(GD&TĐ) - Ngày 28/9, tại trường ĐH Tây Nguyên, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị về “Đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên”. Hơn 100 đại biểu đã về dự.
Bức tranh đào tạo nhân lực còn nhiều nan giải
Tây Nguyên bao gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên 54.470 km2 (chiếm 16,3% diện tích cả nước). Dân số hơn 5,2 triệu người (đồng bào dân tộc thiểu số có 1.970.877 người). Toàn vùng hiện có 283 xã đồng bào DTTS sinh sống. Có 199 xã được xác định là trọng điểm về an ninh chính trị và 276 xã đặc biệt khó khăn.
Hội nghị này nhằm tìm các giải pháp hữu hiệu về đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên và các vùng phụ cận, theo Quyết định số 1951/2011/QĐ-TTg ngày 1/11/2011 của Thủ tướng “về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giápTây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015”.
Tây Nguyên hiện có 20 trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề,trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề (ĐH, CĐ, CĐN,TCCN, TCN), đang đào tạo 44 chuyên ngành hệ chính quy, 8 chuyên ngành sau ĐH. Các trường ĐH và phân hiệu ĐH tại Tây Nguyên hiện đang có gần 42.000 sinh viên (SV) theo học, trong đó có hơn 4.000 SV dân tộc thiểu số (DTTS) - chiếm tỉ lệ trên 10%. ĐH Tây Nguyên có gần 11.000 SV, học viên (HV); ĐH Đà lạt có gần 18. 000 SV, HV; ĐH Nông Lâm TPHCM tại Gia Lai có trên 2.400 SV, HV… là 3 cơ sở đào tạo có quy mô lớn nhất khu vực.
Kết quả đào tạo mấy năm gần đây của các trường ĐH và phân hiệu ĐH tại Tây Nguyên khoảng 90% SV đỗ tốt nghiệp, 60% đạt loại khá giỏi, 65% ra trường có việc làm ổn định theo đúng chuyên ngành đào tạo. Trong tổng số 962 cán bộ giảng dạy (CBGD) hiện có 611 người đạt trình độ sau ĐH - chiếm 63,5%.
Bốn trường CĐ Sư phạm (SP) ở Tây Nguyên hiện tại có 435 CBGD, trong đó số thạc sĩ, tiến sĩ là 245 người - chiếm 56,3%, với tổng số SV đang theo học là 10.422 em, ở 19 chuyên ngành đào tạo CĐ chính quy và 19 chuyên ngành liên kết đào tạo bậc ĐH. Từ 2010 về trước, SV các trường này tốt nghiệp ra trường được tuyển làm giáo viên đạt 98%.
Riêng hệ thống 10 trường CĐ và CĐN còn lại hiện có 895 CBGD, trong đó có 225 người đạt trình độ sau ĐH - chiếm 25,1%; tổng số SV, HV đang được đào tạo là 15.545 người (17,96% SV,HVDTTS). Các trường này đang đào tạo 53 ngành nghề hệ chính quy, chưa kể hệ đào tạo liên thông và liên kết. từ 2010 - 2012 đã có 12.443 SV, HV tốt nghiệp hệ chính quy, gần 15.000 HV hệ liên thông từ sơ cấp lên trung cấp, tỉ lệ SV, HV ra trường có việc làm ổn định đạt trên 85%.
Ngoài ra , Tây Nguyên còn có 17 trường TCCN và dạy nghề, hằng năm cho ra “ lò” hàng ngàn SV, HV. Theo Tổng cục Dạy nghề: trong 3 năm (2010 - 2012) ở Tây Nguyên đã tuyển sinh dạy nghề được 186.991 người, góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm cho rất nhiều thanh niên nông thôn.
Hạn chế lớn nhất của các trường chuyên nghiệp tại Tây Nguyên hiện nay: số lượng SV, HV tốt nghiệp ĐH trên địa bàn này còn thấp, mới đạt 136,60 SV/10.000 dân (trong khi yêu cầu đến năm 2015 phải đạt 180 SV/10.000 dân). Đặc biệt nỗi lo lớn nhất là: tỉ lệ SV,HV người DTTS của toàn vùng hiện mới chỉ chiếm hơn 10% trên tổng số SV,HV toàn khu vực (trong khi mục tiêu chiến lược đến 2015 số SV, HVDTTS phải đạt 18 - 20%).
Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên còn thiếu nhiều cán bộ giảng dạy (CBGD), hiện nay bình quân có 40,93 SV/01 CBGD ( yêu cầu đến 2015 phải đạt 17 - 26 SV/CBGD). Đáng lo hơn các trường ĐH và phân hiệu ĐH tại Tây Nguyên mới đạt 0,89% CBGD có bằng tiến sĩ; các trường CĐSP số tiến sĩ là 0,9%. Với các trường CĐ còn lại và CĐ nghề hiện có gần 16.000 SV,HV, nhưng chỉ có 2 tiến sĩ. Tỉ lệ này có thể nói gần như thấp nhất nước!
Hiện nay số người lao động đã qua đào tạo nghề ở Tây Nguyên còn khá thấp, chỉ đạt 26,3% (trong khi chỉ tiêu đến 2015 phải đạt 35%). Quy mô ngành nghề đào tạo chưa phong phú. Tây Nguyên là vùng sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao, nhưng ngành nghề đào tạo về chế biến sau thu hoạch chưa phát triển.
Đây là khu vực đa sắc tộc (hiện có 43 thành phần dân tộc khác nhau), phong phú về loại hình văn hóa, nhưng các ngành khoa học xã hội và nhân văn phát triển còn yếu. Nhất là việc đào tạo bác sĩ đa khoa còn rất ít.
Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu xã hội, liên kết chặt chẽ hơn với nhà trường và doanh nghiệp, tăng cường rèn luyện kĩ năng sống, kĩ năng thực hành nghề nghiệp cho SV, HV; tích cực đổi mới phương pháp dạy học (biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo); đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; đổi mới giáo trình… Đây là những giải pháp cấp bách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Tây Nguyên, được hầu hết các đại biểu dự Hội nghị nhất trí cao.
Tuy nhiên do công tác phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp THCS và THPT còn yếu kém. Đa số các em vẫn đổ xô tìm đường vào THPT; hoặc chen chân thi vào ĐH, dẫn đến hệ thống các trường CĐN, TCN, TCCN và các trung tâm dạy nghề tuyển sinh ngày càng teo tóp.
Hiệu trưởng trường CĐN Gia Lai - ông Trần Văn Kiệm - cho biết: Cái khó để các trường CĐN-TCN thu hút được SV,HV là nội dung chương trình đào tạo khá nặng nề về mặt lí thuyết. bình quân số giờ thực học ở trường CĐN là mỗi năm 3.750 tiết; trường TCN là 2.550 tiết; thời gian thực học mỗi tuần là 30 tiết bắt buộc, người dạy cũng như người học chạy theo chương trình hết sức vất vả.
Các trường nghề về chức năng nhiệm vụ cũng không khác gì các trường CĐ-TCCN khác trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng thực tế trong việc tuyển dụng SV các trường nghề vẫn chưa được công bằng… Giải quyết những bất cập này thuộc về cấp vĩ mô.
PGS.TS Nguyễn Tấn Vui – Hiệu trưởng trường ĐH Tây Nguyên - cho biết: Cần có chính sách đặc thù để đào tạo cán bộ DTTS. Hiện nay sự phát triển ồ ạt và cạnh tranh không lành mạnh của các trường ĐH cũng là một lực cản cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cần nói thêm, nguồn tài chính đầu tư cho các truờng ĐH còn eo hẹp. ĐH Tây Nguyên là trường miền núi, SV, HV chủ yếu là các đối tượng chính sách, định mức thu lại rất thấp. Do đó nguồn thu của truờng hết sức hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, rất khó để đầu tư phát triển đi lên vững chắc. Đề nghị các cơ quan chức năng, hằng năm phải triển khai sớm kế hoạch đào tạo phân bổ chỉ tiêu hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ để các trường chủ động lên chương trình đào tạo cho phù hợp….
Một giải pháp nữa không kém phần quan trọng là các trường chuyên nghiệp phải hết sức chú trọng công tác NCKH. Đó là điều mà TS Mai Xuân Trung – Phó hiệu trưởng truờng ĐH Đà Lạt - nhấn mạnh tại Hội nghị. Cũng nhờ họat động NCKH của ĐH Đà Lạt được đẩy mạnh từ nhiều năm qua, nên hằng năm nhà trường đạt trên 55.000 giờ NCKH, mỗi năm tăng trên 2.000 giờ. Nhà trường đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên bình quân mỗi năm trên 90 thạc sĩ, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề khoa học gắn chặt giữa lí luận và thực tiễn, có tính ứng dụng cao, được nhiều nhà tuyển dụng đánh giá tốt.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&DT Trần Quang Qúy cho biết: Về cơ bản các chỉ tiêu về đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên đã đạt được theo Quyết định số 1951/2011 của Thủ tướng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh chính trị của vùng đất Tây Nguyên.
Khó khăn của hệ thống các trường chuyên nghiệp ở Tây Nguyên còn nhiều, nhất là chất lượng đào tạo nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Đặc biệt việc bố trí việc làm cho các SV DTTS sau khi ra trường cần được lãnh đạo chính quyền các cấp và các ban ngành có liên quan tích cực tìm mọi cách tháo gỡ ( hiện còn hơn 3.000 SV DTTS đã có bằng tốt nghiệp ĐH-CĐ-TCCN chưa có việc làm).
Hết sức chú ý phải có nhiều chính sách đồng bộ hợp lí để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ CBGD, hiện nay mới chỉ có ĐH Tây Nguyên có trên 11% CBGD có trình độ PGS TS; ĐH Đà Lạt là trên 8%. Đây là 2 ĐH lâu đời mà tỉ lệ như vậy là vẫn còn thấp so với cả nước. Đề nghị các truờng chuyên nghiệp trong khu vực chấm dứt việc đào tạo hệ cử tuyển không kèm với chính sách bố trí việc làm sau khi ra trường cho các em. Cần tăng cường đào tạo bám sát nhu cầu thị trường lao động, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp...
Đinh Lê Yên