Dấu hiệu trẻ nghiện công nghệ

GD&TĐ - Trong xã hội hiện đại, cảnh tượng quen thuộc với phần lớn các gia đình là trẻ nhỏ cắm cúi hàng giờ trước màn hình, nhắn tin hoặc chơi điện tử.

Ảnh minh họa: INT.
Ảnh minh họa: INT.

Nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng và đặt ra câu hỏi: “Trẻ dành bao nhiêu thời gian trên màn hình thì được coi là quá nhiều?”.

Yếu tố khác ngoài thời gian

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy, đó có thể là câu hỏi sai. Các phát hiện đã chỉ ra rằng, cách trẻ em sử dụng thiết bị, chứ không phải chúng dành bao nhiêu thời gian, là yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất về vấn đề cảm xúc hoặc xã hội liên quan đến chứng nghiện công nghệ. Điều này đúng sau khi các nhà nghiên cứu kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị.

Bà Sarah Domoff - tác giả chính của nghiên cứu, làm việc tại Trung tâm Tăng trưởng và Phát triển Con người Michigan (Mỹ) - cho biết: “Thông thường, các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng định lượng hoặc xem xét thời gian sử dụng thiết bị điện tử là tối quan trọng trong việc xác định điều gì là bình thường hay không, lành mạnh hay không.

Nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh rằng, có nhiều yếu tố hơn là số giờ. Điều quan trọng nhất là liệu việc sử dụng màn hình có gây ra vấn đề trong các lĩnh vực khác của cuộc sống hay đã trở thành một hoạt động ngốn hết sức lực”.

Có nhiều nghiên cứu về thanh, thiếu niên và việc sử dụng màn hình. Tuy nhiên, bà Sarah Domoff nói rằng, đây là công cụ đầu tiên ở Mỹ đo mức độ nghiện màn hình ở trẻ em từ 4 - 11 tuổi. Bà đồng thời bày tỏ niềm tin rằng, đó sẽ là một công cụ có giá trị cho các bậc cha mẹ, bác sĩ lâm sàng và nhà nghiên cứu.

Một số dấu hiệu cảnh báo bao gồm: Thời gian sử dụng thiết bị điện tử cản trở các hoạt động hằng ngày, gây xung đột cho trẻ hoặc trong gia đình, hay là hoạt động duy nhất mang lại niềm vui cho trẻ.

Bà Domoff cho biết, những đứa trẻ sử dụng phương tiện truyền thông theo cách không lành mạnh sẽ gặp vấn đề với các mối quan hệ, cách cư xử và có một số triệu chứng cảm xúc khác. Nghiên cứu không xem xét liệu các vấn đề về cảm xúc và hành vi hay chứng nghiện công nghệ có xuất hiện trước hay không.

Nghiên cứu có tên “Phát triển và xác nhận thước đo sử dụng phương tiện có vấn đề: Một báo cáo của phụ huynh về việc “nghiện” phương tiện truyền thông màn hình ở trẻ em” được xuất bản trên một tạp chí của Hiệp hội Tâm lý Mỹ.

Nhiều phụ huynh ngày nay quan tâm đến lượng thời gian con họ sử dụng thiết bị công nghệ, cũng như mức độ khó khăn khi yêu cầu trẻ rời khỏi màn hình. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này không đồng ý về việc liệu việc sử dụng phương tiện kỹ thuật số và truyền thông có thể được định nghĩa là nghiện hay không.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ có thói quen sử dụng thuật ngữ này như một cách để mô tả hành vi của con họ.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Blaire Lent - Chuyên gia dành cho thanh, thiếu niên của FamilyEducation và chủ sở hữu của The Complete Student - cho biết: “Khi iPad và những thứ tương tự lần đầu tiên xuất hiện, phụ huynh được thông báo rằng, con họ sẽ học đọc và các kỹ năng toán nhanh, cũng như hiệu quả hơn với sự trợ giúp của các thiết bị này.

Nhiều phụ huynh đã đồng tình và khuyến khích trẻ sử dụng các thiết bị này. Thật không may, không có sự thay thế cho giao tiếp giữa cha mẹ và con. Không có sự thay thế nào cho thời gian vui chơi ngoài trời”.

Không có gì ngạc nhiên khi nhiều phụ huynh muốn kéo con mình ra khỏi màn hình. Có lẽ, họ có lý do chính đáng để làm như vậy.

Trong nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2020, một số ý kiến cho rằng, trẻ nhỏ sử dụng thiết bị từ ba giờ trở lên mỗi ngày có thể sẽ có cuộc sống kém lành mạnh hơn.

Trước đây, một nghiên cứu được thực hiện tại Trường Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy, trẻ em dưới hai tuổi dành thời gian nhìn vào màn hình nhiều hơn gấp đôi so với trẻ em 20 năm trước. Thời gian xem màn hình trung bình hằng ngày là 3,05 giờ trong năm 2014. Con số này nhiều hơn gấp đôi lượng thời gian mà Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến nghị.

Bất chấp những số liệu thống kê đáng sợ và thậm chí cả việc sử dụng từ “nghiện”, công nghệ có thể mang lại những mặt tích cực. Thực tế, thiết bị công nghệ đã được chứng minh là công cụ học tập hiệu quả trong lớp cũng như ở nhà. Tuy nhiên, việc trẻ nghiện công nghệ là một điều đáng sợ, đặc biệt là khi nó có thể gây hại cho trẻ.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Giúp trẻ giảm thời gian sử dụng công nghệ

Nếu trẻ, dù ở độ tuổi nào, nhìn thấy cha mẹ liên tục sử dụng điện thoại, máy tính hoặc tivi, chúng sẽ muốn làm điều tương tự. Do đó, điều phụ huynh cần làm là cố gắng hạn chế việc sử dụng màn hình khi ở trước mặt trẻ. Đồng thời, khuyến khích các thành viên trong gia đình cùng xem nếu sử dụng thiết bị công nghệ. Hãy biến đó trở thành hoạt động gia đình.

Bà Lent cho biết: “Tôi khuyên các phụ huynh thiết lập một danh sách những kỳ vọng hằng ngày mà bạn có đối với con mình. Danh sách này sẽ thay đổi dựa trên độ tuổi của trẻ. Nếu trẻ có phản ứng rất mạnh với điều này, hãy nói chuyện với chúng về chứng nghiện công nghệ”.

Theo bà Lent, cha mẹ nên giải thích rằng, những gì đang yêu cầu trẻ về cơ bản là điều tối thiểu trong gia đình. Hãy cởi mở với ý tưởng rằng, việc tuân thủ lịch trình hằng tuần sẽ dẫn đến nới lỏng các hạn chế vào cuối tuần.

Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến nghị: “Phương tiện truyền thông nên phù hợp với bạn và phù hợp với các giá trị gia đình, cũng như phong cách nuôi dạy con. Khi được sử dụng một cách thận trọng và phù hợp, phương tiện truyền thông có thể cải thiện cuộc sống hằng ngày. Song, khi sử dụng không đúng cách hoặc thiếu suy nghĩ, phương tiện truyền thông có thể thay thế nhiều hoạt động quan trọng như tương tác trực tiếp, thời gian dành cho gia đình, vui chơi ngoài trời, tập thể dục, thời gian nghỉ ngơi và giấc ngủ”.

Trong video được tải lên kênh YouTube như một phần của series “I Love My Toddler, But”, nhân vật truyền hình thực tế và người mẹ Whitney Port đã thẳng thắn giải thích những khó khăn mà cô ấy và chồng đã trải qua với con trai. May mắn thay, cô ấy không đơn độc khi đối phó với tình trạng con trai mình dành quá nhiều thời gian cho tivi cũng như màn hình. Những người bình luận đã tương tác với video và để lại nhiều thông điệp ủng hộ đầy khích lệ, kèm theo câu chuyện của chính họ.

“Tất cả chúng ta đều trải qua những thử thách giống nhau và đang cố gắng tìm kiếm sự cân bằng phù hợp. Cả hai bạn đang làm một công việc tuyệt vời. Nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi kết nối trực tuyến, hãy tham gia trực tiếp với phụ huynh khác để nhận lời khuyên từ họ”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Cha mẹ cần đặt câu hỏi: Trẻ có muốn dành thời gian xem video trên YouTube hơn là chơi bên ngoài hoặc tham gia một môn thể thao không? Đây là một dấu hiệu cần lưu ý. Ngoài ra, nếu trẻ chuyển sang màn hình khi cần “thúc đẩy” hạnh phúc hoặc muốn sử dụng như một sự an ủi khi chúng cảm thấy buồn, thì đây có thể là dấu hiệu của sự phụ thuộc quá mức.

Các phụ huynh đã bắt gặp trẻ sử dụng điện thoại hoặc thiết bị của chúng sau khi tắt đèn đi ngủ? Hoặc, trẻ lén lút sử dụng thiết bị công nghệ trong khi làm bài tập về nhà hoặc thực hiện việc nào đó. Đây có thể là dấu hiệu của mối quan hệ không lành mạnh với màn hình.

Cho dù đó là với gia đình, bạn bè hay thậm chí là mối quan hệ lãng mạn nếu trẻ ở tuổi thiếu niên, không nên xây dựng mối quan hệ dưới bất kỳ hình thức nào xung quanh màn hình. Ở nhà, một cuộc chiến hoặc tranh cãi có thể bắt nguồn từ việc sử dụng màn hình. Trong khi đó, việc sử dụng điện thoại di động có thể ảnh hưởng đến thời gian chất lượng của trẻ với bạn bè.

Nếu việc yêu cầu trẻ rời khỏi điện thoại, trò chơi điện tử, iPad… là một trận chiến dai dẳng và căng thẳng, thì cha mẹ cần hiểu rằng, trẻ có thể đang trải qua các triệu chứng cai nghiện. Nếu các phụ huynh cho rằng, con mình có thể dành quá nhiều thời gian với công nghệ, hoặc chúng đang gặp phải nhiều hơn một số tiêu chí trên, thì đã đến lúc xem xét cách có thể xử lý tốt nhất tình trạng này.

Theo Family Education

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.