Tỷ lệ đầu tư cho giáo dục rất thấp
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho hay: Từ trước tới nay, dự thảo báo cáo tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 cũng như tất cả kế hoạch kinh tế - xã hội đều xác định: Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện ưu tiên cho giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ lệ chi ngân sách cho các lĩnh vực trên hầu như chưa bao giờ đạt được mục tiêu đề ra. Điều này được thể hiện rõ trong báo cáo quyết toán ngân sách năm 2019 của Chính phủ.
Về cơ cấu vốn ngân sách Trung ương và qua Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) nhận thấy: Giáo dục, đào tạo và dạy nghề hiện nay phân bổ là 3,8%. Luật Giáo dục có nêu, tổng chi cho giáo dục ít nhất 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. “Tôi cho rằng, chi như thế này vẫn còn thấp” - đại biểu Nguyễn Trường Giang nói.
Thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội) đồng thời góp ý về dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có lĩnh vực giáo dục; bởi đây là lĩnh vực mà Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và đặc biệt quan tâm.
Khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đại biểu Dương Minh Ánh nhắc lại: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam nằm trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước. Để hiện thực hóa nghị quyết của Đảng; mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc riêng với Bộ GD&ĐT. Theo đó, Thủ tướng có nêu: Nguồn lực con người là quan trọng nhất, mang tính quyết định với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
“Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Thủ tướng. Tuy nhiên, chủ trương là vậy nhưng qua nghiên cứu dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nguồn kinh phí được phân bổ cho lĩnh vực giáo dục và giáo dục nghề nghiệp được bố trí khoảng gần 23.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ là 2,52% nguồn vốn ngân sách Trung ương. Như vậy, nguồn lực của chúng ta chưa cân đối để đảm bảo được mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025” - đại biểu Dương Minh Ánh trao đổi.
Chi cho giáo dục, đào tạo: Đầu tư cho tương lai
Nhắc lại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, phát triển con người là một trong ba khâu đột phá chiến lược, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) trăn trở: Chúng ta đầu tư có 3,8% cho giáo dục, đào tạo thì làm sao thỏa đáng với đột phá chiến lược. Đại biểu Hoàng Văn Cường viện dẫn: Theo công bố của thế giới, đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam hiện thấp nhất trong các nước trên thế giới. Chúng ta chỉ đầu tư có 0,33% GDP; trong khi đó, những nước trong khu vực như Indonesia cũng đầu tư gấp đôi chúng ta.
“Với mức đầu tư thấp nhưng hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực giáo dục hiện nay đang được đánh giá là cao nhất. Chúng ta cũng nhìn thấy, người dân có thể thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở những vẫn cố gắng đầu tư cho giáo dục. Do vậy, nếu chúng ta không đầu tư thoả đáng cho giáo dục, đào tạo có lẽ đi ngược lại với mong muốn, mong đợi của người dân” - đại Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng: Suy cho cùng, chi cho giáo dục, đào tạo là chi đầu tư. Vì thế, các chính sách cho lĩnh vực này nên được mở rộng, như chính sách nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài, chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng của Nhà nước, chính sách đổi mới sáng tạo… Các khoản chi ngân sách Nhà nước cần tập trung vào chất lượng và sản phẩm đầu ra.
“Hy vọng rằng, Quốc hội nhiệm kỳ mới sẽ giám sát chặt chẽ hơn vấn đề phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực quan trọng này” - đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu ý kiến.