Từ năm học này, học sinh lớp 3 học Tiếng Anh bắt buộc theo chương trình mới. Với trò lớp 4-5, theo chương trình hiện hành, môn học này là tự chọn. Chia sẻ của cô Phạm Thu Trang, Trường Tiểu học Núa Ngam, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) về những kinh nghiệm tổ chức dạy học Tiếng Anh lớp ghép 2 chương trình.
Tạo môi trường thân thiện
Thực hiện Chương trình GDPT 2018 với lớp 3, là giáo viên tiếng Anh, cô Trang nhận thấy rõ sự hào hứng của các em khi được tiếp cận kiến thức, những điều thú vị từ môn học này.
"Trường Tiểu học Núa Ngam hiện có 2 lớp ghép ở trình độ 3+4, được đặt tại 2 điểm bản là Huổi Hua và Tin Lán. Trong đó, điểm Huổi Hua có 15 học sinh và Tin Lán là 12 học sinh", cô Trang chia sẻ.
100% học sinh ở các điểm này đều là con em đồng bào Mông. Điều kiện giao thông đi lại khó khăn (cách xa trung tâm gần 10km đường dân sinh), nên các em ít tiếp xúc với bên ngoài. Khi tiếp cận với môn mới, kiến thức mới, các em thường rụt rè, thiếu tự tin.
Do vậy, những buổi học đầu, cô Trang đều dành khoảng thời gian nhất định để làm quen, trò chuyện nhằm phá bỏ mọi khoảng cách, giúp các em mở lòng hơn. Trong quá trình này đồng thời khéo léo kết hợp đưa tiếng Anh vào giới thiệu.
"Đơn cử như cô bé Ly Thị Mỷ, lớp 3, điểm Tin Lán, ngày đầu tiên tham gia giờ học Tiếng Anh chỉ ngồi lặng im phía góc lớp. Với kinh nghiệm gần 10 năm dạy học tại vùng khó, tôi không tạo áp lực bài học, mà dành nhiều thời gian trò chuyện với em. Vừa chào bằng tiếng Việt, tôi đồng thời giới thiệu bằng tiếng Anh. Với phương pháp làm quen dần, Mỷ cũng như các bạn trong lớp đã cởi mở và có sự trao đổi, giao tiếp trong giờ học", cô Trang kể.
Học sinh lớp ghép đa phần ở vùng khó, nhút nhát, thiếu tự tin nên cần những giờ học thân thiện để làm quen, giúp các em dễ dàng tiếp cận kiến thức hơn. |
Đa dạng phương pháp, nguồn học liệu
Với sự đầu tư quan tâm của các cấp, cả 2 điểm bản có lớp ghép cô Trang giảng dạy đều cơ bản đảm bảo về cơ sở vật chất. Lớp ghép được bố trí ở phòng học kiên cố với diện tích 31m2, thoáng mát, có ánh sáng hợp lý và đầy đủ bàn ghế, phương tiện dạy học (máy chiếu di động, loa, hệ thống điện…).
Để tạo hứng thú cho học sinh, thầy cô thường tận dụng tối đa điều kiện hiện có. Mỗi tiết học có yêu cầu cần đạt được cho học sinh khác nhau, tùy nội dung bài học, giáo viên tìm và mở các video vui nhộn, hướng dẫn bằng tiếng Anh tương ứng. Với sự hỗ trợ bằng âm thanh, hình ảnh như vậy, học sinh sẽ dễ dàng tiếp nhận và nhớ lâu hơn.
Tuy nhiên, do nhiều em vốn tiếng Việt còn hạn chế, một số em nhút nhát dẫn đến chưa mạnh dạn phát âm và trình bày ý kiến trước lớp. Thêm vào đó, việc đi lại khó khăn, đặc biệt là trời mưa, có tới 2/3 quãng đường liên bản là đất trơn trượt, không thể mang theo máy tính. "Do vậy, quá trình dạy học tôi luôn chuẩn bị thêm các nguồn học liệu khác từ tranh ảnh, loa cầm tay… để các em có thể lĩnh hội kiến thức một cách tốt nhất. Ngoài ra, việc sử dụng mạng Internet trên điểm bản để khai thác dữ liệu cũng như phần mềm dạy học còn khó khăn bởi đường truyền mạng không ổn định. Tôi chủ động tải phần mềm về máy tính để truyền tới học sinh những kiến thức hay và trọng tâm", cô Trang chia sẻ.
Từ kinh nghiệm giảng dạy lớp ghép, theo cô Trang, thầy cô cần linh hoạt tổ chức các hoạt động trong tiết dạy cho phù hợp với từng nhóm trình độ học sinh. Ví dụ, khi bắt đầu giờ học có thể ho học sinh khởi động bằng một số trò chơi hoặc bài hát để gây hứng thú.
Trong giờ học nhóm, học sinh lớp 3 sẽ học kiến thức mới, còn trò lớp 4 ôn lại nội dung bài cũ hoặc thực hiện phần luyện tập thực hành và ngược lại. Trong đó, học sinh được phân nhóm theo trình độ phù hợp, để có thể hỗ trợ lẫn nhau. Đối với những trường hợp không kịp hoàn thành yêu cầu trong giờ học, cô Trang sẽ dành thời gian ngoài giờ hoặc cuối buổi học để hỗ trợ thêm. Làm sao để mọi học sinh đều có thể lĩnh hội hết kiến thức mà bài học đặt ra.
Giáo viên chủ nhiệm lớp ghép có mặt tham gia hỗ trợ giáo viên Tiếng Anh trong việc quản lý học sinh và tổ chức các hoạt động. |
Giáo viên cũng “tự học”
Việc giảng dạy lớp ghép, nhất là môn mới như Tiếng Anh và Tin học còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, bản thân luôn xác định giáo viên cần tự học và rèn luyện để có phương pháp hiệu quả, phù hợp hơn.
Ngoài ra, ban giám hiệu nhà cũng như ban chuyên môn luôn tạo điều kiện đưa ra những giải pháp giúp giáo viên thực hiện bài dạy hiệu quả: Từ xây dựng kế hoạch dạy học, dự giờ góp ý về phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động đặc thù của lớp ghép.
Ban giám hiệu cũng bố trí tổ trưởng của tổ có giáo viên dạy lớp ghép và ban chuyên môn dự giờ, tư vấn. Giáo viên được tạo điều kiện sinh hoạt chuyên môn hàng tháng cấp trường, cấp cụm (đối với lớp ghép)… Việc tham gia sinh hoạt chuyên môn, dự giờ… giúp giáo viên học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm từ đồng nghiệp để áp dụng cho phù hợp.
"Một tuần tôi có 22 tiết, trong đó 11 tiết ở điểm bản, đi lại mất nhiều thời gian, nên nhà trường bố trí, sắp xếp lịch giữa các điểm bản và điểm trung tâm phù hợp. Cụ thể, mỗi tuần tôi có 2 buổi dạy tại điểm bản, với 4 tiết/1 buổi. Trong mỗi buổi dạy này, giáo viên chủ nhiệm lớp đều có mặt hỗ trợ quản lý học sinh và tổ chức các hoạt động của lớp", cô Phạm Thu Trang cho hay.