Đào tạo theo đơn đặt hàng: Trường sư phạm tận dụng "cơ hội vàng"

GD&TĐ - Năm 2021, kết quả tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên đạt cao nhất trong một vài năm gần đây.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế). Ảnh minh họa: TG - NTCC
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế). Ảnh minh họa: TG - NTCC

Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ GD&ĐT, năm nay, các cơ sở đào tạo giáo viên tiếp tục có giải pháp mới nhằm thu hút nhiều thí sinh giỏi tham gia đăng ký xét tuyển.

Đồng hành cùng chương trình mới

GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội)  - cho hay: Mùa tuyển sinh năm nay, nhà trường cơ bản giữ ổn định như năm trước - với khoảng 1.000 chỉ tiêu cho 5 nhóm ngành/ngành; trong đó các ngành sư phạm chiếm khoảng 65% chỉ tiêu, bao gồm: Nhóm ngành Sư phạm Toán và Khoa học tự nhiên (GD1), Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Lịch sử và Địa lý (GD2); Nhóm ngành Khoa học giáo dục và khác (GD3); Ngành Giáo dục Tiểu học (GD4); Ngành Giáo dục Mầm non (GD5).

Nhà trường vẫn duy trì 5 phương thức tuyển sinh; tuy nhiên, chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội tăng so với năm ngoái (chiếm khoảng 20% chỉ tiêu). Ngoài việc xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (chiếm khoảng 75% chỉ tiêu), nhà trường vẫn duy trì các phương thức xét tuyển khác như: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế (SAT, A-Level, ACT, IELTS) kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022. “Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Giáo dục Mầm non, nhà trường tổ chức đánh giá năng khiếu của thí sinh” - GS.TS Nguyễn Quý Thanh thông tin.

Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, những năm gần đây, điểm chuẩn tuyển sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên của Trường ĐH Giáo dục thuộc tốp cao trong hệ thống các trường đào tạo sư phạm. Một số ngành có điểm chuẩn rất cao như: Giáo dục Tiểu học, nhóm ngành GD1, GD2. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện việc miễn giảm học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ, các trường sư phạm vẫn gặp khó khăn trong khâu đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ từ địa phương.

“Năm 2022, nhà trường thực hiện tuyển sinh theo quyết định giao chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội. Tùy thuộc vào ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, Hội đồng tuyển sinh trường sẽ xem xét để xác định số lượng tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu được giao” - GS.TS Nguyễn Quý Thanh chia sẻ.

Với dự kiến gần 3.600 chỉ tiêu cho các ngành đào tạo giáo viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) áp dụng 5 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển dựa vào học bạ; kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022; kết hợp học bạ và thi tuyển năng khiếu hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp thi năng khiếu (đối với các ngành năng khiếu); xét tuyển thẳng và ưu tiên theo Quy chế tuyển sinh hiện hành và xét tuyển theo phương thức tuyển sinh của ĐH Huế.

PGS.TS Nguyễn Thành Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) - nhấn mạnh: Chủ trương của trường là ổn định công tác tuyển sinh. Năm ngoái, công tác tuyển sinh của nhà trường khá tốt, đặc biệt một số ngành Giáo dục Tiểu học, Mầm non và một số ngành mới như Giáo dục pháp luật, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý… “Năm nay, chúng tôi tiếp tục tuyển sinh những ngành này nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên. Ảnh minh họa: TG - NTCC
Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên. Ảnh minh họa: TG - NTCC

Chú trọng chất lượng

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), năm 2021 với gần 50.000 chỉ tiêu, kết quả tuyển sinh sư phạm tiệm cận được mục tiêu Bộ giao, đạt 95,81%; năm 2020 tỷ lệ này là 61,58%. Số cơ sở đào tạo tuyển sinh đủ chỉ tiêu đã tăng từ 33,95% năm 2020 lên 41,82% năm 2021. Điểm trúng tuyển của khối sư phạm tăng; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển tăng; mặt bằng điểm trúng tuyển của các ngành sức khỏe đồng đều hơn so với các năm trước. Năm 2022, Bộ tiếp tục rà soát nhu cầu của các địa phương, năng lực của cơ sở đào tạo, xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đối với một số bộ môn còn thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT cho phép trường sư phạm tuyển sinh tối đa theo năng lực đào tạo và theo chỉ tiêu đăng ký. Bộ sẽ quy định ngưỡng đầu vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên đối với phương thức tuyển sinh đào tạo chính quy sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Đối với tuyển sinh đào tạo hình thức khác chính quy hoặc đối với thí sinh không dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm tuyển sinh, dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đề xuất: Thí sinh đạt ngưỡng đầu vào nhóm ngành đào tạo giáo viên khi có học lực lớp 12 xếp loại từ giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên; trừ các ngành Giáo dục thể chất và Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật; ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng. Với những ngành này, thí sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

Riêng với trường hợp thuộc diện tuyển thẳng theo quy định tại Điều 8 Quy chế này; thí sinh là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đoạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế, thí sinh ngành Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật có điểm thi năng khiếu do cơ sở đào tạo tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9,0 trở lên theo thang điểm 10,0) khi đăng ký xét tuyển vào các ngành phù hợp không phải áp dụng ngưỡng đầu vào.

Căn cứ yêu cầu bảo đảm chất lượng, cơ sở đào tạo xác định và công bố ngưỡng đầu vào cho các ngành, nhóm ngành và phương thức tuyển sinh trước thời gian kết thúc đăng ký dự tuyển ít nhất 10 ngày. Đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, ngưỡng đầu vào do cơ sở đào tạo xác định không được thấp hơn ngưỡng đầu vào do Bộ quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.