Đào tạo văn bằng 2: Phải tuân thủ quy định về bảo đảm chất lượng

GD&TĐ - Đánh giá đào tạo văn bằng 2 là đáp ứng nhu cầu chính đáng của người học, một số chuyên gia đồng thời đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng với hình thức đào tạo này.

Quy trình đào tạo văn bằng 2 phải tuân thủ theo luật.	Ảnh: Hữu Cường
Quy trình đào tạo văn bằng 2 phải tuân thủ theo luật. Ảnh: Hữu Cường

Quy định khung nhóm ngành được đào tạo văn bằng 2?

Theo TS Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), nội dung, cấu trúc chương trình đào tạo, mục tiêu của đào tạo văn bằng 2 không nằm ngoài việc cung cấp thêm cơ hội trang bị bổ sung hệ thống các kiến thức, kĩ năng, năng lực nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu việc làm của cá nhân, dù trước đó người học đã từng được đào tạo và có 1 bằng đại học.

Về nguyên tắc, tất cả các chương trình đào tạo đều bình đẳng như nhau về mặt cấu trúc, thời lượng, chuẩn đầu ra… nên không thể coi bằng 2 thấp hơn bằng 1. Nhấn mạnh điều này, TS Tôn Quang Cường cho biết: Trên thực tế, một số cơ sở giáo dục đại học có triển khai mô hình đào tạo song bằng (song song 2 ngành), ngành chính ngành phụ… để tại một thời điểm nào đó người học có thể lấy 2 bằng đại học (cùng lúc hoặc cách nhau lần lượt về thời gian).

Đây là cách linh hoạt để thực hiện đào tạo có hiệu quả về các mặt. Việc triển khai “bằng 2” có thể được rút ngắn về thời gian (do trừ đi các học phần đã tích lũy từ trước, tăng lịch học…) mà vẫn đảm bảo được yêu cầu. Theo Khung trình độ quốc gia thì đào tạo trình độ đại học (bậc 6) có thể từ 3 - 5 năm. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều đơn vị đã “lách luật” theo cách này để đào tạo “bằng 2” mà không quan tâm đến chất lượng.

“Để hạn chế tình trạng này cần có những văn bản qui phạm pháp luật qui định khung nhóm ngành được đào tạo “văn bằng 2”, kiểu như qui định cho nhóm ngành đào tạo giáo viên là một ví dụ. Đồng thời, nên thiết kế các chương trình đào tạo “bằng 2” theo hướng tích hợp và liên thông mạnh trong khung nhóm ngành được đào tạo để tận dụng các học phần chung, nguồn lực đội ngũ giảng viên, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian vật chất và tăng hiệu quả đào tạo” - TS Tôn Quang Cường chia sẻ.

Việc triển khai “bằng 2” có thể được rút ngắn về thời gian (do trừ đi các học phần đã tích lũy từ trước, tăng lịch học…) mà vẫn đảm bảo được yêu cầu. Ảnh minh họa/ Internet
Việc triển khai “bằng 2” có thể được rút ngắn về thời gian (do trừ đi các học phần đã tích lũy từ trước, tăng lịch học…) mà vẫn đảm bảo được yêu cầu. Ảnh minh họa/ Internet 

Về triển khai chương trình, đảm bảo chất lượng, theo TS Tôn Quang Cường, dù đào tạo “bằng 2” hay “bằng 1” vẫn phải tuân thủ các qui định về triển khai chương trình giáo dục, đảm bảo chất lượng… theo Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Khung trình độ quốc gia. Tùy điều kiện cụ thể, mỗi cơ sở đào tạo có thể thiết kế riêng tiến trình đào tạo linh hoạt, phù hợp, đa dạng để đáp ứng nhu cầu thực của người học. Ví dụ, phương thức chính qui hay không chính qui, tích hợp các lớp môn học cùng với người học “bằng 1”, công nhận tín chỉ tương đương, miễn trừ học phần đã tích lũy, mở học kì hè… để giảm thời gian vật chất cho người học…

 Vì chất lượng nguồn nhân lực, cho nên từ cơ quan ban hành luật (Quốc hội) đến các cơ quan thực thi và chấp hành pháp luật, kể cả cơ quan sử dụng lao động, cần tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng thật của hình thức đào tạo này để có giải pháp cụ thể cho từng vấn đề như về quản lý, tổ chức đào tạo, cách dạy, cách học, cách kiểm tra, thi…
TS Phan Văn Nhẫn chia sẻ.  

Để đảm bảo chất lượng đào tạo văn bằng 2, TS Phan Văn Nhẫn – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang – cho rằng, trước hết, cơ sở đào tạo cần có cái “tâm”, xác định được sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Cùng với đó, về phía cơ quan quản lý cần quan tâm, siết chặt quản lý loại hình đào tạo này; nghiêm cấm các tổ chức đào tạo không đảm bảo chất lượng. Với người học, cần tự xác định mình học để phát triển chuyên môn, nâng cao trình độ, không phải để làm đẹp hồ sơ, hợp thức hoá hồ sơ.

Có nên gọi là “văn bằng 2”?

Câu hỏi này được TS Tôn Quang Cường đặt ra. TS Tôn Quang Cường băn khoăn: Chúng ta gọi “bằng thứ 2” là thể hiện trong mối quan hệ nào? Vì nếu là trong mối quan hệ với “chủ sở hữu tấm bằng” thì sẽ có “bằng thứ 3, bằng thứ 4… Nhất là trong bối cảnh hiện nay cơ hội học tập đã mở hơn rất nhiều, người học có thể học nhiều chương trình đào tạo (nếu có nhu cầu). Chính cách gọi này đã phần nào tạo nên một sự “phân biệt đối xử” với chương trình đào tạo cũng như những học viên tham gia chương trình này trong xã hội.

Còn nếu trong mối quan hệ với chính chương trình này (nhưng được đào tạo theo cái gọi là bằng thứ nhất của cùng một cơ sở đào tạo) lại càng không ổn. Lí do: các chương trình đào tạo đại học đều phải tuân thủ theo qui định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Khung trình độ quốc gia… Không thể có chuyện nội dung chương trình đào tạo “bằng 2” lại kém hoặc không đảm bảo chất lượng như “bằng 1” được.

Cách gọi này còn tồn tại thì chỉ còn duy nhất một lí do. Đó là mối quan hệ của nó với điều kiện để tuyển sinh, tham gia vào chương trình đào tạo của học viên: Muốn học “bằng 2” thì trước tiên phải tốt nghiệp trình độ đại học và có “bằng 1”. Nhưng điều này cũng cần phải xem xét lại, vì trên thực tế nhiều chương trình “bằng 2” không có liên quan trực tiếp, mật thiết gì với “bằng 1” mà học viên đang sở hữu. Ví dụ: Người tốt nghiệp “bằng 1” về sư phạm cũng có thể đăng kí học “bằng 2” kinh tế, luật, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, quản trị kinh doanh…

“Tôi cho rằng, không nên để tên gọi “bằng 2” mà chỉ nên để là bằng tốt nghiệp đại học như bình thường. Để có thể tham gia chương trình đào tạo, hoàn thành nó và được cấp bằng, người học phải thỏa mãn những điều kiện, yêu cầu riêng về đầu vào mà thôi. Còn yêu cầu đầu ra vẫn phải như “bằng 1”. Ở nước ngoài không phân biệt bằng thứ nhất hay hay bằng thứ hai. Nên học tập, cải tiến theo hướng này”TS Tôn Quang Cường nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ