Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Hội Khuyến học Việt Nam trong bài viết Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chủ trương xây dựng xã hội học tập, dạy nghề cho lao động nông thôn là một hoạt động đào tạo với nhiều hình thức khác nhau: đào tạo mới, đào tạo lại để làm tốt những việc đang làm hoặc để chuyển đổi nghề, chuyển đổi việc làm theo hướng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn do yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của sự nghiệp công nghiệp hóa, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình và phát triển bền vững.
Mục tiêu cuối cùng của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là có được nhân lực chất lượng cao để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp và hàng hóa thủ công, tiểu thủ công và của những ngành nghề mới ở nông thôn.
Những thương hiệu về cà phê, hạt điều, vải thiều, cá ba sa, hàng thủ công của đồng bào thiểu số...hiện đang được thế giới quan tâm và ưa chuộng không chỉ bởi là đặc sản đơn thuần, mà còn do hàm lượng trí tuệ trong đó nhờ người dân học tập thường xuyên mà có.Đồng thời, những nghiên cứu vào các năm 2020 - 2021 đã cho thấy sản xuất nông nghiệp đang chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng cấu trúc lại và cách mạng hóa để bảo đảm cho sự phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, nắm bắt được xu hướng đổi mới hệ thống nghề ở nông thôn, từ đó có hướng đào tạo rất quan trọng. Vị chuyên gia cũng chỉ ra 4 xu thế lớn trong quá trình đổi mới hệ thống nghề ở nông thôn như sau:
Nông nghiệp thông minh
Nông nghiệp thông minh là nông nghiệp sử dụng công nghệ cao như tự động hóa, cơ giới hóa để bảo đảm sản phẩm an toàn, công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo. Người ta còn gọi nông nghiệp thông minh là nông nghiệp 4.0 và các giải pháp nói trên được gọi là “canh tác số hóa”.
Ở Việt Nam, để tránh tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún trước kia, chúng ta cố gắng ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Hiện đã có gần 3000 mô hình cánh đồng mẫu lớn (Cánh đồng lớn trồng một loại lúa, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm). Đó là mô hình sản xuất - tiêu thụ liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học). Nhà nước và doanh nghiệp đã liên kết các mặt hàng chủ lực lại với nhau.
Phát triển nông nghiệp thông minh là nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm tươi sống, tạo không gian xanh và không khí trong lành cho người dân.
Khởi nghiệp nông nghiệp
Hiện nay, nhiều startup nông nghiệp đã thành công đã cho thấy Việt Nam là đất nước nông nghiệp, sản phẩm từ nông nghiệp rất đa dạng và phong phú. Một số hướng phát triển nông nghiệp được đưa ra như: Mở cửa hàng kinh doanh nông sản sạch, Kinh doanh hạt giống, Tư vấn và bán dụng cụ trồng rau sạch, Dịch vụ thiết kế vườn rau sạch, Cho thuê đất trồng rau sạch, Mở trang trại kết hợp với du lịch sinh thái, Sản xuất thức ăn chăn nuôi, Trồng các loại cây gia vị, Xuất khẩu nông sản, Làm trang trại nấm, Trồng các loại cây quý hiếm, Nuôi lợn dân dã, lợn rừng, Nuôi gà bằng các loại thức ăn đặc biệt, Trồng các loại hoa sống trong nước…
Hợp tác xã kiểu mới
Từ năm 2016 trở lại đây, mô hình hợp tác xã kiểu mới là một loại hình kinh doanh trong nông nghiệp có hiệu quả. Thực chất của Hợp tác xã kiểu mới bao gồm:
Đơn vị kinh doanh độc lập trong cơ chế thị trường, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và trách nhiệm đối với thành viên.
Hợp tác xã được tổ chức trong mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong nông nghiệp. Thành viên vừa là chủ, vừa là khách thông qua quy định góp vốn và sử dụng dịch vụ của hợp tác xã.
Mọi thành viên đều bình đẳng như nhau, tham gia với tinh thần tự nguyện, cùng có lợi và cùng chịu rủi ro trong sản xuất kinh doanh.
Trong hợp tác xã, phân phối thu nhập chủ yếu theo mức độ sử dụng dịch vụ của thành viên. Giới hạn hoạt động của hợp tác xã tùy thuộc năng lực thực tế.
Nông nghiệp công nghệ cao
Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp ứng dụng các công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Trên thế giới, tại nhiều quốc gia, nông nghiệp chất lượng cao đã có những đóng góp đáng kể cho xã hội. Các nước phát triển nông nghiệp công nghệ cao có thể kế đến Israel, Nhật Bản, Mỹ…
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, tuy trình độ nông nghiệp cao ở Việt Nam còn thua kém xa các quốc gia kể trên, nhưng hiện nay chúng ta cũng đã có những mô hình nông nghiệp công nghiệp cao. Như, vườn dưa lưới Điền Trạch farm Thọ Xuân (Thanh Hóa); trang trại hoa Đà Lạt Hasfarm; những doanh nghiệp khoa học công nghệ ở Sơn La với các mô hình sản xuất hoa, quả, rau; mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Công ty Cổ phần Việt Úc (Bạc Liêu); mô hình trồng nấm công nghệ cao Đức Trung (Lâm Đồng)…