Dâu mới và nỗi lo Tết nhà chồng

Dâu mới và nỗi lo Tết nhà chồng

Bạn bè cứ trêu Thương: Sao mà dại thế, ngày rộng tháng dài chả cưới, lại chọn đúng dịp những ngày cuối năm mà vu quy, dâu mới, tết này, tha hồ mà “sướng”. Nhưng biết làm sao được, hợp tuổi, hợp ngày thì “lên kiệu”, chứ chả lẽ sợ mấy ngày tết mà hoãn đám cưới ư? An ủi mình là thế, chứ trong bụng, Thương lo lắm.

Nhà chồng đông anh, đông em, cả gái, cả trai cả thảy là 8 người. Chồng Thương là út, bây giờ mới có gia đình, chứ các anh các chị chồng Thương đều đã yên bề gia thất từ lâu, có người còn sắp sửa có con dâu, con rể đến nơi. Thế nên, ngày giỗ, ngày tết, cả nhà họp mặt đông đủ cứ gọi là đông hơn quân nguyên.

Riêng việc mua quà tết biếu từng anh chị, sắm sửa quần áo cho mấy đứa cháu nhỏ cũng khiến Thương mệt bở hơi tai. Chả là từ trước tới giờ, chồng Thương có lệ, ngày tết, dù nhiều dù ít, cũng sắm nắm quà bánh, quần áo, đồ chơi cho từng đứa cháu một, từng anh, từng chị. Thế nên anh được hết thảy mọi người, đặc biệt là lũ nhỏ thương yêu. Năm nay, Thương về làm dâu, lệ cũ không những không thể bỏ mà còn phải “hoành tráng” hơn. Vì “năm nay nhà cậu có hẳn hai người” – đứa cháu chồng mới 6 tuần đầu đã ráo trước như thế.

a
     Dâu mới thường hay lo lắng, không biết phải tính làm sao cho hợp lí. (Ảnh MH)

Do vậy, Thương thực sự lo lắng, không biết phải tính làm sao cho hợp lí. Úi sùi quá cũng không được, mà quà “khủng” quá thì ra giêng vợ chồng “treo niêu”.

Cũng giống như Thương, Hạ cũng đang lo ngay ngáy 3 ngày tết sắp tới. Chồng Hạ lại là con trưởng trong nhà, cho nên cô phải gánh trọng trách vô cùng nặng nề. Sau tuần trăng mật hồi tháng trước, hai vợ chồng Hạ đáo qua nhà thăm bố mẹ chồng, ông bà chưa gì đã khoán trắng tết này cho vợ chồng cô.

“Năm nay, bố mẹ già rồi, tết nhất giao cả cho hai đứa, sắm sửa gì thì sắm sửa. Nhưng mà nhà mình là cầu kì trong việc cỗ bàn, cúng kính lắm. Hai đứa liệu mà về sớm sớm, đừng có đến 30 mới về thì không kịp đâu”.

Bà mẹ chồng không nhắc thì thôi, cứ nhắc tới cỗ bàn là Hạ khiếp vía. Hôm cưới, gia đình, họ hàng ăn uống linh đình 3, 4 ngày trời. Ngày đầu tiên về nhà chồng Hạ phải lăn vào bếp để nấu nướng mời họ hàng thân thiết, bà con chòm xóm gọi là “cảm tạ”. Hạ chả ăn được gì, vì chỉ ngửi thấy mùi dầu mỡ, cô đã no rồi.

Mọi người ăn uống xong cô lại ra sức “quần” với đống bát đĩa. Báo hại, Hạ lăn quay ra ốm cả tuần, đi trăng mật cũng mất cả lãng mạn, tình tứ.

Nhà bố mẹ đẻ Hạ vốn ít anh, em. Lại ở thành phố, nên chuyện ngày tết, ngày nhất cực kì đơn giản. Nhưng ở quê lại khác, cầu kì lắm. Nhất là ở nhà chồng Hạ, mới chỉ nghĩ tới viễn cảnh ngày tết ở quê mà cô đã muốn ốm. Tết là nghỉ ngơi, nhưng xem ra, năm nay, cô chẳng có nổi một ngày nhàn hạ rồi.

“Anh ơi, tết này anh mà không giúp thì làm sao em xoay sở kịp?”. Còn gần một tháng nữa mới tới tết mà hôm nào Hạ cũng ca điệp khúc ấy với chồng.

Bố chồng Hạ đi bộ đội, nên sau gần 10 năm cưới, ông bà mới sinh chồng cô là con đầu lòng. Nay con có gia đình, ông bà cũng đã cao tuổi. Các em chồng thì còn nhỏ, đang tuổi ăn, tuổi chơi. Hạ cũng đã xác định tinh thần trước khi hai người cưới. Nhưng ngày trước còn đỡ, chứ cưới xong rồi, Hạ thực sự bị sốc trước trách nhiệm nặng nề mà mình được mẹ chồng ủy thác.

Chắc là tết này cô phải xin nghỉ trước vài ngày. Chứ nếu không, với cái thói “rùa ngủ gật” thì cô “chết chắc”.

Du cũng đang nhấp nha nhấp nhổm lo cho cái tết đầu tiên về nhà chồng. Thương, Hạ dù sao cũng còn dễ đỡ vì gia đình nhà chồng cùng ở miền Bắc, phong tục tập quán nhìn chung vẫn còn giông giống với nhau. Chứ Du, lấy chồng tận trong miền Nam, với biết bao khác biệt, cô chưa biết xoay sở ra sao.

Bà mẹ chồng mình không khó tính nhưng rất cẩn thận và khuôn phép... (Ảnh minh họa)
Bà mẹ chồng Du không khó tính nhưng rất cẩn thận và khuôn phép... (Ảnh minh họa)

Từ hồi yêu nhau, rồi kết hôn, Du cũng về nhà Tuấn 4, 5 lần. Nhưng chỉ gọi là đảo qua nhà chốc lạt rồi lại cùng nhau vi vu du lịch chỗ nọ chỗ kia. Mới lại, hồi ấy, yêu nó khác, còn giờ, đã là vợ người ta, là con dâu của nhà người ta thì mọi chuyện phải khác.

“Nhà chồng cũng có hai bà chị dâu rồi. Nhưng chả lẽ ỷ vào họ mà không làm gì thì coi sao được. Mới lại, bà mẹ chồng mình không khó tính nhưng rất cẩn thận và khuôn phép. Hơn nữa, mình cũng không muốn làm xấu mặt chồng. Nhưng xem chừng khó đây!” – Du vừa nói vừa thở dài.

Bởi theo như Du nói thì người miền Nam ăn uống khá cầu kì. Cùng là thịt gà, nhưng người miền Bắc chỉ có luộc, rang, nấu đông… thì trong ấy, họ phối hợp với nhiều gia vị khác nhau, làm thành nhiều món ăn độc đáo: nào là cơm gà, nào là gỏi gà… Những món ấy, ăn ngon tuyệt, nhưng Du có “tu luyện” một năm nữa chưa chắc đã làm nổi.

Rồi thì thịt kho cũng khác, canh măng nấu cũng khác…

Du có “tuyệt chiêu” gói bánh chưng, nhưng chỉ gói được bánh chưng Tày (hình tròn), chứ còn bánh chưng vuông thì cô “bó chiếu”. Mà nhà chồng thì chỉ gói độc bánh chưng vuông. Thế là cô cũng hết cơ hội để thể hiện.

Hiện tại, theo “quân sư” chồng, Du đang tập nấu vài món ăn miền Nam, dưới sự chỉ đạo của “đầu bếp” tập tọe của chồng. Cô hi vọng, mấy ngày tết, cũng biết làm “phụ bếp” cho hai bà chị dâu miền Nam. Dù có vất vả, nhưng Du nói “Đâm lao thì phải theo lao, lấy chồng thì phải theo nhà chồng, khó cũng ráng mà học”. 

Tết đầu tiên về nhà chồng là khoảng thời gian khó khăn và thử thách nhiều tân cô dâu. Các bà mẹ chồng cũng qua 3 ngày tết mà đánh giá nàng dâu của mình. Chính vì vậy, dù có vất vả, các cô dâu cũng hãy cố gắng để những ngày đầu năm mới là những ngày vui vẻ, ấm cúng và hạnh phúc, đồng thời ghi điểm với gia đình chồng nhé!

 (Theo eva)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.