* Trong bối cảnh hiện nay, đào tạo văn bằng 2 có còn cần thiết, thưa ông?
- Văn bằng đại học thứ hai là văn bằng cấp cho những người đã có ít nhất một bằng tốt nghiệp đại học, sau khi hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo đại học của ngành đào tạo mới, có đủ điều kiện để công nhận và cấp bằng tốt nghiệp đại học. Vì vậy, việc đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai có ý nghĩa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và nâng cao tính thích ứng của nguồn nhân lực trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Theo khảo sát sơ bộ, đối với bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu học văn bằng đại học thứ hai còn rất nhiều, và đây thật sự là nhu cầu học tập chính đáng để đáp ứng yêu cầu mới theo vị trí việc làm của người lao động, công chức và viên chức trong bối cảnh vận động thay đổi nhanh chóng của xã hội, nhất là công nghệ.
- NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp
* Ông nhận định thế nào về chất lượng đào tạo văn bằng 2 hiện nay?
- Tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với rất nhiều cử nhân tốt nghiệp văn bằng đại học 2. Đa số họ đều rất giỏi. Họ tham gia học văn bằng 2 với nhiều mục đích: Để bổ sung và cập nhật thêm kiến thức, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn theo vị trí công tác, để đủ điều kiện học sau đại học... Và cũng có người học văn bằng 2 vì nhu cầu học tập tự thân, vì đam mê và yêu thích ngành học đó, mà trước đây chưa có điều kiện theo đuổi.
Cho nên, chất lượng đào tạo văn bằng 2 phụ thuộc trước hết vào “mục tiêu học tập” của chính người học; sau đó đến vai trò của người dạy, chương trình đào tạo, quy trình về kiểm tra đánh giá và khâu quản lý của cơ sở đào tạo. Tôi tin rằng, các cơ sở đào tạo đều quan tâm và coi trọng chất lượng đào tạo văn bằng 2. Bởi trong môi trường cạnh tranh hiện nay, uy tín về chất lượng và danh tiếng của cơ sở đào tạo mới là lợi thế cạnh tranh có tính chất quyết định nhất về lâu dài.
Nhiều người học văn bằng 2 vì nhu cầu học tập tự thân. Ảnh minh họa |
* Ông có băn khoăn gì về thực trạng quản lý về đào tạo văn bằng 2 hiện nay hay không? Theo ông, cần làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo văn bằng 2 hơn nữa?
- Quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT về đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai đã quy định rất chặt chẽ các nội dung: Điều kiện để học bằng đại học thứ hai của người học; điều kiện để được đào tạo bằng đại học thứ hai của cơ sở đào tạo; tuyển sinh; chương trình đào tạo và bảo lưu kiến thức; tổ chức đào tạo; đánh giá kết quả học tập; xét công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng; báo cáo và quản lý hồ sơ học tập; kinh phí đào tạo. Tôi cho rằng, người học, cơ sở đào tạo và các bên liên quan cùng thực hiện theo đúng các quy định này thì chất lượng đào tạo văn bằng 2 sẽ luôn được bảo đảm.
Với Trường ĐH Đồng Tháp, đào tạo văn bằng 2 được thực hiện theo quy chế đào tạo của hệ thống tín chỉ, nên người học chủ động tham gia học tập tích lũy kiến thức theo kế hoạch do chính mình xây dựng, chủ động về thời gian, được chọn giảng viên giỏi để học. Đồng thời, công tác đào tạo văn bằng 2 của trường được quản lý theo quy trình ISO, quy trình bảo đảm chất lượng khép kín và có cải tiến chất lượng theo chu kỳ.
Các nhà nghiên cứu về giáo dục có chỉ ra một số thay đổi mang tính xu hướng của nền giáo dục 4.0 là: Mục tiêu học tập được mở rộng; người dạy là người kết nối; tự học là yêu cầu bắt buộc; độ tuổi học tập kéo dài suốt đời. Vì vậy, đào tạo văn bằng 2 vẫn sẽ đóng vai trò lịch sử quan trọng trong bối cảnh mới.
Vấn đề còn lại là cần có “thỏa ước về chất lượng giữa người học, người dạy và các bên liên quan” để công tác đào tạo văn bằng 2 vừa đáp ứng được yêu cầu học tập tự thân của người học, vừa nhận được sự đánh giá tích cực, sự công nhận một cách chính danh từ xã hội.
* Xin cảm ơn ông!