Dự thảo hướng dẫn tổ chức dạy học lớp ghép cấp tiểu học

GD&TĐ - Thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học và các quy định về tổ chức dạy học lớp ghép, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo hướng dẫn tổ chức dạy học lớp ghép cấp tiểu học .

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, việc tổ chức các hoạt động dạy học yêu cầu tập trung dạy học đúng, đủ nội dung môn Toán, môn Tiếng Việt; các môn học và hoạt động giáo dục còn lại được vận dụng để thực hiện chương trình môn học một cách linh hoạt phù hợp với khả năng nhận thức của đối tượng học sinh, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của lớp học.

Phối hợp linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học trong mỗi buổi học:dạy học chung cả lớp, dạy học riêng từng nhóm trình độ, dạy học cho mỗi cá nhân học sinh.

Phân bổ thời gian làm việc với các nhóm trình độ trong từng tiết học một cách hợp lý nhằm đảm bảo thời lượng thực học hiệu quả trong mỗi tiết học cho tất cả học sinh.

Tích cực đổi mới, vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học để phát huy khả năng tự học, hoạt động theo nhóm của học sinh; tăng cường khả năng hỗ trợ lẫn nhau giữa học sinh của các nhóm trình độ và giữa học sinh có năng lực học tập khác nhau của từng lớp.

Tăng cường tổ chức các chủ đề học tập được thiết kế liên môn, nội môn để dạy học chung cho các nhóm trình độ khác nhau để tăng cường sự tương tác, giao tiếp, hỗ trợ nhau trong quá trình học tập giúp học sinh có nhiều cơ hội hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực.

Trong đánh giá học sinh: Thực hiện đánh giá học sinh lớp ghép theo quy định hiện hành, trong đó: Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ, kết quả học tập của học sinh đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần đạt của môn Toán, môn Tiếng Việt theo Chương trình GDPT cấp tiểu học;

Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ, kết quả học tập của học sinh đối với các môn học, hoạt động giáo dục khác và sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thực hiện…

Việc tổ chức thực hiện quy định: Sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục lập kế hoạch mở lớp ghép trên cơ sở khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tiễn tại địa phương; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn giáo viên để tổ chức dạy học lớp ghép; hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện các chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục lập kế hoạch mở lớp ghép trên cơ sở khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tiễn tại địa phương; tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch, bố trí giáo viên, đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, địa điểm để tổ chức dạy học lớp ghép;

Kiểm tra, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện dạy học lớp ghép trên địa bàn; Khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời phát hiện khó khăn và có các biện pháp hỗ trợ..

Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể từng học kì, từng năm học phù hợp với điều kiện thực tế tại nhà trường, tại các điểm trường; phân công, bố trí giáo viên dạy học lớp ghép đảm bảo năng lực và được bồi dưỡng về phương pháp dạy học lớp ghép thường xuyên hàng năm.

Tổ chức cho giáo viên dạy học lớp ghép sinh hoạt theo tổ lớp ghép (nếu có) hoặc sinh hoạt theo các tổ chuyên môn của trường; chỉ đạo, tổ chức cho các giáo viên, các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch bài học đối với lớp ghép phù hợp và bảo đảm chất lượng;

Quá trình dạy học lớp ghép cần bảo đảm mục đích và yêu cầu:

Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, bảo đảm quyền được học tập và phát triển toàn diện của học sinh. Thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn.

Học sinh được học các môn học và các hoạt động giáo dục theo quy định của Chương trình GDPT cấp tiểu học. Mỗi lớp ghép không quá 15 học sinh và không quá 2 trình độ. Trường hợp đặc biệt lớp ghép có thể ghép 3 trình độ nhưng không quá 10 học sinh.

Hạn chế ghép trình độ đầu cấp (lớp 1) và trình độ cuối cấp (lớp 5). Tổ chức lớp ghép gồm các trình độ liền nhau. Mỗi lớp ghép cần bố trí đủ không gian cho từng nhóm trình độ và trang bị thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ