"Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển"

GD&TĐ - Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, một trong ba đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. GD-ĐT có vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược này.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đại biểu quốc hội khóa XIV có những trao đổi xung quanh vấn đề này.

Gốc rễ của vấn đề

* Theo bà, nên hiểu như thế nào về nguồn nhân lực chất lượng cao?

- Nguồn nhân lực chất lượng cao nên được hiểu theo nghĩa rộng và mở. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, có những tiêu chí và tiêu chuẩn khác nhau. Chẳng hạn: Trong giai đoạn hiện nay, đã là nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có các tiêu chí về công nghệ thông tin, Ngoại ngữ… nhằm đáp ứng yêu cần phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tất nhiên, không có gì là bất biến, nên các tiêu chí, tiêu chuẩn về nhân lực chất lượng cao có thể thay đổi theo thời gian để phù hợp và thích ứng với thực tiễn khách quan.

* Các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nêu, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phát chiến lược . Nhìn ở góc độ giáo dục và đào tạo, bà đánh giá như thế nào?

- Hầu như các Nghị quyết của Đảng xác định, định hướng phát triển đất nước trong 10 - 20 năm tới đều có liên quan đến GD-ĐT. Vì thế, cần nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thực tế, giáo dục không chỉ có vai trò quan trọng trong định hướng tư tưởng, nhận thức của HSSV, mà còn phát kỹ năng, năng lực nghề nghiệp cho thế hệ trẻ để thích ứng với công cuộc đổi mới đất nước, nhất là trong bối cảnh của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0; đồng thời đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nói riêng và nhu cầu thị trường lao động nói chung.

Trên cơ sở đó, một mặt phải sắp xếp hài hòa nguồn nhân lực mà đất nước và khu vực đang cần; mặt khác cần quy hoạch và chiến lược phát triển bài bản dựa trên các giải pháp căn cơ, mà ở đó giáo dục là vấn đề “gốc rễ”. Đảng và Nhà nước vẫn xác định, giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển.

Tuy nhiên, để làm được điều này, không thể nói “một sớm, một chiều”, mà cần làm từng bước và bắt đầu từ những thanh, thiếu niên nhi đồng cho đến đội ngũ nhân sỹ, tri thức… Ngoài ra, cần làm tốt công tác phân luồng học sinh ngay từ bậc THCS.

Bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

* Vậy tới đây, Đảng bộ Thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) sẽ có chương trình, hành động gì để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống?

- Chúng tôi đã có định hướng, tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong đó nhấn mạnh đến lĩnh vực GD-ĐT. Chẳng hạn như: Thực hiện các chương trình thí điểm của tỉnh về xây dựng trường học thông minh, dạy học song ngữ, xã hội hóa giáo dục. Làm sao để thu hút các nguồn lực và đầu tư xây dựng một số trường đạt chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ triển khai một số công việc cụ thể, như: nâng cao chất lượng về đầu tư cơ sở vật chất; tiếp tục đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT, trước mắt là triển khai, thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, tiếp tục xây dựng trường đạt chuẩn chất lượng, phấn đấu 5 năm tới, 100% trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển các trường liên cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm giảm tải cho các thành phố lớn.

Theo khảo sát sơ bộ, con em thành phố Đồng Xoài đến trung tâm tỉnh Bình Dương học rất nhiều. Vì vậy, nếu địa phương có trường tốt, đạt chất lượng thì sẽ được phụ huynh, xã hội ủng hộ, bởi không chỉ giảm chi phí mà hiệu quả, chất lượng vẫn như nhau.

* Bà có nhắc đến, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển. Vậy bà có đề xuất giải pháp gì cho vấn đề này?

- Tôi cho rằng, cần có sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị đối với sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường – Gia đình – Xã hội.

Muốn ươm mầm tài năng, chăm lo cho thế hệ trẻ, tạo nguồn nhân lực cho đất nước thì cần quan tâm phát triển và nâng tầm giáo dục. Chúng ta phải đi trước một bước

Tôi đề xuất, Đảng nhà nước các cấp cần quan tâm, chăm lo cho giáo dục một cách thiết thực, hiệu quả. Theo đó, ban hành chương trình, đề án, chiến lược cụ thể để làm căn cứ cho việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không nên đầu tư theo kiểu dàn trải.

-Xin cảm ơn bà!

"Có thể khẳng định, GD-ĐT có vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Bà Tôn Ngọc Hạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.