“Trăm dâu đổ đầu tằm”
Cứ mỗi chiều chủ nhật hàng tuần, cô giáo Tao Thị Huế, Trường Mầm non Chà Tở, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) lại tất bật chuẩn bị đồ dùng cá nhân, thực phẩm để lên đường vào “cắm chốt” tại điểm bản Sìn Thàng. Nhiều năm nay, cô Huế phải “khoán” con cái hoàn toàn cho ông bà, để tập trung chăm lo cho những đứa trẻ vùng cao.
Gần 20km đường đất, với những dốc cua tay áo dựng đứng từ trung tâm xã vào đến bản Sìn Thàng cũng phải mất vài giờ đi xe máy. Nhiều điểm, cô Huế phải lựa xe mới qua được, song gặp mưa thì chỉ có thể “cuốc bộ”.
Nơi ăn nghỉ của cô Huế trên điểm trường là một căn nhà gỗ đơn sơ, mái lợp tôn. Mưa xuống thì “ướt ngang, ướt dọc” vì dột, bắn từ ngoài vào. Hễ nắng lên lại nóng đến “đổ máu mũi”.
“Điện đóm ở đây cũng phập phù lắm. Mặc dù đã được hỗ trợ hệ thống điện năng lượng mặt trời, nhưng hôm nào âm u là không đủ dùng. Tối đến cứ mò mẫm sinh hoạt, soạn bài trong cảnh thắp nến hoặc đèn dầu”, cô Huế tâm sự.
Mình cô phụ trách một lớp ghép, với 20 trẻ từ 2 – 5 tuổi, nên công việc thường ngày tất bật, “luôn chân luôn tay” từ sáng tới tối. Vừa dạy chuyên môn, cô Huế vừa phải lo quản lý, chăm sóc, chuẩn bị cơm nước, sắp xếp nơi ăn, nghỉ cho các con.
“Ở đây có 30 hộ dân, 75 nhân khẩu đều là dân tộc Mông. Ngoài điểm này thì Trường Mầm non Chà Tở còn 4/10 điểm bản khác cũng chung tình trạng nhiều không (điện, nước, giao đông, sóng điện thoại…). Cuộc sống khó khăn, bà con mải lo làm ăn, nên gần như đưa con đến lớp là khoán cả cho cô giáo, thành ra chúng em vất vả hơn. Thế nhưng vận động được các con đến lớp đầy đủ đã là tốt lắm rồi”, cô Huế bộc bạch.
Còn tại Trường Mầm non Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ), theo cô Hiệu trưởng Trần Thị Tâm, năm học này có 816 em theo học. Ngoài trung tâm, 14 điểm còn lại của nhà trường đều có những khó khăn đặc thù riêng, nhất là về giao thông, do 100% đường đất. Mùa mưa phải đi bộ.
“Hiện nay nhà trường đang thiếu rất nhiều giáo viên. Hiện chỉ có 38 biên chế, thiếu 17 biên chế theo đúng thông tư. Trên thực tế mỗi lớp chỉ có thể bố trí được 1 giáo viên. Trong khi đó, các điểm bản đều là lớp ghép. Mỗi lớp ghép ít nhất có 15 học sinh các độ tuổi. Điểm cao thì thậm chí có tới 38 – 45 em. Bởi vậy, nhiệm vụ phải thực hiện, áp lực công việc đối với mỗi giáo viên ở các lớp ghép này vô cùng lớn”, cô Tâm cho biết thêm.
Mường Nhé là địa phương có nhiều lớp ghép với 118 lớp mầm non. Trong đó, có 10 lớp ghép 2 độ tuổi, với 249 trẻ; 108 lớp ghép 3 độ tuổi, 2.206 trẻ. Cho rằng, những lớp ghép được mở đến tận bản đã tạo điều kiện cho tất cả các em ở vùng cao được tới trường học chữ, song ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT địa phương này cũng chỉ ra không ít vướng mắc cho đội ngũ giáo viên.
“Ở các lớp học ghép lứa tuổi mầm non, số trẻ trong một lớp đông, nhiều độ tuổi khác nhau mà chỉ có 1 cô giáo. Rồi sự bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò, giữa trẻ và trẻ (do khác dân tộc) khiến quá trình chăm sóc, giáo dục gặp nhiều khó khăn”, ông Chùy cho hay.
Cần sự “đãi ngộ” tương xứng
Thông tin từ ngành Giáo dục Điện Biên, do đặc thù của địa phương miền núi, dân cư sống rải rác nên các trường mầm non được phẩn bổ rộng khắp trên toàn địa bàn. Tính đến tháng 5/2021, địa phương này có 166 trường mầm non công lập, 856 điểm trường lẻ, với tổng số trên 60.700 trẻ theo học. Trong đó, có tới 898/1.824 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép (chiếm gần 50%).
Theo phân tích, hiện nay địa phương này còn thiếu hơn 1.000 giáo viên mầm non. Bởi vậy, hầu hết số giờ làm việc của giáo viên hiện tại đều vượt quá định mức quy định của Bộ GD&ĐT, đa phần phải làm ngoài giờ hoặc vào ngày nghỉ. Một số điểm trường vùng khó khăn chủ yếu 1 giáo viên/1 lớp. Do đó, các cô cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau: Chăm sóc, quản lý, giáo dục...
Còn theo chia sẻ của cô Trần Thị Tâm, trên thực tế, hiện nay mỗi giáo viên lớp ghép tại Trường Mầm Non Na Cô Sa đang hưởng chế độ hỗ trợ thêm là hơn 400 nghìn đồng/tháng. Điều này chưa tương xứng với công sức, thời gian bỏ ra, nên các cô có phần thiệt thòi.
“Để giảm bớt một phần vất vả cho giáo viên dạy lớp ghép ở điểm bản, từ năm ngoái đến nay nhà trường đã vận động địa phương, bà con nhân dân cùng đóng góp công sức, hỗ trợ trong việc nấu ăn, sắp xếp, dọn dẹp... Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực bằng những chế độ, chính sách cụ thể hơn, để tạo thêm nguồn động lực giúp các cô tiếp tục gắn bó lâu dài với giáo dục vùng khó”, cô Tâm chia sẻ.
Vừa qua, tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT về việc khảo sát xây dựng Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em mẫu giáo và Đề án Phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2023 – 2030, ngành Giáo dục Điện Biên cũng đã có đề xuất, kiến nghị liên quan đến nội dung này.
“Bên cạnh kiến nghị với Đảng, Chính phủ ưu tiên ngân sách, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà công vụ cho giáo viên vùng khó, các chính sách hỗ trợ cho học sinh và giáo viên. Đối với Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan, Điện Biên cũng kiến nghị tham mưu với Chính phủ nâng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non dạy ở lớp mẫu giáo ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số…”, bà Lò Thị Thời, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho hay.