Đất Sen hồng không ngừng học tập

GD&TĐ - Đồng Tháp có 2 thành phố được UNESCO công nhận Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu.

Đất Sen hồng không ngừng học tập

Để đạt được thành quả này, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục có sự đầu tư lâu dài và phấn đấu không ngưng nghỉ.

Nỗ lực của thủ phủ đất Sen hồng

Viện Học tập suốt đời của UNESCO (UNESCO Institute for Lifelong Learning), một trung tâm nghiên cứu xuất sắc về học tập suốt đời, đã tiến hành xây dựng “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu UNESCO” vào năm 2012. Mạng lưới này cho phép các thành phố tăng cường trao đổi quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, cũng như các kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng một “thành phố học tập”.

“Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO” sẽ được trao cho các thành phố đạt được tiến bộ đột phá với các nền tảng: (1) Thúc đẩy cơ hội học tập từ cơ bản tới đại học một cách bình đẳng cho mọi người; (2) Thúc đẩy học tập trong gia đình và trong cộng đồng; (3) Tạo điều kiện học tập phục vụ công việc và tại nơi làm việc; (4) Mở rộng việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại; (5) Tăng cường chất lượng và tính toàn diện trong học tập; (6) Thúc đẩy văn hóa học suốt đời.

Ngày 5/9/2022, TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) ‐ Thủ phủ Đất Sen hồng được UNESCO công nhận Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu. Để đạt được danh hiệu Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, cả quá trình dài, TP Cao Lãnh phải nỗ lực phấn đấu, đảm bảo đạt 3 nội dung, 12 tiêu chuẩn và 33 tiêu chí.

Trong đó, nổi bật là tỷ lệ trẻ em đạt chuẩn Phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 đạt 100%. Người trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 đạt trên 99%; 100% cán bộ quản lý trường học và giáo viên đạt chuẩn theo quy định.

100% xã, phường đều có thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả; Xây dựng đơn vị học tập đạt trên 95%, chỉ tiêu gia đình học tập đạt 97% cùng mô hình cộng đồng học tập đạt 100%...

Cao Lãnh được công nhận Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu không chỉ là vinh dự của người dân thành phố vốn có truyền thống yêu nước, hiếu học mà còn là niềm tự hào của cả quê hương đất Sen hồng Đồng Tháp.

Cao Lãnh có bề dày lịch sử và truyền thống yêu nước, nơi hội tụ những nhân tài tại vùng đất địa linh nhân kiệt. Tinh thần hiếu học của nhân dân luôn được đánh giá cao; hệ thống trường lớp, chất lượng giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố không ngừng phát triển.

Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT TP Cao Lãnh, chất lượng giáo dục đại trà nói chung ở các ngành học, bậc học trên địa bàn thành phố luôn ổn định và được nâng cao.

Công tác đổi mới phương pháp dạy học cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được các trường quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Mạng lưới trường lớp trên địa bàn tương đối hoàn chỉnh. Để có được kết quả như ngày hôm nay, TP Cao Lãnh đã làm tốt việc phát động các phong trào khuyến học, khuyến tài từ nội thị đến các vùng ven.

Từ các mô hình nhỏ trong từng gia đình, dòng tộc, trong khóm ấp đã thực sự lan tỏa thông điệp cùng nhau thi đua theo phương châm cá nhân học tập, gia đình học tập và cả cộng đồng học tập, để thành phố đã và đang trở thành một xã hội học tập.

Chia sẻ về thành quả mà thành phố đạt được, ông Võ Phan Thành Minh, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh cho biết, bản thân rất xúc động, tự hào, nhất là được sinh ra, lớn lên tại thành phố.

Theo ông Minh, một trong những giải pháp mà Cao Lãnh tiếp tục triển khai và phát huy thế mạnh chính là đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.

Đồng thời, thành phố nâng cao công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của tiêu chuẩn, tiêu chí danh hiệu Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu; tập trung đầu tư, cơ sở vật chất để đáp ứng việc giảng dạy, học tập trong tình hình mới, đặc biệt là tiếp cận với công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, Cao Lãnh cũng đã tổ chức, nhân rộng mô hình khuyến học khuyến tài, xã hội hóa; vận động các mạnh thường quân có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục tham gia vào công tác giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.

Nhiều năm qua, Cao Lãnh thực hiện tốt chủ trương phát huy sự tự nguyện, tham gia tích cực của cá nhân trong từng gia đình, cộng đồng dân cư trong công tác khuyến học, khuyến tài, từ đó thúc đẩy sự gắn kết xã hội thông qua các phong trào, các mô hình học tập của hội khuyến học các cấp.

Đây là những yếu tố căn cơ, là giải pháp có ý nghĩa tích cực để thành phố đạt nhiều kết quả thiết thực về chất lượng giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng thuận phát huy truyền thống hiếu học để lan tỏa tinh thần không ngừng học tập trong tất cả cộng đồng dân cư, cùng tham gia khuyến học, khuyến tài, hướng đến xây dựng một xã hội học tập để chất lượng cuộc sống không ngừng phát triển.

Dòng họ hiếu học họ Lê (phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp).

Dòng họ hiếu học họ Lê (phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp).

Khuyến học, khuyến tài "nở hoa"

Tháng 9/2020, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) được UNESCO công nhận là Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu. Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Sa Đéc, việc đưa Sa Đéc trở thành Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu đã được ngành Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học và Khoa học Lịch sử đưa vào Nghị quyết Đại hội Hội Khuyến học thành phố nhiệm kỳ 2016 ‐ 2020; trong đó phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt được danh hiệu này.

Động cơ giúp Sa Đéc xây dựng thành phố học tập là nhằm thúc đẩy cơ hội học tập từ cơ bản đến đại học một cách bình đẳng cho mọi người, thúc đẩy việc học trong gia đình và trong cộng đồng; tạo điều kiện học cho công việc và tại nơi làm việc; mở rộng việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại; tăng cường chất lượng và tính toàn diện trong học tập; xây dựng văn hóa học tập suốt đời…

Sa Đéc là địa phương đất hẹp, người đông và đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Người dân thành phố không thể sinh sống hoàn toàn dựa vào sản xuất nông nghiệp truyền thống, làm các ngành nghề lao động thủ công phải sử dụng nhiều sức lực nhưng rất bấp bênh về thu nhập.

Thời kỳ Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, khoa học và công nghệ đang phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ thì chỉ có con đường học tập mới thực sự mang đến cho người dân Sa Đéc một cuộc sống ổn định, kinh tế thành phố mới phát triển bền vững trong tương lai.

Ông Nguyễn Công Hiếu, Trưởng phòng GD&ĐT TP Sa Đéc cho biết, được UNESCO công nhận là Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu giúp địa phương có điều kiện trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành viên khác trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó thành phố còn được tiếp cận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục, có cơ hội cập nhật kiến thức và thực tiễn tại các hội thảo, hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO. Ngành Giáo dục thành phố thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc công tác triển khai, thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng Thành phố học tập, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn, tiêu chí đã đạt được...

Nền tảng để xây dựng Sa Đéc trở thành Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu chính là sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất, nhân sự,chuyên môn nghiệp vụ và kinh phí hoạt động hằng năm cho Trung tâm Văn hóa ‐ Học tập cộng đồng các xã, phường trên địa bàn.

Học sinh Trường THCS Kim Hồng, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Học sinh Trường THCS Kim Hồng, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Thành phố đã củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình đã thực hiện từ nhiều năm qua như: Tổ Dân phòng ‐ Khuyến học; Tổ Dân phố ‐ Khuyến học; Tổ Nhân dân tự quản ‐ Khuyến học; Góc học tập tại gia đình;Gia đình hiếu học; Gia đình học tập; Dòng họ hiếu học; Dòng họ học tập; Đơn vị học tập và Cộng đồng học tập cấp xã...

Bên cạnh đó, nội dung hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được lồng ghép trong hoạt động của các tổ chức chính trị ‐ xã hội, đoàn thể các cấp như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức, thông qua tổ chức sự kiện, tuyên truyền gương sáng hiếu học, trao quà, cấp học bổng cho học sinh và sinh viên nghèo hiếu học.

Theo bà Trần Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Khuyến học và Khoa học Lịch sử TP Sa Đéc, để xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn, tiêu chí của Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu, hội tiếp tục thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài.

Tham gia vận động các cá nhân,tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu; Hình thành thói quen học tập suốt đời thông qua việc đọc sách, báo, tạp chí để cập nhật kiến thức... Đặc biệt,thành phố chú trọng nâng chất các mô hình Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập... hướng đến xây dựng xã hội học tập.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận TP Sa Đéc là Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu. Đến tháng 9/2022, UNESCO tiếp tục công nhận TP Cao Lãnh.

Tại Việt Nam, các địa phương được UNESCO công nhận Mạng lưới các thành phố học tập gồm TP Hải Dương (năm 2015), TP Hồ Chí Minh (2015), TP Vinh (2020). Toàn cầu hiện có 76 thành phố từ 43 quốc gia được công nhận là Mạng lưới các thành phố học tập. Đây là giải thưởng tôn vinh cho những nỗ lực vượt bậc trong xây dựng thành phố học tập, thúc đẩy học tập suốt đời trong cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.