Đặt hàng đào tạo giáo viên: Vì sao ít địa phương “vào cuộc”?

GD&TĐ - Hiện chưa có nhiều địa phương triển khai theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.

Nhiều chính sách ưu đãi đối với sinh viên giỏi lựa chọn ngành học sư phạm. Ảnh minh họa
Nhiều chính sách ưu đãi đối với sinh viên giỏi lựa chọn ngành học sư phạm. Ảnh minh họa

Thực tế trên được TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) lý giải ở nhiều góc độ.

Những khó khăn bước đầu triển khai

- Cho đến thời điểm này, số các địa phương triển khai thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên ra sao, thưa ông?

- Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020, áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định là quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Hằng năm, căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên, xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm phù hợp nhu cầu sử dụng.

Sau gần 1 năm, theo số liệu mà Bộ GD&ĐT nắm được, mới có một số địa phương triển khai theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên.

- Ông lý giải thế nào về hiện tượng trên?

- Qua nắm bắt tình hình thực tiễn triển khai ở các địa phương, chúng tôi cho rằng có một số lý do sau:

Thứ nhất, phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên để đào tạo giáo viên cho các địa phương là vấn đề mới. Để đặt hàng đào tạo giáo viên, Ủy ban nhân dân các tỉnh phải rà soát, tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh. Việc này cũng đòi hỏi nhiều thời gian và có sự tham gia của các cấp, ngành tại địa phương. Vì vậy bước đầu triển khai, các địa phương cũng ít nhiều có lúng túng.

Thứ hai, Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, khi đó kế hoạch ngân sách của các địa phương năm 2021 đã được xây dựng, phê duyệt nên có khó khăn trong bố trí nguồn ngân sách thực hiện Nghị định 116.

Thứ ba, một số địa phương còn thấy vướng mắc về mặt pháp lý khi thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, trong khi việc tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Nếu đặt hàng đào tạo, sau này người được đặt hàng cũng phải tham gia tuyển dụng, nếu không đạt thì không được vào ngành. Trong khi đó, những sinh viên tốt nghiệp sư phạm không phải do địa phương đặt hàng vẫn có quyền thi tuyển biên chế bình đẳng với sinh viên đăng ký theo diện đặt hàng.

Bên cạnh đó là những băn khoăn về thủ tục theo dõi, đôn đốc và thu hồi tiền bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với các trường hợp phải bồi hoàn theo quy định. Khi chưa được tuyển dụng vào ngành, các sinh viên sư phạm không phải là viên chức Nhà nước nên việc quản lý rất khó, địa phương nếu có đặt hàng đào tạo cũng không đủ điều kiện và nhân lực để giám sát, đôn đốc, thu hồi tiền bồi hoàn kinh phí của sinh viên được.

Thứ tư, ở một số địa phương, nguồn tuyển giáo viên khá dồi dào nên không thực hiện việc đặt hàng đào tạo giáo viên cho địa phương.

Đặt hàng đào tạo giáo viên: Vì sao ít địa phương “vào cuộc”? ảnh 1

Cơ hội việc làm, không phải bồi hoàn kinh phí đào tạo là rất lớn

- Liên quan đến vướng mắc khi thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, trong khi việc tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP, theo ông giải pháp tháo gỡ là gì?

- Cho đến thời điểm này, việc tuyển dụng giáo viên cho các trường công lập thực hiện theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, vì vậy trong quá trình tuyển dụng sẽ có thể có những người trong diện đặt hàng đào tạo không trúng tuyển vào ngành.

Tuy nhiên, việc bồi hoàn kinh phí thì cần hiểu rõ về phạm vi, đối tượng phải bồi hoàn. Tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị định 116 quy định về “sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp công tác trong ngành Giáo dục” với phạm vi khá rộng, bao gồm: Giáo viên, giảng viên làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu hoặc chuyên môn, viên chức làm công tác quản lý trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ sở giáo dục khác được cấp có thẩm quyền cho phép thành lập, cơ quan nghiên cứu khoa học về giáo dục và đào tạo; công chức, viên chức làm việc tại cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục theo quy định của Nghị định quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.

Điều này có nghĩa là cơ hội để tìm được việc làm và không phải bồi hoàn kinh phí của sinh viên sư phạm rất lớn, không chỉ giới hạn trong phạm vi trở thành viên chức Nhà nước, chỉ công tác trong các cơ sở giáo dục công lập. Chính vì lẽ đó, chính sách hỗ trợ tại Nghị định 116 đã tạo ra sức hút lớn đối với ngành Giáo dục và thực tế thông tin bước đầu trong mùa tuyển sinh năm nay, số lượng học sinh đăng ký dự tuyển khối ngành Sư phạm đã tăng lên. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành Giáo dục vì chúng ta có cơ hội tốt hơn để lựa chọn những học sinh giỏi vào ngành.

Các địa phương cũng cần nghiên cứu xây dựng tiêu chí tuyển dụng phù hợp; có những yêu cầu chặt chẽ về chất lượng học tập cũng như chấp hành sự phân công công tác sau khi tốt nghiệp của sinh viên tham gia chương trình này để bảo đảm việc thực hiện Nghị định 116 đúng như mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.