Là vùng đất nổi danh hiếu học của huyện Thượng Phúc xưa, làng Khê Hồi, xã Hà Hồi (Thường Tín – Hà Nội) còn đó với dòng họ Từ với nhiều người văn hay chữ tốt, đỗ đạt làm quan.
Nơi dòng nước trở lại
Theo giải thích từ các cao niên, tên làng Khê Hồi đã có từ xa xưa. Theo tiếng Hán, “Khê” có nghĩa là con suối, “Hồi” là quay đầu, quay trở lại, từ đó có thể hiểu Khê Hồi ý nói về vùng đất lành của mạch nước – hay trở lại nơi dòng sông, dòng nước. Đến nay, tục rước nước vào ngày hội làng – hay gánh nước, kiêng đổ nước ngày Tết vẫn tồn tại ở ngôi làng này.
Thành hoàng làng của Khê Hồi là Cao Sơn Đại vương. Theo thần tích, ngài tên là Cao Hiển, sống vào thời vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398). Trong đình hiện còn lưu giữ tấm bia đá khắc bằng chữ Hán, nói về việc hưng công xây dựng, mang niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786). Ngoài những đồ thờ như hoành phi, câu đối, đình Khê Hồi còn lưu giữ bản hương ước với nhiều điều lưu ý về việc tham gia lễ hội của các xã thuộc tổng Hà Hồi cũ.
Hội làng Khê Hồi kéo dài 3 ngày từ 14 đến 17 tháng Ba (âm lịch). Theo quy ước, dân làng Khê Hồi rước kiệu của làng mình đến sân đình làng Hà Hồi để tụ hội cùng kiệu các làng khác. Ngày 16 bắt đầu hội rước với nhiều nghi lễ trang trọng linh thiêng.
Sang ngày 17, sau đám rước thì cờ kiệu, nghi trượng của mỗi làng được rước về đình làng để làm tế lễ riêng. Mỗi làng sẽ tổ chức một tích trò, trong đó Khê Hồi tổ chức trò diễn thủy chiến trên ao đình.
Nhiều ngày trước hội, dân làng đã chuẩn bị nhiều thân cây chuối để ghép thành thuyền chiến. Giữa mỗi bè có găm một hình nhân cầm cờ hiệu màu đỏ (quân đỏ), hoặc màu xanh (quân xanh).
Các tráng binh mình trần, khăn quấn đầu rìu, quần lửng đỏ, trong đó chủ tướng mặc giáp trụ, đeo mặt nạ tay cầm trường kiếm hoặc xà mâu, đại đao… Binh khí được làm bằng gỗ và sơn son, tạo ra sự dũng mãnh, uy nghi của Thành hoàng làng.
Trò thủy chiến của hội làng Khê Hồi mô phỏng tích Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán. Cũng có ý kiến cho rằng, tích này mô phỏng hình ảnh Trần Hưng Đạo đánh đuổi quân Nguyên Mông. Khi trống hội tưng bừng, 6 thuyền chiến xanh, đỏ bắt đầu diễu binh trên ao, sau đó là đua bè.
Tiếng chiêng trống, tiếng não bạt cùng hò reo cổ vũ vang dậy khiến cho các chiến binh càng thêm nhuệ khí. Phần thưởng cuộc đua chỉ là một lá cờ đuôi nheo nhỏ để bên thắng cắm trên “chiến thuyền”.
Đình Khê Hồi. |
Anh em đại khoa
Một số nghiên cứu về lịch sử Nho học ở Khê Hồi cho thấy, đây là làng quê rất trọng sự học. Một trong những điểm nhận biết về sự trọng học vấn của làng, ấy là việc xây dựng văn chỉ, lập trường từ rất sớm.
Văn Chỉ được xây dựng cách đây hàng trăm năm, khang trang, rộng rãi, tọa lạc trên khuôn viên đất rộng hàng trăm mét vuông, ở giữa làng. Cổng được xây dựng kiên cố, có cầu cong qua hồ nước dẫn vào, ở phần trên chính giữa có 4 chữ Hán đắp nổi, cỡ lớn: “Khê Hồi văn chỉ” nghĩa là “Văn chỉ làng Khê Hồi”.
Ở hai bên cổng đắp 2 ngọn bút lông to cao đến hơn 3m, ngọn bút hướng lên trời như mô phỏng hình tượng tháp bút “Tả thanh thiên” (viết lên trời xanh) bên hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn ở Thủ đô Hà Nội. Đây là công trình văn hóa tín ngưỡng, tâm linh có chức năng chung là để tôn vinh đạo học và lưu danh những người dân trong làng hiếu học, thành tài, góp phần làm rạng rỡ dòng họ và quê hương.
Khê Hồi cũng có một ngôi trường làng được xây dựng từ năm 1925, gần 100 tuổi, gồm 2 phòng học khang trang, rộng rãi. Văn bia của trường đã nêu rõ mục đích, nội dung khuyến học. Đến nay, ngôi trường này thành “Trung tâm học tập cộng đồng thôn Khê Hồi”.
Chi hội khuyến học thôn được xã giao quyền quản lý và sử dụng. Hai công trình hiếm có đó là những tượng đài về truyền thống khuyến học, khuyến tài của làng Khê Hồi, rất đáng được phát huy trong thời đại hiện nay theo mô hình và nội dung mới.
Văn bia xây dựng trường học ở Khê Hồi. |
Đặc biệt, ở Khê Hồi xuất hiện một gia đình nổi danh khoa bảng đó là họ Từ, dòng họ này cũng được mệnh danh là “họ Tiến sĩ”. Các dòng họ khác cũng ganh đua mà ra sức học tập nên đạt được những thành tựu lớn, xứng đáng là đất học của vùng Thượng Phúc xưa.
Trong đó có Từ Đạm sinh năm Nhâm Tuất (1862). Ông là con Cử nhân Từ Tế, và là anh trai Phó bảng Từ Thiệp. Nguồn sử liệu cho biết, vào năm Giáp Ngọ (1894) đời vua Thành Thái, Từ Đạm thi đỗ Cử nhân, năm sau (1895) thi đỗ Tiến sĩ. Tại Văn Thánh Huế còn tấm bia đá khắc chung họ tên Tiến sĩ cả hai khoa Nhâm Thìn (1892) và Ất Mùi (1895). Khoa trước lưu danh những Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Thượng Hiền, Chu Mạnh Trinh.
Khoa sau gồm 8 ông nghè, trong đó có Từ Đạm đỗ hạng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân với mấy dòng chú dẫn: “Thành Thái lục niên Giáp Ngọ khoa cử nhân. Niên canh Nhâm Tuất, tam thập tứ tuế. Hà Nội tỉnh, Thường Tín phủ, Thượng Phúc huyện, Hà Hồi tổng, Khê Hồi xã” - Nghĩa là: Đỗ Cử nhân khoa thi Hương năm Giáp Ngọ 1894, niên hiệu Thành Thái 6, Từ Đạm chào đời năm Nhâm Tuất 1862, đỗ Tiến sĩ lúc 34 tuổi, người xã Khê Hồi, tổng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội.
Năm 1896, ông được bổ nhiệm làm Tri phủ Đa Phúc (Phúc Yên). Năm 1899 ông được bổ nhiệm làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Trong công trình “Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện (NXB Thuận Hóa, Huế, 2000), có chi tiết liên quan nhân vật Từ Đạm như sau: Ban đầu được bổ làm Tri phủ Ninh Bình, thăng dần lên Tổng đốc, từng sung đi sứ sang Pháp, thụ hàm đến Hiệp tá Đại học sĩ, mất năm Bính Tý 1936, thọ 74 tuổi. Khi mất ông được xây lăng và tẩm thờ, gọi là lăng cụ Thượng Khê. Con trai của Từ Đạm là Từ Nguyên Mạc cũng đỗ Cử nhân.
Em trai Từ Đạm là Từ Thiệp đỗ Phó bảng cùng khoa thi với anh. Từ Thiệp được triều đình nhà Nguyễn bổ làm Tổng đốc Nam Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay), ông cũng được cử làm Chánh chủ khảo khoa thi Hương tại trường thi Nam Định vào năm 1906.
Nối đời đỗ đạt
Tượng cố GS Từ Giấy tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. |
Người tiếp theo là Từ Hữu (Huyện Hữu) cũng là người hay chữ và đỗ đạt cao và làm Tri huyện Thường Tín. Các con, cháu của Từ Hữu cũng đều đỗ đạt, có 4 vị đỗ Tiến sĩ thời sau này, đó là: Từ Ngọc Tỉnh sinh năm 1929 - Tiến sĩ Toán học tại Pháp, Từ Ngọc Đỉnh sinh năm 1931 - Tiến sĩ Luật khoa, chuyên gia Ngân hàng Thế giới, Từ Ngọc Phong sinh năm 1932 - Tiến sĩ Luật khoa, Từ Ngọc Quang sinh năm 1933 - Tiến sĩ, bác sĩ y khoa Hoa Kỳ.
Dòng họ Từ còn thể hiện truyền thống khoa bảng với rất nhiều thầy đồ, nhiều người làm chánh tổng, hào lý nổi tiếng ở địa phương. Trong đó có Từ Giấy (1921 – 2009). Thuở thiếu niên, Từ Giấy đã đỗ đầu cuộc thi luận Quốc văn toàn tỉnh Hà Đông khi mới 16 tuổi.
Trong đề thi của cuộc luận văn do người Pháp tổ chức có câu hỏi: “Nếu cho em ba điều ước, em sẽ ước gì?”. Không mất quá nhiều thời gian, thiếu niên Từ Giấy đã đưa ra câu trả lời ngắn gọn theo thứ tự ưu tiên như sau: “Sức khỏe, trí thông minh và sự khôn ngoan”.
Giải Nhất cuộc thi văn toàn tỉnh Hà Đông nghe kể được 60 đồng bạc Đông Dương. Rất có giá trị vào thời điểm đó khi một tạ gạo chỉ có giá 5 đồng. Nhưng cuộc thi còn mang một ý nghĩa khác, điều ước đầu tiên trong câu trả lời đã gắn chặt với cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư Từ Giấy.
Năm 1943, người con ưu tú của làng Khê Hồi tốt nghiệp Tú tài xuất sắc tại Trường Bưởi (Hà Nội) và cũng ngay năm đó thi đỗ vào Trường Đại học Y Dược Hà Nội. Cũng cần phải nhắc lại rằng ngày đó, chỉ tiêu trúng tuyển của trường này chỉ có 200 người, hết năm thứ nhất sàng lọc chỉ còn 40 người, tức là sẽ có đến 160 người không đáp ứng được yêu cầu. Đến năm cuối thường chỉ trụ lại được không quá 10 người.
Từ Giấy tham gia quân đội năm 1945, phục vụ chiến đấu, bảo vệ sức khỏe bộ đội, nghiên cứu trong quân đội trong 2 cuộc kháng chiến. Các con cháu của GS Từ Giấy cũng là những trí thức có tiếng - 3 người con trai của ông đều có những đóng góp đáng kể, đó là: Đại tá - AHLLVT Từ Đễ, Thiếu tướng Từ Linh, Tiến sĩ dinh dưỡng Từ Ngữ…
Trường học Khê Hồi xây dựng năm 1925. |
Ngày nay, chẳng phải là thời buổi kẻ trí đè nén người ngây, kẻ khôn bức bách người dại đó ư! Lấy trí đè nén người ngây, thì người ngây lại càng hại. Lấy khôn bức bách người dại, thì người dại lại càng thua. Muốn chữa sự ngây dại để khỏi bị người ta đè nén, bức bách, thì chẳng gì bằng học hành, chẳng gì bằng cho con em mình vào trường học. Học chữ Nho khó lắm thay, chẳng như cái thuận lợi của việc học chữ Quốc ngữ, vừa nhanh, vừa tiện, phải học nhanh lấy chữ Thái Tây (chữ Pháp), để rộng đường sinh nhai kiếm sống. Chính vì thế, mà trường học làng ta được xây dựng vậy... – Trích “Bài ký văn bia về việc xây dựng trường học ở Khê Hồi”.