Đầu tư "mạch máu" giao thông Đồng bằng sông Cửu Long: Đường băng để vùng đất phù sa hóa rồng

GD&TĐ - Xuôi theo hướng Bắc - Nam, tuyến cao tốc TPHCM - Mỹ Thuận đã hoàn thành. Đây là tuyến cao tốc huyết mạch cho khu vực lõi ĐBSCL. Là cơ hội để vùng đồng bằng châu thổ cất cánh sau bao năm "qua sông lụy đò". 

Nút giao Thân Cửu Nghĩa - kết nối tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Nút giao Thân Cửu Nghĩa - kết nối tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Đồng bằng cất cánh

Cùng với tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương (40km), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km thông xe giúp giảm tải Quốc lộ 1, ô tô chạy từ TPHCM tới Mỹ Thuận (Vĩnh Long) từ 3 giờ còn khoảng 1 giờ 45 phút. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng TPHCM với miền Tây.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào sử dụng góp phần phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây, khi chưa có tuyến cao tốc này, giao thông trong vùng phụ thuộc chủ yếu vào trục dọc huyết mạch là Quốc lộ 1. Đây là trục dọc quan trọng nhất vùng nhưng từ lâu đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Còn có vài trục dọc khác kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với bên ngoài nhưng năng lực lưu thông hạn chế do đường hẹp, mặt đường xấu.

Theo các chuyên gia, cả một vùng đất chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước; đóng góp 15,4% GDP, khoảng 50% sản lượng lúa và 95% lượng gạo xuất khẩu… mà hạ tầng giao thông bộ chỉ có như thế thì quả là không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển. Muốn phát triển được vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì việc đầu tiên là cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, một trong những thách thức lớn hiện nay đối với Đồng bằng sông Cửu Long chính là kết cấu hạ tầng. Do hệ thống hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế khiến cho chi phí logistics còn cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa từ khu vực này. Thực tế đã chứng minh, một khi khu vực, địa phương nào được đầu tư hạ tầng giao thông hoàn thiện, kết nối, sẽ tạo lực đẩy rất lớn trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư…

Tuyến cao tốc TPHCM - Mỹ Thuận đã hoàn thành. Đây là tuyến cao tốc huyết mạch cho khu vực lõi ĐBSCL.
Tuyến cao tốc TPHCM - Mỹ Thuận đã hoàn thành. Đây là tuyến cao tốc huyết mạch cho khu vực lõi ĐBSCL.

Đối với người dân miền Tây, tuyến giao thông cao tốc kết nối với TPHCM dần trở thành hiện thực đã thỏa niềm ước mơ bao đời. Trước đây, từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ muốn đi TPHCM phải qua 2 phà lớn vượt sông Hậu, sông Tiền với hàng trăm km đường nhỏ hẹp. Giờ đây, với tuyến cao tốc, người dân miền Tây thoải mái hơn khi thức dậy ở Cần Thơ để đi đến TPHCM ăn sáng, uống cà phê với thời gian khoảng 3 giờ đồng hồ. “Do đặc thù công việc nên tôi thường xuyên di chuyển giữa TP Cần Thơ và TPHCM, đoạn đường hơn 180km nhưng trước đây phải mất khoảng 5 giờ đồng hồ mới tới nơi. Nay có tuyến cao tốc TPHCM - Mỹ Thuận, thời gian tôi di chuyển rút ngắn chỉ còn khoảng 3 giờ. Nhờ giao thông thuận lợi, việc đi làm, đi học, giao thương mua bán thuận tiện hơn rất nhiều…”, anh Trương Văn Linh, nhân viên kinh doanh ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ chia sẻ.

Là lãnh đạo một trong những địa phương có đường cao tốc đi qua, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết: Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một cố gắng rất lớn của nhà đầu tư trong điều kiện hết sức khó khăn. Đây là niềm mong muốn và niềm vui lớn của không chỉ của người dân Tiền Giang, mà còn của Đồng bằng sông Cửu Long. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào sử dụng sẽ giảm ùn tắc, kẹt xe trên trục đường Quốc lộ 1 đi từ TPHCM về các tỉnh miền Tây trong nhiều năm qua. Đồng thời cũng rút ngắn quãng đường di chuyển trên trục đường này...

Thi công tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Thi công tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Khởi động mạng lưới cao tốc toàn vùng

Bên cạnh đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, công trường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23km, vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng đang được thi công. Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2023. Khi đó, đường cao tốc sẽ nối thẳng từ TPHCM đến Cần Thơ. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nhận định, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là sự trông chờ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ cũng như người dân của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ TPHCM về TP Cần Thơ từ 3 - 4 giờ xuống còn khoảng 2 giờ, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giao thông, giao thương của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ là tuyến đường huyết mạch thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối các tuyến chính đã và đang xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Ngoài ra, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong tương lai gần sẽ ưu tiên đặc biệt cho một số nhóm dự án giao thông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Cao tốc TPHCM đến Cà Mau (trục dọc) và các cao tốc trục ngang như An Hữu - TP Cao Lãnh, Vàm Cống - Rạch Giá, Châu Đốc - Cần Thơ - cảng Trần Đề... Cùng với đường đó, sẽ triển khai 7 tuyến quốc lộ trong vùng. Với quyết tâm của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong vòng 5 đến 10 năm tới, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn chỉnh tuyến cao tốc trục dọc nối TP Hồ Chí Minh - Cà Mau và các dự án cao tốc khác. Cùng với đó là các tuyến quan trọng khác được nâng cấp hoặc làm mới như tuyến N2 (nâng cấp), Quốc lộ 60 (nâng cấp), tuyến hành lang ven biển (làm mới), tuyến nối TPHCM qua Long An đến Tiền Giang (làm mới)…

Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Muốn phát triển được thì việc đầu tiên là cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT và đơn vị tư vấn lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt. Cụ thể là ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng.

Bức tranh giao thông Đồng bằng sông Cửu Long gần đây đã tạo ra được các điểm sáng với hệ thống đường bộ, cầu vượt sông lớn, cụm cảng và luồng, các sân bay trong vùng được đầu tư. Trong 5 - 10 năm nữa, khi hạ tầng giao thông có sự thay đổi lớn thì kinh tế - xã hội của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ đó cũng được phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư từ lâu đã nghiên cứu vùng đất màu mỡ này. Đặc biệt, trong Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa. Đối với phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 tại Đồng bằng sông Cửu Long, đường bộ cao tốc có tổng chiều dài là 1.166km, bao gồm 3 trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và 3 trục ngang nhằm tăng cường kết nối hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.

Tuyến cao tốc hình thành giúp giảm tải Quốc lộ 1 vốn đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Tuyến cao tốc hình thành giúp giảm tải Quốc lộ 1 vốn đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. 

Cần cơ chế đặc thù

Dù được quan tâm đầu tư nhưng hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long có số km đường cao tốc rất thấp (chưa đến 100km), tạo thành những điểm nghẽn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất một số cơ chế, chính sách phù hợp; khai thác mọi nguồn lực; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hạ tầng giao thông vùng.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, một trong những lý do nhà đầu tư chưa rót vốn nhiều vào Đồng bằng sông Cửu Long là do yếu kém về hạ tầng và logistics. Do đó, thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh về hạ tầng, trong đó có các trục dọc, trục ngang và hạ tầng hành lang kinh tế ven biển. Huy động tối đa nguồn lực về đầu tư kinh tế (BOT, PPP) vào giao thông thời gian qua dù có nhiều hình thức nhưng chưa thực hiện tốt nên áp lực dồn về ngân sách đầu tư công. Tuy nhiên, vốn đầu tư công sẽ không thể đủ nguồn lực đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long, do đó cần xây dựng cơ chế, phân cấp nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương…

Nhấn mạnh vai trò hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định: “Giao thông có thông suốt thì kinh tế mới phát triển”. Theo lý giải của Giáo sư Võ Tòng Xuân: Một miền Tây Nam Bộ chằng chịt sông nước, nhưng 20 năm qua, toàn vùng trông chờ vào 5 cây cầu lớn bắc qua sông Tiền và sông Hậu để kết nối các tỉnh, thành, gồm cầu Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ, Cao Lãnh, Vàm Cống. Còn lại, toàn vùng chỉ có hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ nhỏ, hẹp với vô số cầu nhỏ. Vấn đề rất cần của vùng chính là giao thông thông suốt thì kinh tế mới phát triển được.

Nhận định của các chuyên gia, để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long chính là hạ tầng giao thông. Phân tích về thế mạnh thu hút đầu tư của các địa phương, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho biết, thế mạnh của đồng bằng này phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện và vị trí tự nhiên. Diện tích đồng bằng rộng lớn, hệ thống sông rạch dày đặc với hai mặt giáp biển. Vùng có lợi thế rất nhiều ở các cụm ngành là lúa gạo, thủy sản, rau quả, du lịch hoặc cụm ngành công nghiệp năng lượng. Đặc biệt, đây là vùng có nguồn nguyên liệu nông thủy sản đầu vào dồi dào, dưới góc độ thu hút đầu tư, là lợi thế rất lớn để phát triển hạ tầng công nghiệp. Chưa kể, Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khu vực có môi trường kinh doanh khá thuận lợi, được cải thiện liên tục qua các năm. Điều này được thể hiện thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của vùng liên tục đứng đầu cả nước so với các vùng khác trong những năm gần đây… Do đó, cần giải quyết một trong những thách thức lớn hiện nay đối với Đồng bằng sông Cửu Long chính là kết cấu hạ tầng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ