(GD&TĐ) - Mặc dù gặp không ít khó khăn và thách thức nhưng năm qua, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn có những đóng góp đáng kể vào nền kinh tế nói chung, đảm bảo được vai trò và nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục duy trì là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần bình ổn giá cả, vật tư hàng hóa, kết hợp với phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia và an sinh xã hội.
Từ kết quả năm 2012....
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp Trung ương,năm 2012, các tập đoàn, tổng công ty đạt tổng doanh thu trên 1,6 triệu tỷ đồng, bằng 92% kế hoạch, tăng so với năm 2011. Tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty đạt 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2011. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4%. Trong đó các tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận cao như: Dầu khí, Viễn thông Quân đội, Bưu chính Viễn thông, Công nghiệp cao su, Công nghiệp Than - khoáng sản, Dệt may, Cảng hàng không.... Các tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách năm 2012 đạt 294.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, nhưng lại giảm 12% so với thực hiện năm 2011. Trong đó, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nội địa chiếm 71%.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp Trung ương, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1,33 triệu tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,82 lần. Tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần. Nhìn tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy vậy, nếu xét riêng ở một số tập đoàn, tổng công ty, tỷ lệ này vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao.
Ông Phạm Viết Muôn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương đánh giá, trong bối cảnh hết sức khó khăn của những năm gần đây và đặc biệt là năm 2012, về cơ bản, các tập đoàn, tổng công ty đã có cố gắng nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, viễn thông đạt hiệu quả khá cao; trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được duy trì khá ổn định; trong lĩnh vực vận tải, xây dựng rất khó khăn.
Ảnh minh họa/internet |
Đặt mục tiêu đặt cao hơn trong năm 2013
Dự báo, tình hình năm 2013 vẫn sẽ còn hết sức khó khăn, nhiều Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty lớn tỏ ra hết sức thận trọng khi đưa ra mục tiêu về tăng trưởng, lợi nhuận, nộp ngân sách trong năm 2013 thậm chí còn giảm so với năm 2012 như các Tập đoàn, Tổng Công ty: Dầu khí, Cao su, Bưu chính Viễn thông,…
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng tự tin sẽ đạt được các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cao hơn trong năm 2013.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)cho biết, Mục tiêu của Vietnam Airlines trong năm 2013 sẽ là tăng trưởng 10% doanh thu, 10% lợi nhuận.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Vietnam Airlines sẽ chuẩn bị nhiều phương án kinh doanh, thực hiện điều hành linh hoạt, bám sát biến động thị trường, tạo sự chủ động, giảm tối đa chi phí giá thành, kinh doanh.
Còn đối với tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thì cho hay, năm 2013,Vinacomin phấn đấu tăng gần 10% lượng than tiêu thụ, đạt 43 triệu tấn; mục tiêu duy trì tăng trưởng của Tập đoàn sẽ được đảm bảo với việc quyết liệt cắt giảm chi phí, tái cấu trúc doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, tăng cường xã hội hoá đầu tư dự án mỏ ngay từ khâu khai thác, sàng tuyển.
Các doanh nghiệp khác như Tổng Công ty Thép Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng toàn hệ thống trên 10% về sản lượng thành phẩm; Tập đoàn Hoá chất tăng 14% sản lượng, đạt 4,6 triệu tấn phân bón các loại,…
Trong lĩnh vực viễn thông, lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tuyên bố mục tiêu năm 2013 đạt lợi nhuận trước thuế trên 34 ngàn tỷ đồng (năm 2012 là 27 ngàn tỷ đồng), nộp ngân sách 13 ngàn tỷ đồng (năm 2012 là 11 ngàn tỷ đồng), phấn đấu có thêm từ 10-15 sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Mạnh Đức - Đức Trí (tổng hợp)