngày nay, trời bỗng đổ mưa, lớp học thầy Huynh đang giảng dạy bị tốc mất lớp bạt mới che trước hôm khai giảng. Thế là cả thầy và trò đều phải vừa dạy, vừa học, vừa phải kê bàn ghế hết góc này đến góc khác lựa theo chiều gió để tránh mưa.
“Mưa từ hôm qua (09/9) đến giờ vẫn chưa tạnh anh (PV) ạ. Trời lại đang mưa to. Đợi lát nữa ngớt mưa, chúng em sẽ lại lấy bạt che tiếp, chứ cứ mưa như thế này thì các em ướt hết”, thầy Điêu Văn Huynh vội vã nói.
Thầy Điêu Văn Huynh cho biết, lớp học này thực chất là cái lán gia đình của bà con dân bản. Học sinh phải lên đây học từ tháng 8 năm nay do điểm bản cũ nằm ở cách vị trí hiện tại chừng 3km, thuộc khu vực xung yếu, nguy cơ sụt sạt cao và đã được chính quyền cảnh báo, di chuyển.
Do chưa có lớp học nên Trường Tiểu học Nậm Pì mượn tạm lán của gia đình các hộ dân khi họ chưa có nhu cầu sử dụng. Cũng bởi đó là cái lán tạm nên mỗi khi trời đổ mưa, thầy trò lại ướt như “chột lột”.
Mỗi khi trời đổ mưa, thầy trò điểm trường Pá Sập lại ướt như "chột lột". |
Cô giáo ở nhờ nhà dân...
Cả buổi chiều trời vẫn mưa liên hồi, thầy Huynh đang đợi ngớt để che chắn lớp học, rồi tranh thủ chạy sang cuối bản hỗ trợ cô giáo Phan Thị Kim - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 “chống dột” vì chẳng biết khi nào sẽ hết đợt mưa.
Lớp 1 do cô Kim chủ nhiệm có 11 học sinh cũng đang học nhờ tại lán gia đình của nhà dân. 11 học sinh vẫn chân trần dưới lớp bùn nhão.
Cả điểm bản Pá Sập chỉ có 3 thầy cô giáo (thầy Huynh, cô Kim và cô Lò Thị Nguyệt, giáo Mầm Non). Do không có lớp học, nên cả ba thầy cô “nương tựa” vào đồng bào dân tộc Mảng trong hành trình “gieo chữ”.
“Không có chỗ ở nên chúng em (PV) phải xin ở nhờ nhà dân. Em thì xin ăn, ngủ nhờ nhà một hộ, còn hai cô giáo kia xin ở nhờ một nhà gần đó. Cũng mong sao các em sớm có lớp học đã là quý lắm rồi", thầy giáo Điêu Văn Huynh tâm sự.
Điểm bản Pá Sập có 44 hộ gia đình đồng bào dân tộc Mảng sinh sống. Các hộ này đều thuộc diện hộ nghèo. Điểm trường Trung tâm cách điểm bản Pá Sập chừng 20 cây số. Do đường xá đi lại khó khăn nên các thầy cô ở điểm bản này không thể đi về trong ngày.
Chiều mỗi chủ nhật, khi lên lớp, họ lại “địu” nhu yếu phẩm như: Cá khô, trứng, mì tôm... có khi chỉ là vài ba cân thịt lợn, mang lên trường để góp với bà con trong bữa cơm hàng ngày.
Không có dép để đi, 17 học sinh lớp 1,2 ở điểm bản Pá Sập phải chân trần lên lớp |
Mỗi tối thầy Huynh và cô Kim đều luân phiên nhau lên lớp xóa mù. Đối tượng theo học là những người có độ tuổi ngoài 40. Điện lưới chưa có, họ lại phải leo lét bên ánh đèn dầu tập đọc “O”... “A”...
Phần vì lịch giảng dày đặc, phần cũng bởi đường xá đi lại khó khăn nên hãn hữu lắm các thầy cô ở đây mới về với gia đình.
“Bình thường cứ nửa tháng hoặc một tuần chồng em (Điêu Văn Huynh) mới về nhà. Đợt này mưa như thế, học sinh vất vả khi học dưới trời mưa, đường thì tắc có lẽ các anh chị trên đấy muốn về cũng chẳng được vì nguy hiểm” cô giáo Lò Thị Sấm - Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Nậm Pì tâm sự.
Những giáo viên vùng cao như cô Sấm, thầy Huynh, cô Kim luôn khát khao có được một cơ sở vật chất tốt để có thể đem hết lòng nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp trồng người tại vùng đất khó.
“Vừa rồi nghe nói có đoàn từ thiện dưới Hải Phòng, họ nhận lời hỗ trợ xây dựng lớp học cho điểm trường Pá Sập. Dự kiến đến sau Tết này sẽ có lớp học cho học sinh. Chúng em vui lắm. Em chỉ mong sao sớm có trường, lớp khang trang cho các con đỡ khổ”, cô giáo Lò Thị Sấm bộc bạch.