Để học sinh không thiệt thòi

GD&TĐ - Dạy học 2 buổi/ngày là một trong những yêu cầu bắt buộc ở bậc tiểu học (TH) khi bước vào thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới từ năm học 2020 - 2021. Với một số địa phương có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu thì đây là một trong những thách thức. Tuy vậy, từ điều kiện thực tiễn cần tìm ra những cách tháo gỡ riêng.

Thiếu GV là một trong những hạn chế để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.
Thiếu GV là một trong những hạn chế để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Hiệu quả từ thực tế

Việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày ở Lào Cai đã thực hiện từ năm học 2001 - 2002 ở 9 trường TH đạt chuẩn quốc gia của TP Lào Cai, thị xã Cam Đường, thị trấn Phố Lu với 4.200 HS. Đến nay toàn tỉnh có 230/230 trường dạy 2 buổi/ngày (9 - 10 buổi/tuần) với 3.731 lớp, 79.699 HS…

Đối với vùng thuận lợi lựa chọn các nội dung đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập giúp HS được tăng cường tiếng Anh, tin học, giáo dục nghệ thuật, thể chất, giáo dục STEM, hoạt động trải nghiệm. Đối với vùng cao, vùng dân tộc thiểu số thì dành nhiều thời gian tăng cường tiếng Việt để HS dân tộc học tốt tiếng Việt và các môn học khác giúp HS mạnh dạn, tự tin tham gia vào các hoạt động giáo dục của nhà trường, cộng đồng.

Học 2 buổi/ngày, HS bán trú được nghỉ trưa ở trường sẽ có nhiều thời gian hồi phục sức khỏe, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục kĩ năng sống ở giáo dục TH nhờ vậy được nâng lên rõ rệt, chất lượng phổ cập giáo dục TH và trường chuẩn quốc gia được giữ vững và ngày càng phát triển…

Còn tại TP Tam Điệp (Ninh Bình), thầy Lê Xuân Thắng – Hiệu trưởng Trường TH Trần Phú cho biết: Căn cứ vào điều kiện thực tế nhà trường về đội ngũ, về cơ sở vật chất, về nhu cầu của cha mẹ HS, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện một cách hợp lý nội dung như bố trí HS lớp 1, 2 làm quen với tiếng Anh tuần 2 tiết; học kĩ năng sống, lớp 3, 4, 5 học 2 tiết tin học; tổ chức các hoạt động chuyên đề, tham quan học tập, tổ chức các CLB môn học…

Việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày đã đạt được những kết quả khả quan: 100% các lớp của nhà trường HS được học 2 buổi/ngày. Không có các tệ nạn xảy ra với HS. Chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. HS có điều kiện tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, các chuyên đề do nhà trường và Liên đội tổ chức. HS có điều kiện để tham gia các sân chơi trí tuệ như Trạng Nguyên tiếng Việt, tiếng Anh qua mạng, giải Toán qua mạng, tài năng tiếng Anh… HS của trường đã đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh và quốc gia.

Dạy học 2 buổi/ngày đã đạt được những kết quả khả quan
Dạy học 2 buổi/ngày đã đạt được những kết quả khả quan 

Gỡ khó cho dạy học 2 buổi/ngày

Bà Trần Thị Minh Thu – Trưởng phòng TH - Sở GD&ĐT Lào Cai khẳng định: Dạy học 2 buổi/ngày nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục TH, giáo dục toàn diện cho HS, đáp ứng nhu cầu về chăm sóc giáo dục trẻ em của gia đình và xã hội, góp phần giải quyết vấn đề quá tải và dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Đặc biệt với Lào Cai, một tỉnh vùng cao biên giới có 72% HS là người dân tộc thiểu số, HS đến trường học bằng ngôn ngữ thứ hai không phải tiếng mẹ đẻ, nên các em gặp khó khăn trong học tập. Vì vậy, ngành GD-ĐT Lào Cai xác định nhất thiết phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để tăng cường tiếng Việt, tổ chức các hoạt động giáo dục, giúp HS DTTS đạt chuẩn kiến thức kĩ năng các môn học, đảm bảo chất lượng giáo dục TH.

Tuy nhiên, bà Thu cho biết còn những vướng mắc trong quá trình triển khai dạy học 2 buổi/ngày tại Lào Cai. Trước hết, định mức GV đối với loại trường TH dạy học 2 buổi/ngày là 1,54 giáo viên/lớp. Tuy nhiên hầu hết các trường đều chưa đủ tỉ lệ theo quy định (tỉ lệ tại các huyện 1,46; thành phố Lào Cai 1,34). Bên cạnh đó, cơ cấu GV không đồng đều, thiếu GV tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật. Toàn tỉnh Lào Cai thiếu khoảng 200 người. Đến hiện tại vẫn chưa được bổ sung biên chế.

Về định mức lao động sư phạm của GV TH, mỗi GV TH dạy 23 tiết học/tuần. Trường dạy học 2 buổi/ngày tỉ lệ 1,5 GV/ lớp. 1,5 GV x 23 tiết = 34,5 tiết vừa đủ cho định mức 35 tiết/tuần/1 lớp; mỗi ngày dạy 7 tiết học (280 phút) theo quy định. Tỉ lệ GV là 1,5 GV/lớp mới chỉ đủ cho thực dạy trên lớp. Đối với các hoạt động ngoại khóa thì sẽ thiếu GV.

Để tháo gỡ vướng mắc, bà Thu cho rằng: Những văn bản hướng dẫn thực hiện cần phù hợp với điểm mới, có hướng mở để giải quyết vấn đề thực tiễn như: Hoạt động bán trú, chương trình ngoài giờ chính khóa...

Còn theo thầy Lê Xuân Thắng – Hiệu trưởng Trường TH Trần Phú – TP Tam Điệp (Ninh Bình): Để thực hiện tốt dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả nhất cần sớm có kế hoạch tuyển dụng nguồn GV mới ngay trong dịp hè, bổ sung thêm đủ số GV TH, nhất là các GV có điều kiện về ngoại ngữ, tin học đảm bảo GV đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày và theo yêu cầu của CT SGK phổ thông mới.

Mặt khác cũng cần tăng kinh phí chi thường xuyên, tạo điều kiện, xây dựng cơ sở vật chất, nhất là phòng học, phòng bộ môn cho nhà trường; bổ sung trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy phục vụ cho việc học tập của HS.

Cần tập huấn bồi dưỡng đội ngũ ngay trong hè, triển khai sớm SGK, GV, thiết bị dạy học để khi tập huấn GV đã có đủ sách, thiết bị giảng dạy. Đồng thời có cơ chế chính sách hợp lý cho các trường trong việc dạy và học 2 buổi/ngày. Có chế độ chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài vào ngành và chế độ lương phù hợp để động viên khích lệ đội ngũ GV.

TS Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ GD TH (Bộ GD&ĐT) cho biết: Nguyên nhân một số địa phương chưa tổ chức được cho HS học 2 buổi/ngày bởi khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân. Để thực hiện được quy định của CT mới, bảo đảm cho HS không thiệt thòi… các địa phương cần cân đối quỹ đất, kinh phí mỗi năm theo lộ trình thực hiện dứt điểm việc dạy học 2 buổi/ngày ở một lớp học theo lộ trình đổi mới CT, SGK phổ thông như quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.