Đất học Thần Khê, châu phê thần đồng

GD&TĐ - 'Thần Khê có bốn ông nghè/Ông nào cũng được châu phê thần đồng', câu ca xưa ấy là nói về đất học Thần Khê nổi danh trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.

Thần Khê có 4 vị đại khoa được ghi danh trên văn bia đề danh Tiến sĩ.
Thần Khê có 4 vị đại khoa được ghi danh trên văn bia đề danh Tiến sĩ.

Vùng đất của lịch sử

Thần Khê ấy là nơi nào? Các nguồn sử liệu đều khẳng định huyện Tiên Hưng trước có tên là huyện Thần Khê, thuộc phủ Tiên Hưng (tên phủ này thời nhà Trần gọi là phủ Long Hưng, nhà Hồ và Hậu Lê gọi là phủ Tân Hưng, thời thuộc Minh trước nhà Lê gọi là Trấn Man, nhà Nguyễn gọi là Tiên Hưng).

Khoảng năm 1832 - 1890, huyện Thần Khê thuộc phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên. Năm 1890 - 1894, huyện Thần Khê thuộc phủ Thái Bình, tỉnh Thái Bình, sau đó lại thuộc phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình cho đến khi bỏ cấp phủ thì lấy tên phủ làm tên huyện.

Khoảng năm 1969, huyện Tiên Hưng được hợp nhất với huyện Đông Quan thành huyện Đông Hưng. Như vậy huyện Đông Hưng ngày nay có phần đất của huyện Diên Hà, Thần Khê, Thanh Lan – rộng hơn rất nhiều so với thời xưa. Tuy toàn bộ huyện Thần Khê xưa đã trở thành đất của huyện Đông Hưng nay, nhưng nhiều người vẫn nhớ về những vẻ vang khoa bảng có “những người học giỏi, những bề tôi hiền”.

Trên cương vị Ngự sử, Tiến sĩ Đào Vũ Thường nổi tiếng công minh chính trực. Ảnh minh họa: INT

Trên cương vị Ngự sử, Tiến sĩ Đào Vũ Thường nổi tiếng công minh chính trực. Ảnh minh họa: INT

Mảnh đất Thần Khê chính là nơi gắn bó với An Hạ vương và phu nhân Đàm Chiêu Trinh vào cuối triều nhà Lý.

Một số nguồn sử liệu cho rằng, An Hạ vương chính là anh ruột của Thái sư Trần Thủ Độ. Ông làm quan và là vị tướng quân tài ba cuối vương triều Lý, đầu vương triều Trần. Ông cùng Thái sư Trần Thủ Độ dựng nghiệp vương triều Trần, nhiều lần đưa quân triều đình và Châu Hoan (Nghệ Tĩnh) dẹp giặc Chiêm Thành - Chân Lạp và được cử làm Bá trưởng Châu Hoan.

Ông cùng quân dân Đại Việt đánh tan quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ nhất (1258). Sau hai vợ chồng về vùng đất thang mộc tại hương Động Nhuế (nay là xã Đông Xuân) sinh sống. Tại vùng đất hoang sơ này, ông bà đã chiêu dân từ khắp nơi về lập ấp. Công lao ấy được người dân ghi nhớ, tôn làm Thành hoàng làng.

Đất Thần Khê cũng là địa danh gắn bó với Trần Thiệu Ninh và Trần Thị Quý Minh. Thiệu Ninh công chúa là con gái của vua Trần Nghệ Tông và Huệ Từ. Tương truyền, bà Huệ Từ quê ở Tây Quan, hương Cổ Lũ.

Khi vua mất, bà Huệ Từ vào tu tại chùa. Thiệu Ninh đã cho xây dựng chùa Từ Ân, được người đương thời khen ngợi “tuy là dòng dõi cao quý nhưng vẫn không quên chốn gốc”. Sự tích về ngôi chùa Từ Ân và tấm lòng của công chúa được khắc vào bia đá từ năm 1382 nay vẫn được lưu giữ.

Công chúa Trần Thị Quý Minh là con vua Trần Duệ Tông sau khi vua cha mất công chúa đã rời bỏ kinh thành tìm về vùng Thần Khê khai phá đất hoang, lập làng, chiêu tập dân không nhà cửa về cùng mở đất cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, xây dựng phong tục, khiến cho đời sống nhân dân no đủ. Bà còn dạy dân múa hát, điệu múa đó còn lưu lại đến ngày nay (múa giáo cờ giáo quạt).

Bốn ông nghè Thần Khê

Không chỉ là một vùng đất lành, gắn liền với nhiều sự kiện và danh nhân lịch sử, Thần Khê xưa còn là vùng đất học nổi danh các thời đại, đúng như câu ca: “Đã là con mẹ con cha/ Thì sinh ở đất Duyên Hà - Thần Khê”.

Theo các tài liệu đăng khoa, có thể thấy “Thần Khê có bốn ông nghè” chính là các vị đại khoa: Đỗ Tử Bình, Hoàng Kỳ, Phạm Cảnh và Đào Vũ Thường. Đây là bốn nhà khoa bảng cũng là những danh sĩ nổi tiếng nhất huyện Thần Khê xưa, để lại huân danh sáng ngời trong sự nghiệp chữ nghĩa và quan tước.

Đỗ Tử Bình (1324 - 1383) là thế hệ thứ hai của họ Đỗ ở Phúc Hưng trang, huyện Thần Khê, lộ Long Hưng (nay là thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng). Năm 1346 ông đỗ Ngự tiền học sinh (Tiến sĩ), nổi tiếng là người văn võ song toàn. Ông là tướng nhà Trần, sự nghiệp gắn liền với cuộc chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành vào cuối thế kỷ 14.

Vị đại khoa thứ 2 của Thần Khê là Hoàng Kỳ, ông nổi tiếng thông minh thần đồng từ nhỏ. Một số tư liệu chép rằng, khoa Quý Mùi (1553), ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, làm quan trải hai triều Mạc - Lê Trung hưng.

Từ Tham chính sứ, ông được thăng đến Tự khanh. Năm 1613 ông được cử làm Phó sứ sang nhà Minh. Cuối đời ông về trí sĩ tại quê nhà, sau lại lập trại ấp mới ở làng Nguyễn. Khi ông mất được truy phong Vĩnh lộc đại phu.

Đền thờ Quận công Phạm Huy Đĩnh - nơi lưu giữ văn bia “Tiên Hưng phủ Thần Khê huyện các xã từ vũ bi ký” do Nguyễn Nghiễm (thân phụ thi hào Nguyễn Du) soạn năm 1772.

Đền thờ Quận công Phạm Huy Đĩnh - nơi lưu giữ văn bia “Tiên Hưng phủ Thần Khê huyện các xã từ vũ bi ký” do Nguyễn Nghiễm (thân phụ thi hào Nguyễn Du) soạn năm 1772.

Vị đại khoa thứ ba là Phạm Cảnh, tự là Hiếu Liêm, hiệu Trung Thành. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, Mạc Hưng Tri năm thứ 2 (1589), được bổ làm Hiến sát sứ Hải Dương. Năm 1592, nhà Mạc bị đánh bại phải bỏ Thăng Long. Ông bị nhà Lê bắt, thấy ông là người có tài, nhà Lê không giết, cho ông về quê.

Sau nhà Lê lại vời ông ra làm quan, không thể từ chối, ông cáo biệt dân làng rồi lên đường về kinh. Khi thuyền gần đến kinh thành, ông bảo với người cùng đi lấy giấy bút cho ông.

Ông vừa viết, vừa đọc câu “Sinh Mạc thời, sĩ Mạc triều, thực Mạc lộc sự nhi hà kham” (sinh thời Mạc, làm quan thời Mạc, ăn lộc nhà Mạc không thể thờ hai chúa). Đọc xong câu ông vừa viết, ông liền nhảy xuống sông tự tử.

Vị đại khoa cuối cùng là Đào Vũ Thường (1705 - 1754), thi đỗ Hương Cống (cử nhân) năm 19 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông không tiếp tục thi Hội mà ra dạy học.

Môn sinh theo học rất đông, nhiều người đỗ đạt thành tài được nhân gian truyền tụng: Nức danh Yên Lũ họ Đào/ Gần xa sĩ tử xin vào nhập môn. Tuy làm quan Huấn đạo bận dạy học trò trong huyện nhưng Đào Vũ Thường vẫn dùi mài kinh sử, luyện tập văn chương. Năm 42 tuổi, ông vượt 2000 cống sĩ để đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Dần (1746) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 7 đời vua Lê Hiển Tông.

Tân khoa được nhà vua ban cho áo mũ, cờ biển, ấn tứ vinh quy và được khắc tên vào bia đá. Theo điển lệ thời Lê, mỗi Tiến sĩ được cấp 30 mẫu đất nhưng Đào Vũ Thường không nhận những chân ruộng tốt vì cho rằng dân đã tốn công khai phá. Thế là ông nhận đất hoang ở mả Lờn thuộc tổng Cát Hộ, cạnh làng Yên Lũ để tránh tiếng “chưa đỗ ông Nghè đã đè hàng tổng”.

Ông đưa con cháu, dân làng đến khai phá đào sông dẫn thủy nhập điền trở thành ruộng đồng, làng mạc lập thành trại Đồng Lan. Đồng Lan có nghĩa là cùng thơm, ông đặt tên như vậy với ý, tuy là lộc điền vua ban nhưng công khai phá là của dân, trong đó có nhiều dòng họ khác nhau – nên Đồng Lan cũng là ước muốn ngôi làng như bông hoa lan thơm ngát, no ấm, thuận hòa.

Sau khi vinh quy bái tổ, Đào Vũ Thường được nhà vua phong chức Công khoa cấp sự trung, trông nom việc chung của triều đình. Nhân có sứ nhà Thanh sang nước ta, nhà vua cử Đào Vũ Thường ra tiếp đón, đàm đạo. Trước lời lẽ kẻ cả coi thường thiên hạ của sứ thần Trung Hoa, Đào Vũ Thường bình thản dùng những câu thơ uyên bác, đối đáp rất trôi chảy, khiến sứ thần nhà Thanh phải giật mình kính phục.

Đào Vũ Thường trải qua nhiều chức quan nhưng ở cương vị nào, ông cũng giữ được đức độ thanh liêm chính trực, phân xử công minh, tạo được lòng tin yêu của dân chúng. Ông có ba người con là: Đào Vũ Điển, Đào Vũ Tuân và Đào Vũ Cầu – đều là những người đỗ đạt có tiếng đương thời.

Cử nhân được vua Tự Đức ngợi khen

Ngoài bốn vị đại khoa, ở Thần Khê còn nổi tiếng có Cử nhân Lương Quy Chính (1825 - 1907). Lúc 25 tuổi ông thi đỗ Cử nhân thứ 2 tại trường thi Nam Định, và chính thức nhập quan lộ ở tuổi 32.

Chuyện kể rằng, khi Lương Quy Chính đang thụ chức Tri huyện Phong Doanh thì Tri phủ Nho Quan (Ninh Bình) là một tên tham quan đã bị dân giết chết. Ngay lập tức, Lương Quy Chính được thăng Tri phủ, cử tới Nho Quan thay thế. Ngay khi đến nơi, ông đã tìm hiểu nguyện vọng của dân, rồi ban hành nhiều biện pháp cải thiện cuộc sống khiến dân trở nên no ấm, bình yên.

Khi vùng biên giới các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên bị giặc phương Bắc tràn sang cướp bóc, Lương Quy Chính được triều đình sung chức Tán lý quân vụ, đem quân dẹp giặc.

Khu lăng mộ Thượng thư Lương Quy Chính.

Khu lăng mộ Thượng thư Lương Quy Chính.

Ông lần lượt dẹp tan từng toán giặc, biên giới trở lại bình yên. Vua Tự Đức đã có lời khen “Bắc phi Chính bất bình” (ở ngoài Bắc nếu không có Lương Quy Chính thì không bình yên).

Thời vua Đồng Khánh, Lương Quy Chính được phong Thượng thư bộ Hộ. Sau khi vua Thành Thái lên ngôi, ông còn được giao nhiều chức vụ quan trọng khác.

Cuộc đời làm quan của Lương Quy Chính lẫy lừng là thế nhưng trong cuốn sách “Thái Bình phong vật chí”, Tổng đốc Thái Bình là Phạm Văn Thụ đã nhận định: “Làm quan trong vòng 40 năm mà gia sản chẳng khác gì một kẻ hàn nho. Duy về việc ruộng đất, tình trạng nghề nông tốt xấu ra sao lại rất am tường, thông thuộc”.

Khi khoa danh của Thần Khê đã rạng rỡ, dân gian có câu: “Thần Khê có bốn ông nghè/ Ông nào cũng được châu phê thần đồng”. Trong hơn 700 châu bản hình thức ngự phê của các vua triều Nguyễn, giới nghiên cứu nhận định khá phong phú, gồm: Châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải.

Trong đó, “châu phê” là một đoạn, một câu hay một vài chữ do đích thân nhà vua viết, có thể ở đầu câu, cuối câu hoặc chen vào giữa các dòng văn bản thể hiện sự phê duyệt, cho ý kiến chỉ đạo. Chẳng biết vua chúa triều đại nào đã châu phê cho Thần Khê danh tiếng thần đồng, nhưng có lẽ đó là sự thật – vì không có đất nào hoặc ai đó dám tự bịa lời vua, vì đó là trọng tội khi quân phạm thượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ