Nhà ở cho công nhân: Cần "cái tâm"

GD&TĐ - Nhiều lao động còn băn khoăn, mong ngóng vào chính sách phát triển nhà ở xã hội cho công nhân. Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì đây là 1 trong 10 nhóm vấn đề người lao động quan tâm nhất.

Nhà ở cho công nhân là vấn đề được người lao động quan tâm. Ảnh minh họa
Nhà ở cho công nhân là vấn đề được người lao động quan tâm. Ảnh minh họa

Khó khăn trong quỹ đất

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được kết quả nhất định của chương trình phát triển nhà ở xã hội cho lao động. Cụ thể, trong giai đoạn này, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu mét vuông nhà ở xã hội. Trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước. Đây là một hạn chế trong thời gian qua vẫn chưa thực hiện đạt mục tiêu đề ra của chương trình phát triển nhà ở cho công nhân. Trong khi nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn, nhất là hiện nay khi tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tại các khu công nghiệp ngày càng nhiều. Vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, về công tác hoàn thiện thể chế và các cơ chế chính sách để thúc đẩy đầu tư, giai đoạn từ 2021 đến nay, Chính phủ đã sửa đổi Nghị định 100 về phát triển nhà ở xã hội, hiện đã được sửa đổi tại Nghị định 49. Đồng thời, sửa đổi Nghị định 82 về quản lý các khu công nghiệp. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 35 về phát triển các khu công nghiệp.

Bộ Xây dựng cũng đã sửa đổi và ban hành Thông tư 39 về trình tự lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, và nhiều chính sách liên quan đến thủ tục hành chính. Trong quá trình sửa đổi này, nổi lên một số chính sách quan trọng tác động, thúc đẩy đầu tư phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Đó là làm sao dành được quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân.

Theo các quy định hiện nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tại khu công nghiệp cũng phải dành 20% trong quỹ đất của khu công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Qua trao đổi với UBND các địa phương, tùy từng tình hình thực tế cũng sẽ dành quỹ đất đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng này.

Về các chính sách ưu đãi đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chính phủ cũng đã chỉ đạo dành rất nhiều ưu đãi, như miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư, được miễn và giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Chủ đầu tư được dành 20% quỹ nhà thương mại trong các dự án nhà ở xã hội để bù đắp các chi phí, đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Các dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng được các địa phương tùy theo tình hình sẽ hỗ trợ một phần các hạ tầng, kỹ thuật, cũng như hạ tầng xã hội trong các dự án này…

Chưa cụ thể trong hướng dẫn giá thuê

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, 1 trong 10 nhóm vấn đề chính của công nhân là nhà ở. Hiện nay, có 250 nghìn công nhân sinh hoạt ở Bắc Giang, trong đó có 1/3 công nhân từ các địa phương khác nên nhu cầu nhà ở rất nhiều. Bắc Giang hiện có 19 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 14 dự án đang triển khai. Nếu triển khai được 14 dự án này sẽ giải quyết được khoảng 110 nghìn công nhân có nhà ở.

Đối với các doanh nghiệp, vấn đề vướng mắc nhất là quy định của Nghị định 100 quy định về vấn đề thuê, xây dựng nhà ở, nhưng người thuê phải trực tiếp ký hợp đồng với công nhân. Nếu một doanh nghiệp có 10 héc-ta, giải quyết khoảng 20 nghìn công nhân có nhà ở, mà doanh nghiệp ký từng hợp đồng với từng công nhân, tức là phải có tới 20 nghìn hợp đồng. Cùng với đó là việc công nhân ở không ổn định, có người thay đổi công việc trong vòng 6 tháng, 1 năm… di chuyển chỗ khác, nên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện. Chưa kể, việc xác định giá để thuê, hướng dẫn của các bộ, ngành chưa cụ thể.

Cùng với đó là việc miễn giảm tiền thuê đất, đối với Bắc Giang cũng như nhiều địa phương, muốn kiến nghị tới Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công. Mục đích nhằm tháo gỡ được những vướng mắc trong thực hiện triển khai nhà ở cho công nhân.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin, bên cạnh việc hoàn thiện các thể chế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện dự án về thiết chế công đoàn. Theo đó, có tham gia vào các hoạt động dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư dự án nhà ở, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, các siêu thị để phục vụ công nhân tốt hơn.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chương trình này với quy mô hỗ trợ 350 nghìn tỷ bao gồm cả nhóm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Có 2 nhóm chính sách được bổ sung. Nhóm 1 là hỗ trợ cho nhà đầu tư tham gia vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều được vay vốn và đều được hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ. Đây là quy mô rất lớn hỗ trợ cho các chủ đầu tư trong thời gian tới.

Nhóm 2 là gói giúp người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp được vay vốn với quy mô 15.000 tỷ, trong thời gian vay là 25 năm, lãi suất là 4,8%/năm. Với nhóm chính sách này, sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi khi triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

“Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc, đôn đốc các địa phương. Hiện, đoàn đã làm việc với 14 địa phương thì đều thấy đang rất tích cực triển khai các dự án này. Kết quả ban đầu, đối với nhà ở cho công nhân đang triển khai 116 dự án với quy mô 7,6 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân. Với kết quả này, chúng tôi tin trong thời gian tới, vấn đề nhà ở cho công nhân ngày càng được cải thiện”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.