Đáng chú ý, báo cáo cho thấy trong số 9.456 căn nhà tại 17 dự án đủ điều kiện mở bán không còn tồn tại nhà trong phân khúc nhà bình dân.
Cụ thể, theo báo cáo tại 17 dự án đủ điều kiện mở bán 9.456 căn nhà (860.205m2 sàn) thì căn hộ chung cư chiếm tới: 8.937 căn; diện tích sàn là 668.644m2. Nhà ở thấp tầng là 519 căn; diện tích sàn: 191.561m2, với tổng giá trị cần huy động vốn là 77.591 tỉ đồng.
Phân khúc cao cấp là 7.577 căn, chiếm 80,13%; phân khúc trung cấp có 1.879 căn, chiếm 19,87%, còn phân khúc bình dân không có căn nào. So với 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, số dự án huy động vốn tăng 8,3%, phân khúc căn hộ cao cấp tăng 111,29% nhưng phân khúc căn hộ trung cấp lại giảm 34,41%.
Sở Xây dựng TP đánh giá đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững. Để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỉ lệ cao nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc cao cấp chiếm tỉ lệ nhỏ nhất.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cũng nhìn nhận sự bất bình thường của thị trường khi tình trạng thiếu hụt nhà ở bình dân đã và đang diễn ra ngày càng trầm trọng trong nửa thập niên trở lại đây.
“Một bức tranh tương phản rõ rệt, từ năm 2017 đến nay, nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỉ lệ áp đảo thị trường TPHCM. Cụ thể, năm 2017, TP có 10.987 căn nhà cao cấp, chiếm 25,5% nguồn cung trên địa bàn. Năm 2018 có 8.502 căn nhà cao cấp, chiếm 30%.
Năm 2019 có 15.479 căn nhà cao cấp, chiếm hơn 67%. Năm 2020 - 2021, nhà cao cấp chiếm tỉ trọng lần lượt 42,1% và 72% nguồn cung. Đến nay, chỉ trong 6 tháng đầu năm, số lượng nhà cao cấp đã phủ sóng đến 80,13% thị trường. Đây là điều cần phải được nghiêm túc nhìn nhận” - ông Châu nói.
Theo ông Châu, hiện nhà ở có giá vừa túi tiền (từ 1,8 - 2 tỉ đồng/một căn) và nhà ở xã hội ngày càng thiếu hụt trầm trọng, tác động trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người yếu thế trong xã hội là người có thu nhập trung bình, thấp ở đô thị. Thậm chí, loại nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 năm 2020 còn được 1% nguồn cung thì đến năm 2021 và 2022 đã biến mất.
Vì vậy, theo ông Châu, để đảm bảo an sinh xã hội và người thu nhập thấp có thể mua được nhà, trong năm 2022 cần xây dựng đồng bộ cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển mạnh mẽ nhà ở có giá phù hợp với thu nhập và nhà ở xã hội, để cân bằng thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.