Dấu hiệu con bạn bị bắt nạt và cách xử trí

GD&TĐ - Bỗng một ngày con bạn nằng nặc đòi chuyển trường mà không trình bày rõ được lý do. Cha mẹ hãy nghĩ đến nguyên nhân có thể con mình đang giấu kín: rất có thể con là nạn nhân của vấn đề bắt nạt.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Tình trạng bắt nạt học đường vẫn diễn ra mỗi ngày, ở trong các cấp trường từ tiểu học tới đại học, mà nhiều nhất là ở bậc trung học. Nhưng bắt nạt có xu hướng là một hoạt động ẩn, và cả người bắt nạt lẫn nạn nhân đều thường không muốn tiết lộ cho người lớn rằng nó là đang diễn ra.

Không chỉ là những vết bầm

Tuấn là học sinh lớp 6 ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhà cách trường chưa đầy 1km, nên hàng ngày em đi bộ tới trường. Con đường đi học có một quãng ngắn là đồng cỏ, vắng người. Và đó chính là nơi em sợ nhất.

Ngày nào cũng có một anh lớp 7 đứng sẵn, dùng sợi dây thừng quăng đi quăng lại làm Tuấn đau rát, hôm nào tránh thì bị ngã, tím bầm. Anh lớp 7 nhìn Tuấn đau đớn, sợ hãi lấy làm khoái chí và đe: “cấm được nói với ai, nói tao đánh mạnh hơn, tao rủ mấy anh lớp 8 đánh cùng”.

Bố mẹ không hiểu vì sao cậu con trai hiền lành, thông minh lại thường hay lơ đãng, sợ hãi và lỳ đòn. Cậu luôn im lặng mỗi khi bố mẹ tra khảo: sao lại nghịch đến sứt hết đầu gối, rách quần áo? Sao lực học kém đi trông thấy?

Theo TS. Đỗ Thị Lệ Hằng – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Bắt nạt học đường là hành vi xảy ra giữa các học sinh với nhau để đe dọa hoặc làm tổn thương người khác, nhằm mục đích kiểm soát và duy trì quyền lực với người bị bắt nạt.

Bắt nạt không xảy ra một lần mà lặp đi lặp lại theo thời gian giữa những bạn trong độ tuổi đến trường. Bắt nạt có thể là trực tiếp hay gián tiếp. Khi bắt nạt xảy ra dưới hình thức trực tiếp, những kẻ bắt nạt bắt nạn nhân phải đối mặt trực tiếp với chúng.

Ví dụ người bị hại bị quấy rối bằng lời nói hoặc bị đe dọa, tấn công vật lý (như: đấm, đá, đẩy xuống), hoặc nạn nhân cảm thấy xấu hổ (chế giễu, từ chối một chỗ ngồi trong nhà ăn của trường…).

Trong trường hợp bắt nạt gián tiếp, kẻ bắt nạt tấn công vị trí xã hội hoặc danh tiếng của nạn nhân, thường là khi họ không có mặt xung quanh. Một học sinh có hành vi bắt nạt gián tiếp nếu tung tin đồn độc hại hoặc viết, vẽ bậy xúc phạm về người bạn cùng hoặc khác lớp/trường. Nạn nhân có sự bất lợi đặc biệt trong bắt nạt gián tiếp vì họ không bao giờ có thể khám phá ra danh tính của người hoặc một nhóm chịu trách nhiệm về sự bắt nạt.

Dấu hiệu con bị bạn bè ruồng bỏ/bắt nạt?

Theo bà Mai Thị Bưởi (Trung tâm Csaga), cha mẹ và thầy cô giáo có thể nhận ra con mình bị bắt nạt qua một số dấu hiệu sau đây:

Về thể chất: trẻ có những vết bầm, rách quần áo; thường hay mất đồ hoặc xin tiền vô lý;

Về tinh thần: trẻ có dấu hiệu sợ hãi, buồn bã, lo lắng, co cụm, ít nói, ngại giao tiếp, không thích tới trường.

Bên cạnh việc thường xuyên trò chuyện, gần gũi với con cái. Cha mẹ đừng quên hỏi han xem con có bao giờ bị bạn bè ruồng bỏ hay bắt nạt không? Nếu khám phá ra con mình bị bắt nạt, đừng bao giờ bảo các em hãy bỏ qua mà phải hỏi sự việc cho rõ ràng. Đừng quy lỗi cho con và bày tỏ sự quan tâm thực sự.

Cùng Chuyên gia bàn cách tháo gỡ

Với nhiều năm kinh nghiệm làm công tác tư vấn, Thạc sĩ Tâm lý Lê Khanh (TT Tư vấn Tâm lý - Đào tạo Kỹ năng Rồng Việt - Vũng Tàu) nhận định:

Chúng ta có thể nhận thấy trong cuộc sống gia đình hiện nay, sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái đã phát sinh nhiều vấn đề về tính gắn bó, sự quan tâm và cả sự tôn trọng giá trị của đứa trẻ, đã khiến cho các em thiếu hụt đi các kỹ năng sống cần thiết, cũng như không nhận biết các giá trị sống để làm nền tảng về mặt tinh thần.

Chính điều này đã làm phát sinh ra hai nhóm Học sinh: Một nhóm các em thích bắt nạt người khác, như một cách bộc lộ giá trị, chứng tỏ bản thân với mong muốn nhận được sự tôn trọng của người khác. Mặt khác, cũng bộc lộ một sự yếu kém về lòng tự trọng và năng lực kết bạn, giao tiếp ở các em.

Một nhóm khác, thì lại trở thành các nạn nhân của sự bắt nạt, bởi vì chính các em được nuôi dưỡng trong hai trạng thái :

Được bảo bọc, cưng chiều trong vòng tay của cha mẹ, lệ thuộc hoàn toàn vào những gì bố mẹ cung cấp và trở nên ích kỷ, đòi hỏi sự quan tâm không giới hạn. Chính điều này biến các em thành những đứa trẻ khó hòa đồng, dễ tổn thương, thiếu tự tin để dễ bị những tác động tẩy chay, ức hiếp.

Do thiếu sự quan tâm của gia đình, các em trở nên khép kín, lo lắng và luôn mong muốn được bạn bè quan tâm, và vì thế trở nên dễ dàng buông xuôi hay cam chịu trước những hành vi ức hiếp của bạn bè mà không dám bộc lộ, để ngày càng bị tổn thương nhiều hơn.

Như vậy, vấn đề chính là do các em đi từ sự quan tâm chăm sóc không đúng cách hoặc do sự thiếu quan tâm của bố mẹ trong gia đình, đã trở nên thiếu thốn các kỹ năng sống, trở nên những đứa trẻ thiếu tôn trọng các quy luật xã hội, các giá trị đạo đức và cả giá trị của bản thân mình.

Ngoài ra, nếu các em này lại phải học tập trong một môi trường chỉ có sự ganh đua, không tôn trọng các giá trị sống, luôn chạy theo các thành tích trong học tập mà quên đi các yếu tố nhân văn thì chắc chắn các em sẽ dễ dàng trở nên những kẻ đi bắt nạt người khác hay trở thành kẻ bị bắt nạt.

Để giảm bớt tình trạng bắt nạt học đường, các nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến các hoạt động giáo dục nhân cách, kỹ năng sống để giúp cho các em vừa phát triển các kỹ năng mềm, vừa nhận thức được các giá trị sống để có sự kiểm soát và điều chỉnh các hành vi giao tiếp ứng xử cho phù hợp với các quy tắc, chuẩn mực xã hội.

Về phía gia đình, cần có sự quan tâm hợp lý, không quá bảo bọc, cưng chiều mà phải để các em có khả năng tự chủ trong một số lĩnh vực cá nhân, trải qua những khó khăn và thử thách để trở nên tháo vát, tự tin hơn.

Các thành viên trong gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống tinh thần của trẻ, để có thể vừa làm cha mẹ vừa làm bạn với con, điều này giúp trẻ có được sự tin tưởng để có thể bày tỏ các khó khăn, căng thẳng mà mình gặp phải, từ đó cha mẹ mới có thể biết để cùng con giải quyết các vấn đề theo chiều hướng tích cực.

Còn theo bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Phó tổng thư ký liên Hợp Quốc, Giám đốc điều hành UN Women trong buổi đối thoại với học sinh trường PTTH Chu Văn An (Hà Nội) đã đưa ra lời khuyên: Nếu các em chứng kiến một hành vi bắt nạt tại trường học hoặc trong cộng đồng, các em có trách nhiệm phải báo cáo. Các em gái phải hiểu biết những quyền của mình và tìm hiểu những cách thức để tìm kiếm sự hỗ trợ. Không nên im lặng.

Về phía nhà trường: cần có đánh giá để phát hiện ra mức độ của vấn đề bắt nạt. Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và phụ huynh thảo luận về chủ đề này, phân tích các mô hình kỷ luật học sinh đi bắt nạt, bố trí người lớn quan sát và ghi lại hành vi bắt nạt;

Những thông tin cần thiết để xác định các vụ bắt nạt (ví dụ, ở đâu và khi nào bắt nạt xảy ra thường xuyên nhất; học sinh nào tham gia vào các hành vi bắt nạt và là nạn nhân của bắt nạt…);

Liên lạc với cha mẹ của các học sinh đã tham gia việc bắt nạt, bàn việc ngăn chặn các học sinh đang bắt nạt; Xây dựng động lực cho cả cộng đồng nhà trường để chủ động ngăn ngừa nạn bắt nạt.

Về phía phụ huynh: Nếu phát hiện ra con bị bắt nạt, cần báo ngay cho nhà trường, theo dõi tình trạng và xem sự việc bắt nạt đã ngừng chưa. Nếu còn, phải nói chuyện với người có thẩm quyền của trường lần nữa.

Quan trọng nhất là giáo dục và giúp các em đối đầu với các đối tượng thích bắt nạt kẻ khác. Dạy các em thói quen nhìn thẳng, không cắn móng tay, không cúi gằm mặt, đi đứng toát ra một vẻ tự tin. Dạy em phương cách tự bảo vệ mình khi bị bắt nạt, tìm người lớn để giúp đỡ lúc lâm nguy.

Với các hình thức bắt nạt qua internet, các em cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô. Các em không đơn độc. Nhà trường nên có cơ chế để các em có thể trao đổi và có sự giúp đỡ từ giáo viên. Và các thầy cô giáo cần phải chủ động có hành động thiết thực để bảo vệ các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ