Bắt nạt: Không đơn giản là “chuyện trẻ con”

GD&TĐ - Lâu nay, người ta thường cho rằng, bắt nạt chỉ là trò chọc ghẹo vô hại và là chuyện thường xảy ra ở chốn học đường. Nhưng trên thực tế, chuyện bắt nạt có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Kỳ 1: Hậu quả từ những trò đùa ác ý

Tẩy chay, chế nhạo, cô lập, tấn công bằng lời nói, bạo lực thể chất, trấn lột, bắt nạt qua mạng… có thể hủy hoại thể diện, thanh danh hoặc thậm chí cả cuộc đời một học sinh. Nghe có vẻ khó tin nhưng đó lại là sự thật.

Bị bắt nạt, chới với tìm thuốc ngủ

Đó là câu chuyện của một học sinh lớp 6 tại một trường cấp hai của quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ngay từ những ngày đầu cấp, H. đã được cô giáo tin tưởng giao cho làm lớp trưởng.

Được cô giao cho nhiều “quyền”: quản lớp, kiểm tra bài của bạn, thay cô “chấm điểm” các bạn vào cuối tuần, điều khiển hàng lối… H. nhanh chóng trở thành “bà la sát” của lớp.

Lấy “uy” lớp trưởng, H. thường xuyên quát nạt các bạn, yêu cầu bạn làm theo ý mình. Miễn cưỡng nghe theo lớp trưởng, nhưng các bạn không vui, và không ưa H. Song cũng không nói ra hay phản đối trực tiếp.

Bất ngờ cô giáo chủ nhiệm chuyển trường khác, H. bị các bạn tẩy chay, bầu bạn khác làm lớp trưởng. Cũng từ đây, cô bé H. rơi vào trạng thái khủng hoảng. Lâu nay, mải mê với vai trò lớp trưởng, H. luôn là trung tâm của lớp, là “cái rốn của vũ trụ”.

Không những bị “tước quyền”, H còn bị các bạn tẩy chay, nói xấu. Các bạn thường xuyên viết giấy, dán lên áo H; bình phẩm về cách ăn mặc, nói năng, về những điều H. phát biểu… H. mách cô liền bị mấy bạn nam dọa đánh. Trong giờ ra chơi, các bạn hay “cố ý” làm H. đau như vô tình chạy va phải, dùng dép ném vào người…

Cô giáo cho rằng, đó là những trò đùa trẻ con, nên xử lý chưa dứt khoát khiến các bạn càng có cớ trêu H. Buồn vì chuyện ở lớp, về nhà, không tâm sự được với ai, lại gặp cảnh bố mẹ thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn, H. bị stress, thường xuyên mất ngủ, phải uống thuốc mới ngủ được.

Có hôm, nghe tin bố mẹ sẽ li hôn, thêm tổn thương sau những chuyện ở lớp, H đã uống cả lọ thuốc ngủ tự tử. Rất may, cha mẹ phát hiện kịp thời nên chuyện đáng tiếc đã không xảy ra.

Tâm sự với chuyên gia tâm lý Mai Thị Bưởi (Trung tâm Casaga), H cho biết: em cảm thấy rất hụt hẫng và tuyệt vọng khi đang từ một “ngôi sao” mà bị “rớt”. Em không muốn đến lớp, không muốn nhìn thấy các bạn và bị chế nhạo. Mỗi sáng ra, em cảm thấy rất áp lực khi tới trường.

Gần 90% học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 tại Mỹ từng ít nhất một lần bị bạn học bắt nạt, ức hiếp, ngoài ra 59% thừa nhận đã từng có hành động bắt nạt những em khác.

Một nghiên cứu ở Anh ghi nhận rằng có khoảng hơn 40% số vụ tự sát ở giới trẻ (được đăng trên phương tiện truyền thông lớn trong nước) có liên quan phần nào đến sự bắt nạt.

Tại Việt Nam, cũng từng ghi nhận chuyện một số học sinh đã tự vẫn chỉ vì liên tục bị bắt nạt.

Những cái chết oan uổng

Nói đến bắt nạt, người ta hay nghĩ tới các hình thức bắt nạt về thể chất (như hành hung, đánh đấm), những hình thức bắt nạt tinh thần (lời nói, xỉ nhục, nhạo báng,) thường ít được nói tới.

Gần đây, hiện tượng bắt nạt bạn bè thường thông qua nhắn tin, chat, email, facebook (nói xấu, ghép ảnh) trở nên phổ biến hơn và có tính chất vô cùng nguy hiểm bởi mức độ lan truyền nhanh và ảnh hưởng lớn khiến một người mất thể diện.

Cò nhớ, năm 2013, tại Đà Nẵng và huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã xảy ra hai vụ việc đau lòng đã khiến nữ sinh tự tử vì bị nói xấu trên facebook.

Theo đó, một phụ huynh của học sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết, trang facebook “Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành” đã “đăng bài với nội dung nhục mạ, xúc phạm với lý do: đi học kênh kiệu, chảnh chọe, không hòa đồng, lôi cả phụ huynh vào cuộc và bịa đặt nhiều chuyện riêng tư khác để bôi nhọ cháu” khiến con gái chị đã uống thuốc an thần tự tử nhưng rất may gia đình phát hiện kịp và đưa đi cấp cứu.

Không chỉ riêng con gái chị này, mà còn rất nhiều em học sinh khác bị lên án, nói xấu, lăng mạ. Việc này ảnh hưởng đến tâm sinh lý các cháu mới lớn, khiến các cháu lo sợ khi đến trường.

Facebook, những trang cộng đồng mang tính tiêu cực mọc ra khiến các cháu lo sợ, cướp đi tính mạng của các cháu. Mà điển hình là cái chết oan uổng, tức tưởi của một nữ sinh vừa học hết lớp 12 ở xã Hương Ngải (H.Thạch Thất, Hà Nội) khi bị ghép ảnh nóng trên facebook.

Theo bức thư L. để lại, có một số bạn nam trong lớp ghép ảnh chân dung cháu vào hình linh tinh rồi đưa lên mạng facebook nên cả lớp cùng xem được. Thấy vậy, một số bạn đã trêu đùa, chọc ghẹo. Khi L. phản ứng lại thì bị bạn thách thức mua thuốc bả chuột, thuốc diệt cỏ để tự tử. Thế là để chứng tỏ sự trong sáng, cháu đã làm liều và kết thúc bằng cái chết oan uổng.

Một học sinh nữ lớp 11, trường PTTH Chu Văn An (Hà Nội) cho biết: “Việc xúc phạm lẫn nhau trên mạng rất khó kiểm soát và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nạn nhân. Các bạn bị nói xấu, tung ảnh, rêu rao trên mạng thường muốn trốn tránh mọi người và không dám đến trường.”

Như vậy, trẻ bị bắt nạt có thể bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển tình cảm và xã hội của trẻ cũng như các thành tích học tập ở trường. Bởi các em phải lo tránh kẻ bắt nạt, thay vì tập trung vào bài giảng của giáo viên hoặc bài tập. Một số em có thể giả vờ bị bệnh để tránh lên lớp…

Bắt nạt cũng có thể để lại hậu quả lâu dài đối với nạn nhân, như: ngại giao tiếp, và có ít bạn bè.

Học sinh bị bắt nạt kinh niên có thể có triệu chứng của trầm cảm và thiếu lòng tự trọng khi đã thành người lớn. Một số nạn nhân còn có xu hướng muốn tự tử thay vì cứ phải tiếp tục chịu đựng sự quấy nhiễu hay sự trừng phạt của những kẻ bắt nạt.

Nhà trường, thầy cô giáo, cha mẹ và bản thân học sinh phải làm gì để phát hiện sớm và ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng từ những hành vi bắt nạt tưởng chỉ là “trò đùa” nêu trên? (Đón đọc Kỳ 2: Dấu hiệu con bạn bị bắt nạt và cách xử trí)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.

Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.

Dấu hiệu chữ V có từ khi nào?

GD&TĐ - Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là 'dấu hiệu chữ V', biểu tượng chiến thắng.

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.