Điều này một lần nữa dấy lên mối lo ngại về kỹ năng sống của trẻ em, trong đó có khả năng bơi lội, dù từ lâu, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đưa môn bơi vào là môn học tự chọn của chương trình giáo dục thể chất trong các trường phổ thông. Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với TS Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ GD&ĐT) xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết, trong chương trình giáo dục thể chất của các trường phổ thông hiện nay, bộ môn bơi lội đang được giảng dạy như thế nào cho các em học sinh?
Trên thực tế, từ những năm 1980, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đưa môn bơi vào là môn học tự chọn của chương trình giáo dục thể chất trong các trường phổ thông, tuy nhiên việc triển khai còn gặp vô cùng khó khăn.
Bộ GD&ĐT phải thẳng thắn thừa nhận là việc tổ chức dạy bơi trong nhà trường ở các cấp học, dù đã rất cố gắng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến số lượng trường học được đầu tư bể bơi là rất ít, nếu không muốn nói là hầu như chưa có; ngoại trừ một số nhỏ trường điểm, trường chuẩn quốc gia; mà số này cũng chỉ tập trung ở các thành phố lớn, với số lượng không đáng kể.
Không chỉ thiếu về cơ sở vật chất, mà đội ngũ giáo viên môn giáo dục thể chất biết bơi và biết dạy bơi cũng còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Phải thẳng thắn mà thừa nhận rằng, việc triển khai công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước nói chung hiện nay và trong nhà trường nói riêng mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền nhận thức giáo dục hành vi.
Trước thực trạng này, từ đầu năm 2010, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 664/BGDĐT-CTHSSV hướng dẫn các Sở GD&ĐT triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó đã xác định dạy bơi là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc hạn chế tử vong do đuối nước gây ra đối với học sinh.
Theo văn bản này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở căn cứ vào thực tế từng địa phương để có kế hoạch báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc để đưa ra lộ trình chi tiết trong việc tổ chức triển khai thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, cơ bản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai được mô hình dạy bơi trong các trường.
Cũng theo chỉ đạo, bể bơi được xây dựng ngay tại trường học hoặc cụm trường với quy mô và hình thức phù hợp. Để đảm bảo chương trình học, Bộ GD&ĐT hướng dẫn thời gian dạy bơi vào dịp hè và các ngày nghỉ trong tuần hoặc lồng ghép những tiết dạy bơi vào chương trình môn học giáo dục thể chất.
Văn bản còn yêu cầu coi việc dạy bơi là một tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm đối với các cơ sở giáo dục. Trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học, Bộ đều nhắc nhở các địa phương chú trọng thực hiện việc này. Đồng thời, hàng năm, Bộ GD&ĐT thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức xã hội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao về kỹ năng dạy bơi và cứu đuối nước cho các giáo viên dạy bơi cốt cán của các tỉnh.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong vấn đề này?
Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước, ngay tại Công văn số 664 và trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học hàng năm, Bộ GD&ĐT luôn chú trọng chỉ đạo các địa phương thực hiện một số nội dung:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là đối với các bậc cha mẹ học sinh về phòng, chống tai nạn đuối nước cho các trẻ em, học sinh;
Có biện pháp cảnh báo, nhắc nhở các trẻ em, học sinh, nhất là những em chưa biết bơi, không tự mình đi tắm ở những nơi nguy hiểm và không có sự giám sát của người lớn;
Quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng bể bơi, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy bơi trong nhà trường;
Tăng cường công tác xã hội hoá, đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo mọi điều kiện để trẻ em, học sinh được tham gia học bơi…
Chủ trương đã có, còn tài liệu triển khai được xây dựng như thế nào và đã có giáo trình riêng về kỹ năng bơi lội cho học sinh Việt Nam chưa, thưa ông?
Hiện nay, giáo trình dạy bơi riêng cho trẻ em ở Việt Nam đã được xây dựng, đó là bộ giáo trình với 12 giáo án về phương pháp, kỹ năng dạy bơi cứu đuối cho trẻ em, do cơ quan chuyên môn là Tổng cục Thể dục Thể thao phát hành năm 2002.
Bộ giáo trình này đã được áp dụng và triển khai rộng khắp trên toàn quốc thông qua các khoá tập huấn hàng năm do Bộ GD&ĐT và Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp triển khai trong nhiều năm qua để tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên thể dục trong các trường phổ thông trên toàn quốc.
Giai đoạn thí điểm này hiện đã có tổng kết chưa và hiệu quả đạt được ra sao, thưa ông?
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã triển khai tuyên truyền đến học sinh và các bậc phụ huynh việc phòng, chống tai nạn đuối nước và tổ chức dạy bơi cho học sinh, nhất là ở các tỉnh/thành phố có điều kiện về cơ sở vật chất như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh...
Một số địa phương đã có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất rất lớn cho công tác này (tại Đà Nẵng đã có gần 20 bể bơi mini kích cỡ 6m x 12m, được trang bị cho các trường tiểu học và một số bể bơi tự tạo đặt trên bãi biển; tại Hải Dương đang triển khai đề án giáo dục bơi, hiện tại đã có 18 hồ bơi trong các trường tiểu học và THCS được đưa vào sử dụng). Nhiều cơ sở giáo dục (nhất là tại TPHCM) đã phối hợp tốt với ngành văn hoá và cha mẹ học sinh để các em được thực hành bơi ở các bể bơi công cộng, bể bơi do tư nhân xây dựng.
Ngoài ra, một số địa phương đã có sáng tạo tổ chức dạy bơi theo mô hình dựng lồng bơi tại ao, hồ, sông, suối… tuỳ theo điều kiện thực tế. Tuy nhiên, cách làm này được đánh giá là chưa hiệu quả, chưa kể gặp nhiều khó khăn như: Môi trường nước ô nhiễm, học sinh dễ nhiễm các loại bệnh tật; và phụ huynh cũng rất ngại cho con, em tham gia các lớp học bơi theo mô hình lồng bơi này.
Như đã nói ở trên, những khó khăn và hạn chế trong việc triển khai dạy bơi cho học sinh trong nhà trường hiện nay vẫn chưa thể khắc phục được, nhất là về cơ sở vật chất, cụ thể là bể bơi. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, cơ bản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai được mô hình dạy bơi trong các trường.
Chủ trương là như vậy, nhưng chưa thể đạt được, nguyên nhân chính là do vấn đề kinh phí. Do đó, cho đến nay, về cơ bản môn bơi vẫn chỉ đang là môn học tự chọn của chương trình giáo dục thể chất trong các trường phổ thông; cũng như công tác phòng chống tai nạn đuối nước ở đa số địa phương mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền về nhận thức cho học sinh và các bậc phụ huynh mà thôi...
Những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất là hoàn toàn có thể hiểu được và khó có thể khắc phục trong thời gian gần, nếu không có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó quan trọng nhất là việc đẩy mạnh xã hội hoá. Trong chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cũng đã nhấn mạnh đến hoạt động này, nhưng thực tế hiệu quả thực hiện ra sao, thưa ông?
Đây là điều mà một số địa phương đã và đang triển khai như tôi vừa nói ở trên, tuy nhiên trên thực tế vẫn chưa nhiều và chỉ tập trung ở một vài thành phố lớn, có điều kiện kinh tế phát triển. Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, việc đẩy mạnh xã hội hoá trường học, thu hút các tổ chức, cá nhân vào xây bể bơi để dạy cho học sinh là rất cần thiết. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh việc vận động phụ huynh, các tổ chức xã hội chung tay cùng nhà trường, phối hợp với các đơn vị, tổ chức có bể bơi bố trí thời gian dạy bơi hợp lý cho các em.
Tất nhiên, để làm được như vậy rất cần phải có sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội, nhưng đây là vấn đề không hề đơn giản. Bởi nếu chỉ có ngành Giáo dục, dù có cố gắng đến mấy, nhưng không được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và các tổ chức xã hội thì cũng khó để triển khai.
Xin cảm ơn ông!