Đầu tư cho giáo dục: Vẫn thiếu trước, hụt sau

GD&TĐ - Ngân sách chi thường xuyên hằng năm cho giáo dục được xem là bệ đỡ để thúc đẩy và phát triển giáo dục quốc gia. Trong đó, 81% ngân sách được xác định là chi lương, số còn cho các hoạt động khác của nhà trường. Tại nhiều trường học, các hoạt động đổi mới, bồi dưỡng và nâng chuẩn giáo viên ít nhiều gặp khó vì kinh phí hạn hẹp.

 Hoạt động trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.
Hoạt động trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.

Bỏ ngỏ… hoạt động chi không thường xuyên

Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, tổng chi cho giáo dục năm 2021 chỉ đạt 17,3%. Đáng nói, tỷ lệ chi cho con người (lương, các khoản theo lương) chiếm phần lớn trong tổng chi thường xuyên tại các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa bảo đảm yêu cầu tối thiểu 18% chi chuyên môn theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg.

Thực trạng trên ít nhiều gây khó cho địa phương trong việc bố trí ngân sách để sửa chữa trường lớp, kiện toàn điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bà Phạm Thúy Hà - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 4, TPHCM - cho biết: Ngân sách hiện nay chủ yếu chi cho con người nên ngoài ngân sách địa phương, các trường phải linh hoạt trong hoạt động thu chi để đảm bảo tốt hoạt động chuyên môn cũng như bồi dưỡng giáo viên.

“Tổng chi ngân sách hoạt động trong một năm của nhà trường sẽ được Phòng Tài chính của quận tính toán, rà soát và đối chiếu cụ thể từng tham số (thang bảng lương, chi sửa chữa cơ sở vật chất, hoạt động bồi dưỡng giáo viên…) rồi giao ngân sách. Tuy vậy, trong quá trình triển khai hoạt động dạy học sẽ nảy sinh thêm nhiều nhu cầu (bồi dưỡng nghiệp vụ, thao giảng, hội nghị chuyên đề… cho giáo viên) khiến chi phí thiếu hụt, buộc các trường phải cố gắng “co kéo” cân đối tài chính chung”, bà Hà cho biết.

Theo nhiều hiệu trưởng, khó khăn và thiếu hụt về tài chính với các trường chủ yếu đến từ hoạt động sửa chữa, đầu tư trang thiết bị dạy học. Nhiều trường xuống cấp khá lâu (thường gọi là trường hạng 3) nhưng để xin kinh phí đầu tư sửa chữa mất thời gian dài, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM - chia sẻ: Ngoài chi thường xuyên cho lương của giáo viên, cơ sở vật chất (sửa chữa nếu có), các chi phí khác như hội thảo, hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường phải xoay xở từ nguồn thu khác (bán trú, 2 buổi/ngày).

“Quy định của Nhà nước rất rõ, các khoản chi thường xuyên không được cắt xén và đụng vào. Do đó, các hoạt động chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên hay trang thiết bị cho học sinh theo yêu cầu của phụ huynh, nhà trường phải cân đối từ hoạt động thu chi và xã hội hóa. Theo yêu cầu của thực tế, giáo viên buộc phải đứng lớp ngoài giờ, tham gia các hoạt động chung của nhà trường vào ngày nghỉ nhưng trường không thể tăng thêm thu nhập cho thầy cô vì kinh phí hạn hẹp”, cô Hương cho hay.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM trong một giờ sinh hoạt chuyên đề.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM trong một giờ sinh hoạt chuyên đề.

Cân đối khoản chi cho các bậc học

Kinh phí ngân sách chi thường xuyên eo hẹp và bị tiết giảm theo đặc thù của nhiều địa phương khiến không ít trường buộc phải đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, kêu gọi sự ủng hộ từ phụ huynh… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu.

Cán bộ quản lý trường THCS tại Quận 12, TPHCM nhìn nhận chi phí chi thường xuyên cho nhà trường chỉ bảo đảm ở mức hoàn thành các nhiệm vụ giáo dục. Việc gia tăng thu nhập cho giáo viên (thu nhập tăng thêm) chủ yếu đến từ việc tiết kiệm tối đa các hoạt động song hành trong nhà trường.

“Điều này tất yếu ảnh hưởng đến các hoạt động nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Nhưng nếu không tiết kiệm thì không thể gia tăng thu nhập cho giáo viên, các phúc lợi, thưởng thi đua... Đó là chưa kể, nhiều năm khi việc xin kinh phí sửa chữa các hạng mục xuống cấp, hư hỏng chưa được duyệt, trong khi nhu cầu bức thiết phải làm ngay, đơn vị không cách nào khác phải kêu gọi xã hội hóa để đảm bảo điều kiện và môi trường học tập cho học sinh. Và “lạm thu” xuất phát cũng từ chỗ này”, cô K - một hiệu trưởng giấu tên trải lòng.

Ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục đang có độ vênh nhất định. Điều đó dẫn đến thực tế ở nhiều nơi chưa bảo đảm điều kiện học tập có chất lượng cũng như việc thực hành, thực tập của học sinh, sinh viên.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM (thuộc Sở NN&PTNN TPHCM), trong cơ cấu chi theo cấp học của luật, chi cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông chiếm xấp xỉ 70% tổng chi ngân sách cho giáo dục. Trong khi đó, chi cho đào tạo cao đẳng và đại học chỉ trên 12%, giáo dục nghề xấp xỉ 10%.

“Tỷ lệ này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo của khối cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp khi cộng dồn các chi phí chi trên đầu cho một sinh viên quá thấp. Với trường tuyển sinh tốt, các hoạt động kinh tế và hợp tác doanh nghiệp, chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ ổn thì chi phí cho sinh viên sẽ tốt hơn. Còn với đơn vị khó khăn trong tuyển sinh, chi phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học thấp, đãi ngộ cho giảng viên, đầu tư cho cơ sở vật chất khiêm tốn sẽ rất khó để có được chất lượng đào tạo tốt”, ông Hùng chia sẻ.

Để ngân sách chi cho giáo dục phát huy hiệu quả, hướng đến thúc đẩy phát triển đồng bộ giữa các địa phương và vùng miền, cô Nguyễn Thị Thu Cúc - nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TPHCM - cho rằng: Nhà nước cần xem xét, tập trung ngân sách cho giáo dục phổ cập, hỗ trợ các địa bàn, đối tượng đặc thù. Thực hiện chính sách chia sẻ chi phí đào tạo giữa người học và Nhà nước đối với giáo dục mầm non, phổ thông các vùng thành thị. Quan trọng hơn, để giảm bớt áp lực cho ngân sách Nhà nước, tạo lực đẩy cho các bậc học phát triển, chúng ta cần có thêm chính sách tăng cường nguồn lực phát triển và nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Chúng ta cần điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư cho giáo dục và đào tạo theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Bởi thực tế cho thấy, đầu tư cho các hoạt động giáo dục (cơ sở vật chất, nâng chất đội ngũ, chuẩn hóa chương trình, sách giáo khoa) song hành với việc điều chỉnh cơ cấu chi giữa các bậc học, ngành học mới phát huy hiệu quả. Ngân sách giáo dục vẫn ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non, phổ thông theo hướng từ ngân sách và xã hội, nhưng cũng không quên bỏ ngỏ bậc cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp và đại học. Bởi khi thực hiện đầu tư có trọng điểm, hài hòa, chúng ta sẽ tạo được lực đẩy chung cho toàn ngành. - Cô Nguyễn Thị Thu Cúc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ