Là một tiến sĩ trẻ của chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Văn, TS Nguyễn Thị Quốc Minh (Giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến đổi mới phương pháp dạy học môn Văn. Bên cạnh đó, chị còn dành nhiều tâm huyết cho nghiên cứu về cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới), trong đó bao gồm cả văn học LGBT.
Trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, TS Nguyễn Thị Quốc Minh đã có những chia sẻ với Báo GD&TĐ.
Ở góc độ là giảng viên, nhà nghiên cứu văn học chị thấy Nghị quyết 29 đã có những tác động gì?
TS Nguyễn Thị Quốc Minh: Năm 2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa…”. Đây là nghị quyết quan trọng, có tác động lâu dài đến giáo dục cũng như quá trình phát triển của đất nước. Theo tôi quan sát thì Nghị quyết đã bước đầu đi vào đời sống.
Điểm nổi bật nhất là đầu tư của nhà nước cho cơ sở vật chất giáo dục tăng cao. Trường sở đã được sửa sang, xây mới. Mặc dù vậy ở vùng sâu vùng xa, vùng lũ lụt thường xuyên, đường xá đi lại khó khăn thì điều kiện vật chất vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của giáo dục. Những cơ sở giáo dục “cắm bản”, hay ở những “lõm dân cư” giữa cánh đồng còn khá lạc hậu, sơ sài.
Điểm nổi bật thứ hai là ngành giáo dục cũng đã ngăn được “cơn lũ” về bằng cấp và đào tạo giáo viên. Trước đây trường đại học nào, dù không có nghiệp vụ sư phạm cũng đào tạo được sinh viên sư phạm, thực trạng ấy khiến cho số lượng giáo sinh thì dư thừa mà chất lượng lại rất thấp. Hiện nay đầu ra sinh viên sư phạm chuẩn hơn, nhu cầu xã hội đối với giáo viên phổ thông tăng mà nguồn cung khá hạn chế.
Ấn tượng thứ ba là về tự chủ đại học. Nhiều trường đại học đã bắt đầu tự chủ, nhờ vậy mà đầu tư nhà nước giảm nhưng nguồn thu các trường lại tăng theo lộ trình tăng của học phí. Ở nhiều trường thu nhập giảng viên đại học bắt đầu tăng, và chất lượng đào tạo cũng hứa hẹn tăng lên.
Kỳ vọng của chị về phát triển giáo dục trong thời gian sắp tới?
- Dân tộc ta là một dân tộc thông minh, có truyền thống hiếu học. Đại hội Đảng lần thứ XIII đánh dấu một bước phát triển mạnh của đất nước. Trong các văn kiện của đại hội, vấn đề giáo dục được đưa lên hàng đầu, Đảng ta coi giáo dục là quốc sách cho sự phát triển. Vì thế tôi tin rằng những vấn đề bức xúc của giáo dục lâu nay sẽ từng bước được cải thiện, giáo dục sẽ đổi mới mạnh mẽ cùng với sự phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Tôi mong mỏi đầu tư của nhà nước cho giáo dục tiếp tục tăng lên, khiến cho trường sở khang trang hơn, giáo viên và học sinh có môi trường dạy-học tốt hơn, đảm bảo yêu cầu sư phạm. Tôi cũng mong Đảng và Nhà nước sẽ tháo gỡ cơ chế giáo dục, có những ưu đãi cho nhà giáo, để thu nhập của giáo viên tăng lên, có thể đủ trang trải trong cuộc sống, khiến họ yên tâm công tác và giữ được hình ảnh tôn nghiêm của người thầy trong mắt học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.
Tôi cũng mong mỏi các trường đại học có chức năng đào tạo giáo viên chú ý hơn nữa về chất lượng để có thể đào tạo được giáo viên chuẩn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục. Muốn được thế, tôi cũng muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường hơn nữa giám sát chất lượng, yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình bên cạnh mở rộng cơ chế tự chủ cho các trường đại học.
Theo chị, lĩnh vực văn học sẽ góp phần gì cho sự phát triển này?
- Văn học không đứng ngoài sự phát triển của đất nước cũng như các mối quan tâm về xã hội, trong đó có giáo dục. Nói đến văn học trong nhà trường là nói đến việc giáo dục phẩm chất nhân văn và khả năng sử dụng tiếng Việt. Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, kỹ thuật, xã hội có xu hướng chạy theo việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất mà coi nhẹ các yếu tố tinh thần. Môn Văn trong nhà trường càng trở nên rất cần thiết trong tình hình đó.
Chúng ta đều biết môn Văn không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, không chỉ uốn nắn hành vi, ứng xử mà bồi dưỡng tâm hồn, giáo dục cho học sinh biết quan tâm, yêu thương, chia sẻ. Hiện nay ngành giáo dục đang thay đổi một cách mạnh mẽ và sâu sắc định hướng giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học, nói đơn giản là từ giáo dục để biết thành giáo dục để làm được. Môn Ngữ văn đang đổi mới từ triết lý đến chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy. Tôi hy vọng con đường đổi mới này thành công, điều ấy sẽ khiến môn văn không còn là môn học thuộc lòng, học vẹt với văn mẫu, đề tủ nữa mà thành môn học thiết thực, thú vị, thu hút sự quan tâm chú ý của học sinh.
Xin cám ơn chị.