Cách chăm sóc sức khỏe tinh thần của con trẻ

GD&TĐ - Hỗ trợ sức khỏe tinh thần của trẻ cũng giống như việc cha mẹ bảo đảm con có sức khỏe thể chất tốt.

Cha mẹ và người chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng sức khỏe tinh thần cho trẻ. Ảnh minh họa.
Cha mẹ và người chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng sức khỏe tinh thần cho trẻ. Ảnh minh họa.

Từ đó, giúp trẻ phát triển khả năng phục hồi cần thiết để đối phó với những trở ngại khi lớn lên. Đồng thời, trở thành những người trưởng thành toàn diện và khỏe mạnh về tinh thần.

Nhận thức đúng

Bà Kerry Heath - cố vấn chuyên nghiệp được cấp phép của Liệu pháp Lựa chọn (Mỹ), cho biết: “Sức khỏe tinh thần của chúng ta có liên quan đến mọi khía cạnh trong cuộc sống, chẳng hạn như sức khỏe thể chất, tình cảm, mối quan hệ và tinh thần. Mỗi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta đều có mối liên hệ với nhau. Nếu/khi một hoặc nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng, sức khỏe tâm thần của chúng ta có thể bị tác động xấu”.

Khi một đứa trẻ có sức khỏe tinh thần tốt, chúng có thể suy nghĩ rõ ràng, kết bạn và học hỏi những điều mới. Trẻ cũng phát triển sự tự tin, xây dựng lòng tự trọng, rèn luyện tính kiên trì, học cách đặt mục tiêu, thực hành đưa ra quyết định. Đồng thời, học các kỹ năng đối phó, quản lý cảm xúc khó khăn và phát triển quan điểm cảm xúc lành mạnh về cuộc sống.

Việc học những kỹ năng này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thậm chí, trẻ cần phải thực hành, đặc biệt nếu đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm hoặc lo lắng. Thực tế, việc gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần không phải là hiếm. Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, ước tính, có khoảng 15 triệu thanh niên ở nước này được chẩn đoán mắc chứng rối loạn sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, nhiều người khác có nguy cơ mắc chứng rối loạn này.

Nếu không được điều trị, những vấn đề sức khỏe tâm thần có thể tác động đáng kể đến cuộc sống của trẻ. Học sinh tiểu học có vấn đề về sức khỏe tâm thần có nhiều khả năng phải nghỉ học hơn. Các em có thể bị đình chỉ hoặc đuổi học cao gấp ba lần so với bạn cùng lứa. Ngoài ra, còn có những hậu quả lâu dài ảnh hưởng tới trẻ, như các rối loạn tâm thần khác hoặc bệnh mãn tính.

Cha mẹ có thể đối phó tình trạng này bằng cách hỗ trợ sức khỏe tâm thần của con, cũng như có sự giúp đỡ cần thiết khi chúng gặp những trở ngại về tinh thần. Tinh thần khỏe mạnh trong thời thơ ấu có nghĩa là đạt được các mốc phát triển và cảm xúc, học những kỹ năng xã hội lành mạnh và biết cách đối phó với nhiều vấn đề.

Song, việc khỏe mạnh về tinh thần không chỉ diễn ra một cách tự nhiên. Cha mẹ và người chăm sóc đóng một vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng sức khỏe tinh thần tốt, tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết và hướng dẫn con trong suốt cuộc đời. Các chuyên gia đã chỉ ra một số cách để phụ huynh hỗ trợ sức khỏe tinh thần của con.

Nói chuyện một cách nhất quán sẽ khiến cha mẹ có thể giúp con giải quyết vấn đề trong những tình huống khó khăn. Ảnh minh họa.

Nói chuyện một cách nhất quán sẽ khiến cha mẹ có thể giúp con giải quyết vấn đề trong những tình huống khó khăn. Ảnh minh họa.

Thể hiện tình yêu vô điều kiện

Bà Jenni Torres - cựu giáo viên, Phó Chủ tịch cấp cao về chương trình giảng dạy và hướng dẫn của tổ chức phi lợi nhuận Waterford.org, cho biết, một trong những cách quan trọng nhất để hỗ trợ sức khỏe tinh thần của trẻ là thể hiện tình yêu thương vô điều kiện.

Phụ huynh hãy thường xuyên cho trẻ biết rằng, bất kể chúng đang phải đối mặt hay giải quyết vấn đề gì thì cha mẹ vẫn yêu con vô điều kiện và luôn ở bên chúng.

“Trẻ em cần hiểu rằng, tất cả chúng ta đều phạm sai lầm. Tuy nhiên, chúng ta có thể học hỏi từ những sai lầm đó. Hãy chắc chắn rằng, phụ huynh đang coi những sai lầm của con mình là một cách học hỏi thay vì thất bại. Ngay cả khi thất vọng vì một lựa chọn sai lầm của con mình, trẻ cũng nên biết rằng, sự thất vọng đó không ảnh hưởng đến tình yêu của cha mẹ dành cho chúng”, nữ chuyên gia cho biết.

Khen ngợi tính cách của trẻ

Khuyến khích, khen ngợi và khẳng định là tất cả những cách mà cha mẹ có thể xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng của con mình. Quan trọng hơn, đó còn là cách hỗ trợ sức khỏe tinh thần của trẻ.

Nghiên cứu cho thấy, lòng tự trọng thấp có liên quan đến lo lắng, trầm cảm và căng thẳng trong học tập. Tất cả đều ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Lòng tự trọng thấp thậm chí có thể dẫn đến ý định tự tử.

“Hãy khen ngợi trẻ em về những đặc điểm tính cách thường xuyên hơn là các đặc điểm về thể chất hoặc thứ hướng đến thành tích. Trẻ em phản ứng tốt với sự củng cố tích cực.

Cha mẹ nên củng cố những điều muốn trẻ lặp lại, như tử tế, thể hiện sự đồng cảm, giúp đỡ người khác”, bà Heath nói.

Dành thời gian cho nhau

Dành thời gian cho nhau không chỉ củng cố mối quan hệ gia đình, mà còn giúp cha mẹ có thời gian gặp gỡ con. Từ đó, tìm hiểu về những khó khăn trẻ đang gặp cũng như ước mơ của chúng.

Việc dành thời gian cho trẻ sẽ gửi thông điệp rằng, con rất quan trọng với cha mẹ. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của cha mẹ tới những điều xảy ra trong cuộc sống trẻ. Phụ huynh cũng sẽ có nhiều khả năng nhận ra các vấn đề trong cuộc sống của con, nếu thường xuyên dành thời gian cho trẻ.

Theo bà Heath, cha mẹ có thể dành thời gian cho trẻ bằng cách ăn cơm bên nhau, đi dạo, cùng hoàn thành dự án, giúp con làm bài tập về nhà hoặc chơi trò chơi. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên làm quen với bạn bè của con mình.

“Hãy cho con thấy rằng, cha mẹ cũng quan tâm đến những người mà trẻ quan tâm. Ngoài ra, phụ huynh có thể cung cấp thông tin đầu vào khi trẻ có mối quan hệ hoặc tình bạn không lành mạnh. Đồng thời, hướng dẫn trẻ cách trở thành một người bạn lành mạnh”, bà Heath gợi ý.

Trẻ em khỏe mạnh về tinh thần có chất lượng cuộc sống tốt. Ảnh minh họa.

Trẻ em khỏe mạnh về tinh thần có chất lượng cuộc sống tốt. Ảnh minh họa.

Giao tiếp thường xuyên

Nói chuyện một cách nhất quán sẽ khiến cha mẹ có thể giúp con giải quyết vấn đề trong những tình huống khó khăn. Phụ huynh cũng có thể đóng vai trò là người lắng nghe. Nhờ đó, để trẻ nói về những cảm xúc mà con đang phải đối mặt.

“Giao tiếp cởi mở cho phép trẻ em thoải mái khám phá cảm xúc của mình. Cha mẹ có nhiều khả năng nhận thấy khi mọi thứ không ổn, nếu nói chuyện với con mình một cách nhất quán”, bà Torres nói.

Trong khi đó, bà Heath gợi ý, cha mẹ có thể đưa ra những câu hỏi mở cho trẻ. Hãy bắt đầu bằng việc để trẻ chia sẻ về ngày của con sau giờ học, một bữa tiệc hoặc một sự kiện đặc biệt. Việc trẻ chia sẻ những điều này, bao gồm cả tốt lẫn xấu, sẽ tạo cơ hội để phụ huynh giúp con khắc phục sự cố.

Xây dựng lòng tin

Bà Torres cho biết thêm: “Một trong những nhu cầu cơ bản của trẻ em là cảm thấy an toàn. Khi trẻ em cảm thấy an toàn, chúng sẽ phát triển và học tập phù hợp. Khả năng xảy ra các thách thức về sức khỏe tâm thần cũng ít hơn. Trường hợp các thách thức về sức khỏe tâm thần xảy ra, chúng chỉ là hậu quả sinh học”.

Trong khi đó, theo bà Health, cách để nuôi dưỡng những cảm giác an toàn và tin tưởng đó là tạo ra một môi trường trong gia đình. Tại đó, trẻ có thể thảo luận về cảm xúc và những khó khăn của chúng một cách an toàn. Phụ huynh có thể làm được điều đó bằng cách trở thành một tấm gương tốt.

Trẻ em học bằng ví dụ. Nếu trẻ thấy có thể chấp nhận chia sẻ những khó khăn và thử thách, chúng sẽ có nhiều khả năng đến gặp cha mẹ”, bà Heath nói.

Sự giúp đỡ từ bên ngoài

Việc đưa ra quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia sức khỏe tâm thần không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với cha mẹ. Tuy nhiên, đó là một quyết định khôn ngoan.

“Thường thì khi thấy điều gì đó xảy ra với con mình, đôi khi, chúng ta có thể cảm thấy như mình đã thất bại. Điều này có thể ngăn cản các phụ huynh tìm kiếm sự giúp đỡ. Song, nếu thực hiện bước đó, chúng ta sẽ thấy rằng mình không đơn độc. Và rằng, những người khác cũng đang trải qua điều tương tự, chúng ta không phải là kẻ thất bại. Thay vì để sự xấu hổ ngăn cản, cha mẹ nên thực hiện để lên tiếng”, bà Torres nhận định.

Nữ chuyên gia này cũng bày tỏ niềm tin rằng, cha mẹ không nên đợi đến khi mọi thứ trở nên tồi tệ hoặc không thể kiểm soát được rồi mới tìm đến sự giúp đỡ.

Thay vào đó, bà Torres khuyến khích cha mẹ chủ động trong việc nhận hỗ trợ để trẻ có thể học các chiến lược đối phó lành mạnh, xây dựng khả năng phục hồi. Đồng thời, học cách quản lý các tình huống và cảm xúc khó khăn.

Chuyên gia Kerry Heath cho biết: “Các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong giai đoạn đầu đời có thể dẫn đến những rối loạn về sức khỏe tâm thần và/hoặc lạm dụng chất kích thích khi trưởng thành. Điều quan trọng là trẻ em được dạy các kỹ năng đối phó hiệu quả. Từ đó, tránh sử dụng các hành vi không hiệu quả để quản lý cảm xúc trong cuộc sống sau này”.

Theo Very Well Family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ