Đau đáu nhân lực dinh dưỡng

Đau đáu nhân lực dinh dưỡng

(GD&TĐ) - Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Đề án này dành hẳn một chương trình về chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan. Thế nhưng, cho đến nay, nhân lực ngành Dinh dưỡng dường như vẫn là “gót chân asin” mà muốn khắc phục cần một thời gian rất dài.

Người học chê ngành Dinh dưỡng

Ông Phạm Duy Tường
Ông Phạm Duy Tường 
 

Từ năm 1979, ngôi trường hàng đầu về đào tạo ngành y là ĐH Y Hà Nội bắt đầu đào tạo bác sĩ dinh dưỡng tiết chế. Nhưng chỉ sau 4 khóa với khoảng trên 45 bác sĩ ra trường, ngành này đã bị dừng lại. Nguyên nhân là thời kỳ đó, bác sĩ dinh dưỡng tiết chế chưa được chú trọng sử dụng ở các bệnh viện.

Cách đây 3 năm, Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương được phép mở chuyên ngành đào tạo kỹ thuật viên Dinh dưỡng - tiết chế bậc cao đẳng, nhưng việc thu hút người học rất khó khăn.

Mặc dù vấn đề dinh dưỡng đang ngày càng được quan tâm, đặc biệt trong xã hội hiện đại, nhưng một thực tế là, không chỉ người học mà ngay cả các trường ĐH, các bệnh viện cũng không mấy mặn mà với ngành học này. “Dinh dưỡng” hiện nay cũng chưa có tên trong mã ngạch công chức. Có lẽ đây là những nguyên nhân chính khiến một số trường có mở đào tạo ngành này chật vật tuyển sinh.

Theo Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường ĐH Y Hà Nội Phạm Duy Tường, không ít trường đào tạo ngành y hiện nay chưa có bộ môn Dinh dưỡng. 

“Trường ĐH Tây Nguyên, cả lĩnh vực Y học dự phòng của họ mới chỉ có 5 – người và không có ai làm về dinh dưỡng. Không chỉ một số trường ĐH mới mở mà ngay cả Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên, khoa Y Dược (ĐHQG Hà Nội) cũng chưa có bộ môn Dinh dưỡng” -  ông Phạm Duy Tường cho biết.

Trường ĐH thì như vậy, đến các bệnh viện cũng nhiều nơi không có khoa Dinh dưỡng hoặc có nhưng chưa chú ý đầu tư thỏa đáng. Việc đầu tư cho dinh dưỡng, y tế dự phòng chưa thực sự được chú trọng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều thí sinh dù thích cũng không dám mạo hiểm thi vào học ngành này vì ra trường khó kiếm việc làm.

Theo ông Tường, một trong những nguyên nhân chính của thực trạng này là vấn đề nhận thức. Từ mỗi người dân, trong từng gia đình cho đến các cấp lãnh đạo vẫn chưa chú trọng nhiều đến dinh dưỡng, chưa thực sự quý sức khỏe như vàng, thậm chí ngay cả trong bệnh viện cũng vậy. 

4 năm nữa mới có cử nhân 

Từ năm 1996, Trường ĐH Y Hà Nội đã phối hợp với Viện Dinh dưỡng đào tạo thạc sĩ dinh dưỡng. Tuy nhiên, việc đào tạo hướng nhiều hơn về thạc sĩ dinh dưỡng cộng đồng vì thời đó vấn đề suy dinh dưỡng đang rất cấp thiết. Nguồn đào tạo thường là đối tượng đã tốt nghiệp ĐH, có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dinh dưỡng. Phần lớn trong số này là bác sĩ, tuy nhiên cũng có một số đến từ các trường khác như ĐH Nông nghiệp, ĐHSP, ĐH Bách khoa – những trường mà chương trình có học sinh lý, sinh hóa... Tất nhiên, những đối tượng này đều phải qua thi tuyển.

Như vậy, bên cạnh các khóa đào tạo ngắn hạn còn có cả thạc sĩ, tiến sĩ dinh dưỡng, cũng có một số được đào tạo dinh dưỡng tại nước ngoài, nhưng lại chưa hề có cử nhân dinh dưỡng được đào tạo chính quy trong nước - một khoảng trống lớn. Trong khi đó, hiện hầu như tất cả các nước đều có loại hình đào tạo này. 

Ngày 2/10/2013, khóa cử nhân dinh dưỡng đầu tiên trên cả nước mới bắt đầu khai giảng với 46 sinh viên. Trưởng bộ môn Phạm Duy Tường – người chịu trách nhiệm xây dựng khung chương trình - cho biết, nếu như các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc bậc đào tạo CĐ, khối kiến thức chuyên về dinh dưỡng ít thì đây là chương trình đào tạo chính quy bậc ĐH về dinh dưỡng một cách chuyên sâu, có đến 27 chuyên ngành. Khối lượng kiến thức từ 137 đến 143 tín chỉ, chưa kể các học phần giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng an ninh. 

Tuy nhiên, để đáp ứng nhân lực về dinh dưỡng, một trường ĐH Y Hà Nội đào tạo không thể đáp ứng đủ. Ông Tường cho rằng, cần phải thúc đẩy mở rộng đào tạo ngành này ở các trường ĐH Y khác trên cả nước

“Nhưng, chương trình cử nhân dinh dưỡng ở ĐH Y Hà Nội lại thí điểm 3 năm. Sau 3 năm chờ đợi thí điểm ấy mới triển khai đến các trường khác, như vậy rất khó để nhân rộng. Chúng ta cần phải tăng tốc hơn nữa” – ông Tường trăn trở.

Trường học vắng bóng chuyên gia dinh dưỡng

Trường học là một nơi rất cần sự hiện diện của các chuyên gia dinh dưỡng, nhất là khi chúng ta đang cố gắng mở rộng diện học 2 buổi trên ngày. Tuy nhiên, ông Phạm Duy Tường khẳng định, chúng ta chưa có đội ngũ dinh dưỡng trong trường học.

Từng nghiên cứu về thừa cân, béo phì ở một số trường học trong nội thành Hà Nội, ông Tường càng nhận thấy vai trò của dinh dưỡng trong trường học vô cùng quan trọng: 

“Trong trường học, cán bộ y tế phải làm rất nhiều việc, vậy người kiểm soát việc ăn uống, dinh dưỡng cho học sinh là ai? Ai sẽ là người hướng dẫn các em ăn thế nào, hoạt động thể lực ra sao để tránh béo phì. Các trường nông thôn, ngoại ô, ai là người giúp học sinh và cha mẹ các em quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng để cải thiện tình trạng đó?”

Trong khi đó, ở các nước phát triển, mỗi trường học đều có một cán bộ về dinh dưỡng. Nhiệm vụ của họ không chỉ phục vụ mỗi việc ăn uống mà còn trang bị kiến thức cho học sinh ngay từ ban đầu. Học sinh được dạy ăn thế nào là đủ, là hợp lý và những thức ăn nào có lợi cho sức khỏe; đồng thời, được dạy cả những thói quen ăn uống hợp vệ sinh, ăn thế nào là “ăn sạch”... Không chỉ thế, các cán bộ dinh dưỡng còn có nhiệm vụ trang bị kiến thức về dinh dưỡng cho người làm công tác nấu ăn...

“Ở Nhật Bản, học sinh được dạy cách tự phục vụ bữa ăn. Do đó, khi người phục vụ mang thức ăn đến, học sinh sẽ tự chia ra khẩu phần cho mình, không có chuyện cô giáo làm thay.” – ông Tường cho biết thêm.

“Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện phải có khoa dinh dưỡng cho người bệnh. Trong số hơn 1000 bệnh viện, hiện số có khoa dinh dưỡng không nhiều; Số có thể áp dụng bữa ăn cho người bệnh cũng ít vì nguồn lực chưa có, phần lớn do bác sĩ hoặc cử nhân điều dưỡng chịu trách nhiệm. Trong khi đó, hai đối tượng này, thời lượng được học về dinh dưỡng trong nhà trường không nhiều. ”

Ông Phạm Duy Tường – Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường ĐH Y Hà Nội 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ