Đấu thầu vàng miếng: Phức tạp thêm thị trường

Đấu thầu vàng miếng: Phức tạp thêm thị trường

(GD&TĐ) - Với lý do để triển khai hoạt động can thiệp thị trường, từ cuối tháng 3/2013 đến lần gần nhất là 12/4/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức 6 phiên đấu thầu bán vàng miếng. Người dân kỳ vọng động thái tổ chức các phiên đấu thầu của NHNN sẽ góp phần bình ổn  thị trường vàng, đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, giá trúng thầu thấp nhất (trong phiên gần nhất) đã… cao hơn cả giá thị trường. Cần “bình ổn” lúc này, có lẽ là các doanh nghiệp (DN) đã trúng thầu chứ không phải thị trường nữa.

 

Có thể thấy yếu tố đầu tiên hỗ trợ sự giảm giá của vàng trong nước đến từ thị trường vàng quốc tế. Liên tục trong tuần qua, những thông tin kinh tế không hỗ trợ đà tăng của vàng khiến nhiều nhà đầu tư trên thế giới lo ngại dẫn đến sự bán tháo ồ ạt và làm mất đi vai trò phòng hộ an toàn của vàng. Vàng trong nước vì vậy cũng không đứng ngoài xu hướng giảm giá này. Yếu tố quan trọng tiếp theo hỗ trợ đà giảm của vàng trong nước tuần qua chính là 6 phiên đấu thầu vàng miếng của NHNN; nhất là ở 3 phiên gần nhất (trong các ngày 9/4 – 10/4 và 12/4); với việc đưa ra mức giá sàn thấp hơn giá niêm yết của các DN tại cùng thời điểm, đã có tổng cộng 104.800/118.000 lượng vàng được các đơn vị tham gia đấu thầu mua vào. Còn theo NHNN thì việc này về cơ bản sẽ tăng cung vàng miếng, góp phần cân bằng cung – cầu trên thị trường và từng bước giúp ổn định thị trường vàng.

Nghe thì có vẻ xuôi, nhưng thử lật lại một vấn đề tưởng nhỏ mà lại không hề nhỏ chút nào: Vấn đề “Giá”!. Cứ sau mỗi phiên đấu thầu, giá bỏ thầu (và trúng thầu) lại hụt chân so với giá trên thị trường do giá thế giới lao dốc. Cụ thể ở phiên gần nhất ngày 12/4, với 40.000 lượng vàng miếng SJC được NHNN tổ chức đấu thầu thành công; giá trúng thầu cao nhất 42.980.000 đồng/lượng, giá thấp nhất 42.970.000 đồng/lượng. So với thị trường thì thấp hơn đôi chút khi ngày 12/4 giá bán ra của vàng miếng SJC là 43,05 triệu/lượng. Nhưng chỉ sang đến ngày 13/4, thị trường chỉ còn 42,220 triệu/lượng vàng bán ra. Đến ngày 15/4 thì xuống mức 41,870 triệu đồng/lượng vàng miếng.

Với các tổ chức tín dụng, việc giá thị trường lên xuống sẽ không có tác động nhiều, bởi lẽ mục đích mua vàng của họ là để tất toán số dư vàng huy động. Càng nhiều tổ chức tín dụng mua vào, càng góp thêm sự giảm áp lực mua vàng trên thị trường (vốn cũng góp phần làm tăng giá trên thị trường). Nhưng với DN lại khác hẳn với mục đích tham gia đấu thầu là để mua với giá rẻ và bán ra thị trường kiếm chênh lệch. Chỉ có trẻ con mới tin rằng DN sẽ chấp nhận “cắt lỗ” (thậm chí sẽ là lỗ rất nặng) để đưa “hàng” ra phục vụ mục tiêu bình ổn của NHNN.

Tốc độ giảm giá của vàng trong nước hết sức “dè dặt” mấy ngày qua là một minh chứng rất rõ nét. Giá thế giới chốt giao dịch sáng 15/5 giảm chừng 80 USD/ounces nhưng trong nước chỉ giảm được chừng 1 triệu/lượng. Sự điều chỉnh có mức độ này ai bảo không nằm trong sự điều tiết của các DN hàng đầu – cũng là những DN được phép (trong danh sách cố định) tham gia đấu thầu mua vàng với NHNN. Điều đó cũng lý giải khoảng cách giữa hai thị trường vàng không những không được thu hẹp mà còn nới rộng hơn, lên mức cao chưa từng có. Hiện quy ra tiền Việt, một lượng vàng quốc tế chỉ tương đương 36,4 triệu đồng, thấp hơn 5,3 triệu đồng so với niêm yết bán thực tế của các DN. Đây là kỷ lục của chênh lệch giá vàng, phá vỡ kỷ lục cũ 4,9 triệu đồng lập tháng 12 năm ngoái.

Không thể trách các DN đầu mối liên kết để gìm giá thị trường. Cái chính là nằm ở cách thức điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước. Ngay khi NHNN có ý định đấu thầu vàng miếng để bình ổn thị trường, Báo GD&TĐ đã đặt câu hỏi về việc lấy mốc giá của thị trường trong nước làm quy chiếu và điều gì sẽ diễn ra nếu giá thế giới xuống thấp hơn hiện tại. Thực tế đã diễn biến đúng lo ngại đó khi giá thế giới lao dốc, còn giá trong nước chỉ “nhúc nhích” bởi các DN đầu mối hàng đầu đã chót “ôm” khối lượng lớn với giá cao.

Xem ra, nếu NHNN vẫn tiếp tục triển khai các phiên đấu thầu trong thời gian tới như công bố mới nhất, hệ quy chiếu nên là giá thế giới chứ không phải từ thị trường trong nước như hiện nay. Nếu không, những phiên đấu thầu như vậy, sẽ lại làm rối thêm thị trường mà thôi.

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ