Cha mẹ nhận biết các vấn đề tâm lý của trẻ qua lắng nghe, quan sát. Cha mẹ dành thời gian tương tác, giao tiếp với con sẽ giúp tạo được sự tin tưởng, an toàn để trẻ có thể chia sẻ những khó khăn của mình.
Yếu tố cần được quan tâm
Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống khủng khoảng tâm lý (PCP) năm 2010, ở Việt Nam, thanh thiếu niên thuộc độ tuổi từ 15 - 24 là nhóm có ý định tự sát cao nhất.
Tỷ lệ nữ giới có ý định tự sát cao gấp hai lần so với nam. Điều tra quốc gia năm 2010 về trẻ vị thành niên và thanh niên Việt Nam thực hiện trên 10.000 người trong nhóm tuổi này cho thấy, 4,1% người nghĩ đến chuyện tự tử; 25% trong số đó đã tìm cách kết thúc cuộc sống.
Một nghiên cứu năm 2016 tiến hành trên học sinh trung học phổ thông cho kết quả, tỷ lệ trẻ vị thành niên từng nghĩ đến tự tử là 14,1%. Tỷ lệ từng lên kế hoạch tự tử là 5,7% trong vòng 1 năm (Lê Thị Hồng Minh và cộng sự, 2016).
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong năm 2016 cho thấy, Việt Nam là một trong 13 quốc gia có tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử cao nhất (1,8/100.000). Theo báo cáo thường niên tình hình trẻ em thế giới 2021 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trên toàn cầu, cứ 7 em từ 10 - 19 tuổi thì có nhiều hơn một em bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Con số đó chiếm 13% tỷ lệ các bệnh trẻ em ở lứa tuổi này. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên các bệnh tật khác, tàn tật ở thanh thiếu niên.
Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, không ít trẻ gặp ảnh hưởng về tâm lý. Điều đó khiến không ít phụ huynh lo lắng. Câu hỏi được đặt ra là, làm sao để giúp trẻ có sức khoẻ tinh thần tốt, cũng như nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), so với nhiều chuyên khoa khác, tâm lý trong môi trường bệnh viện là một lĩnh vực còn khá mới mẻ với nhiều người. Chính vì thế, phụ huynh khá e dè khi đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa tâm lý để được hỗ trợ.
Đối diện với các vấn đề tâm lý ở trẻ em, phụ huynh dễ có hai cách nhìn nhận khá cực đoan. Nhiều người cho rằng, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, con trẻ sẽ không có gì để lo lắng hay buồn bã.
Ở thái cực ngược lại, nhiều cha mẹ lại sợ hãi vì liên tưởng đến các bệnh lý “tâm thần”, “khùng điên”…
“Tuy nhiên, bên cạnh các bệnh về thể lý, sức khoẻ tinh thần cũng là một yếu tố cần được quan tâm. Nhiều trẻ có các vấn đề liên quan đến tâm lý dẫn đến những rối loạn trong sinh hoạt, học tập, thậm chí còn có thể gây ra cơn đau thể chất. Yếu tố gia đình, học đường, bạn bè có thể là nguyên nhân đưa đến các khó khăn trong tâm lý ở trẻ trong bất kỳ lứa tuổi nào”, chuyên gia chia sẻ.
Do đó, theo ông Vương Nguyễn Toàn Thiện, cha mẹ chính là người nhận biết các vấn đề tâm lý của trẻ qua lắng nghe, quan sát. Việc cha mẹ dành thời gian tương tác, giao tiếp với con có một ý nghĩa quan trọng. Từ đó, giúp tạo được tương quan tin tưởng, an toàn để trẻ có thể chia sẻ những khó khăn của mình. Như vậy, phụ huynh có thể tinh tế nhận ra những biểu hiện thay đổi trong sinh hoạt, lời nói hay cảm xúc thay đổi tiêu cực, buồn phiền… ở trẻ.
Ngoài ra, khi phụ huynh nhận ra tương tác giữa mình và trẻ không còn tốt, gây nên sự khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống, đó cũng là lúc gia đình cần tìm đến sự hỗ trợ của tâm lý gia.
Trong một số trường hợp, khi gia đình trải qua các biến cố lớn như chuyển nhà, thay đổi trường, những mất mát, tang chế cũng là lúc trẻ cần có sự đồng hành cùng nhà tâm lý. Có những nỗi đau “tưởng chừng đã quên” nhưng vẫn ảnh hưởng rất lớn đến trẻ và cả gia đình. Những vết thương lòng ấy sẽ khó biến mất nếu phụ huynh và trẻ không can đảm tìm đến nhà chuyên môn tâm lý để được giúp đỡ.
Những dấu hiệu bất thường trong tâm lý trẻ đôi khi có thể bị bỏ qua. Ảnh minh họa |
Dấu hiệu bất thường
“Một khía cạnh quan trọng khác là những dấu hiệu rối loạn về phát triển ở trẻ. Các bất thường này thường xuất hiện ở trẻ lứa tuổi nhỏ như chậm nói, chậm các lĩnh vực phát triển tâm vận động… Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc tự kỷ, chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ và lời nói ở trẻ em.
Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ sau này”, chuyên gia giải thích.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề khi đưa trẻ đến khám tâm lý. Trước hết, đó là việc thăm khám và đánh giá tâm lý luôn cần có cha mẹ hợp tác cùng tham dự để lắng nghe, thấu hiểu vấn đề của trẻ. Cha mẹ hoặc người chăm sóc chính sẽ đóng vai trò quan trọng để cung cấp thông tin về trẻ cho các nhà tâm lý.
Đối với các tiến trình tham vấn trị liệu tâm lý, cha mẹ cần hiện diện để cùng với trẻ như một nguồn lực hỗ trợ tích cực từ phía gia đình. Ngoài ra, cha mẹ nên giải thích rõ ràng cho trẻ về việc đến phòng khám tâm lý trò chuyện. Đồng thời, không hù dọa trẻ theo kiểu: “bác sĩ sẽ chích, bắt…”. Như vậy, trẻ mới có thể có tâm trạng thoải mái, hợp tác khi đến khám.
Trong khi đó, BSCKI Dương Ngọc Vân - Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, những năm gần đây, chứng rối loạn cảm xúc và hành vi có số người mắc phải ngày càng nhiều.
Không ít người cho rằng, chứng bệnh tâm lý này chỉ xuất hiện chủ yếu ở những người lạm dụng chất kích thích, do quá căng thẳng mệt mỏi. Song thực tế, không ít trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên mắc phải chứng bệnh này và cần sự can thiệp của bác sĩ.
Theo chuyên gia này, bệnh rối loạn cảm xúc là tình trạng cảm xúc bị trầm trọng quá mức so với bình thường mà người bệnh không thể kiểm soát. Tình trạng này làm ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần, gây sa sút học tập, làm việc kém hiệu quả.
Rối loạn cảm xúc khá thường gặp và có thể chữa khỏi khi tìm ra nguyên nhân. Song, nếu chủ quan để bệnh tiến triển, nhiều người rối loạn cảm xúc sẽ dẫn đến trầm cảm.
Trong khi đó, bệnh rối loạn hành vi là tình trạng người bệnh gặp phải các vấn đề về cảm xúc và hành vi xuất hiện từ khi còn nhỏ hoặc tuổi vị thành niên. Với căn bệnh này, trẻ gặp khó khăn khi phải tuân theo nguyên tắc xử sự thông thường. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ sa đà vào những tệ nạn xã hội.
“Chưa có thống kê cụ thể về số trẻ em ở nước ta gặp phải chứng rối loạn cảm xúc và hành vi. Song, căn bệnh này đang phổ biến thấy rõ. Có đến khoảng 20% trẻ mắc rối loạn nặng phải can thiệp y tế và điều trị, gây tốn kém thời gian, chi phí và ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển, trưởng thành của trẻ”, bác sĩ Vân lý giải.
Theo chuyên gia này, dựa trên độ tuổi, bệnh được chia thành 2 nhóm. Đó là rối loạn cảm xúc và hành vi thể khởi phát khi trẻ mắc từ dưới 10 tuổi và thể khởi phát khi trẻ mắc ở tuổi thanh thiếu niên. Không ít phụ huynh cho rằng, những biểu hiện bệnh do đặc điểm tâm lý ở tuổi mới lớn.
Song thực tế, bệnh nghiêm trọng hơn và cần phải được điều trị. Để điều trị rối loạn cảm xúc và hành vi ở trẻ hiệu quả, cần có sự kết hợp của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Cha mẹ cần quan sát, lắng nghe trẻ. Ảnh minh hoạ |
Đặc điểm trẻ rối loạn cảm xúc và hành vi
Bác sĩ Vân cho biết, đặc điểm chung của trẻ rối loạn cảm xúc và hành vi là rất khó kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân. Từ đó, dẫn đến những hành động tiêu cực, bất thường, đi ngược lại với nguyên tắc chung của xã hội. Trẻ sẽ bộc phát triệu chứng, hành vi theo bản năng, không lường được hậu quả cũng như quan tâm tới cảm xúc của người xung quanh.
Bác sĩ Vân cảnh báo, chứng rối loạn cảm xúc và hành vi ở trẻ rất phức tạp. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển thành những căn bệnh tâm thần nghiêm trọng. Không ít trẻ bị rối loạn cảm xúc và hành vi không được phát hiện dẫn đến những hành vi tự tử hoặc giết người, gây ra những vụ án thương tâm.
Cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu của bệnh, ban đầu triệu chứng khá nhẹ như: Trẻ hay cáu giận, đi lại nhiều, không thể tập trung, hay nói hoặc rất ít nói... Sau đến giai đoạn nặng hơn, trẻ có thể có những dấu hiệu mệt mỏi quá độ, tự ti, trầm cảm.
Những trẻ có yếu tố nguy cơ cần được chăm sóc, theo dõi và can thiệp sớm nếu có các dấu hiệu của bệnh rối loạn cảm xúc và hành vi. Để phòng ngừa và điều trị, gia đình vẫn là yếu tố quan trọng nhất, trẻ cần được yêu thương, quan tâm, chia sẻ.
Ngoài ra, để điều trị tốt bệnh rối loạn cảm xúc và hành vi cũng cần sự kết hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội. Trẻ cần được dạy dỗ đúng cách để phát triển tâm sinh lý bình thường, khỏe mạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, trước khi tìm hiểu biện pháp phòng ngừa, cần biết được những nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn cảm xúc và hành vi ở trẻ em.
Thực tế, rất khó để tìm ra một nguyên nhân chính xác. Song, tình trạng này thường do 3 yếu tố. Trước hết, đó có thể là yếu tố sinh học: Liên quan đến chứng rối loạn chuyển hóa, nguyên nhân di truyền... Yếu tố khác là do chấn thương: Tổn thương thần kinh trung ương, chấn thương não... Yếu tố cuối cùng là do tác động từ môi trường: Trẻ bị bạo hành từ nhỏ, gặp biến cố lớn về tâm lý, gia đình không hòa thuận...