Đối tượng lao động sư phạm là học sinh
GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh điều này trong tham luận của mình tại Hội thảo khoa học Quốc tế “Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay: Xu hướng Việt Nam và thế giới”.
GS Đinh Quang Báo phân tích, mục đích của lao động sư phạm là đào tạo thế hệ trẻ thành lực lượng lao động tiếp nối sự phát triển xã hội theo mô hình nhân cách mà xã hội yêu cầu ở từng thời kỳ phát triển.
Đối tượng lao động sư phạm là học sinh. Công cụ chủ yếu của lao động sư phạm là nhân cách của người giáo viên; bằng chính nhân cách của mình, giáo viên tác động tích cực đến sự hình thành nhân cách của học sinh. Sản phẩm của lao động sư phạm là những nhân cách theo mô hình mà xã hội đòi hỏi ở giáo dục nhà trường.
Như vậy, trong lao động sư phạm, đối tượng lao động là con người, công cụ chủ yếu là con người, sản phẩm cũng là con người.
Cũng theo GS Đinh Quang Báo, lao động của nhà giáo biến con người sinh học thành con người xã hội, tức là thành những nhân cách, như là động lực có tính quyết định sự phát triển kinh tế xã hội. Nhân cách là hệ thống năng lực tinh thần và thể chất của con người. Hệ thống năng lực này là nguồn gốc tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội.
Yếu tố quan trọng bậc nhất trong cấu trúc nhân cách là trí tuệ, thể hiện ở trình độ tư duy, trình độ học vấn, năng lực giải quyết những vấn đề lý thuyết hay thực tiễn một cách sáng tạo.
Về phương diện kinh tế, trí tuệ được xem là tài nguyên quý giá nhất trong các nguồn tài nguyên của quốc gia. Một trong những người làm phong phú tăng thêm trữ lượng tài nguyên trí tuệ của quốc gia là các nhà giáo.
Có thể nói sản phẩm lao động của nhà giáo là loại sản phẩm cao câp bậc nhất, gắn với tương lai xã hội. Trong một xã hội đang phát triển nhanh thì sản phẩm của giáo dục phải thường xuyên được nâng cấp chất lượng mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Và tất nhiên, những người làm ra các sản phẩm đó là giáo viên, phải không ngừng được bồi dưỡng, đào tạo lại.
GS Đinh Quang Báo |
Giáo viên không còn đóng vai trò truyền đạt kiến thức
GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh, đáng chú ý là ngày nay, trong lao động của người giáo viên đang diễn ra những thay đổi rất cơ bản, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực vươn lên để thích ứng. Trong quỹ thời gian của giáo viên phải có một tỷ lệ thích đáng dành cho việc học tập tự bồi dưỡng mới đáp ứng được những thay đổi về chức năng, nội dung, hình thức lao động.
Tương ứng với sự chuyển biến nhận thức về mục tiêu giáo dục (theo UNESCO) là: Học để biết -> học để làm -> học để tồn tại, cùng chung sống. Ngày nay, phương pháp dạy học đang chuyển từ kiểu dạy tập trung vào vai trò của giáo viên, hoạt động dạy sang kiểu dạy tập trung vào vai trò của học sinh và hoạt động học từ kiểu dạy thông báo - đồng loạt sang kiểu dạy hoạt động phân hóa.
Tức là giáo viên không còn đóng vai trò chỉ là người truyền đạt kiến thức mà là người gợi mở, hướng dẫn, tổ chức, cố vấn, trọng tài cho các hoạt động tìm tòi tranh luận của học sinh. Giáo viên giỏi là người biết giúp đỡ học sinh tiến bộ nhanh trên con đường học tập tự lực, kết hợp thành công việc giảng dạy tri thức với giáo dục giá trị và phát triển tư duy.
Công nghệ thông tin được áp dụng ngày càng rộng rãi trong quá trình dạy học, đem lại những khả năng mới, giúp giáo viên dễ dàng đưa những phần việc vốn chỉ thực hiện được ở ngoài lớp vào trong tiết học, biểu diễn trực quan cơ chế các hiện tượng, quá trình trong thế giới vi mô và vĩ mô, cung cấp một khối lượng lớn thông tin trong thời gian ngắn, xử lý nhanh những chuỗi số liệu phức tạp, làm giảm nhẹ lao động chấm bài kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Giáo viên phải làm chủ được các phương tiện công nghệ thông tin mới vận dụng được vào quá trình dạy học. Nếu không muốn bị tụt hậu, giáo viên phải sớm tìm hiểu tin học cơ sở, học hỏi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.