GS.TS, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam có những trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thành lập các nhóm nghiên cứu
- Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học là nghiên cứu khoa học. Vậy Học viện Nông nghiệp Việt Nam có định hướng phát triển khoa học công nghệ như thế nào?
- Chúng tôi có chiến lược phát triển và định hướng phấn đấu là trường đại học nghiên cứu. Vì thế, chúng tôi coi nghiên cứu khoa học là một thế mạnh cũng như một nhiệm vụ trọng tâm quan trọng nhất.
Để thực hiện chiến lược, mục tiêu trên, chúng tôi chú trọng đến đầu tư về nguồn lực con người, khoa học công nghệ, cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm trọng điểm. Phấn đấu có nhiều phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế ISO. Khi các nguồn lực tốt, sẽ tạo ra sản phẩm nghiên cứu tốt.
Về định hướng sản phẩm nghiên cứu của Học viện, trước tiên chúng tôi hướng tới các nghiên cứu có tính chất cơ bản để tạo ra công nghệ nguồn và những công bố quốc tế. Bên cạnh đó là phục vụ địa phương và người dân. Vì vậy, chúng tôi rất coi trọng sản phẩm, đó là các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình để chuyển giao vào thực tiễn, các sản phẩm của nghiên cứu khoa học để có thể phục vụ đời sống xã hội.
Hiện, chúng tôi đã thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, nghiên cứu tinh hoa, nghiên cứu xuất sắc. Đây cũng là ý tưởng mà chúng tôi đã nung nấu từ lâu. Theo đó, chúng tôi đã thành lập được 46 nhóm nghiên cứu mạnh. Các nhóm nghiên cứu đều bám sát thực tiễn, với các mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp cần.
Ngoài ra, chúng tôi căn cứ vào các chiến lược phát triển của quốc gia, chiến lược của Bộ Khoa học và Công nghệ, chiến lược khoa học công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trên cơ sở đó, Học viện xây dựng chiến lược khoa học công nghệ riêng, vừa tăng cường hợp tác quốc tế, vừa tạo uy tín, thương hiệu của các cơ sở đào tạo; từ đó thu hút nguồn lực sinh viên trong và ngoài nước.
Chúng tôi đã và đang chú trọng phối kết hợp với doanh nghiệp và các tổ chức. Chúng tôi luôn trăn trở, làm thế nào để có thể đưa công nghệ số vào trong nông nghiệp. Điều này có thể tạo ra hiệu quả cũng như lợi nhuận gia tăng rất tốt; đồng thời tạo sự minh bạch trong các sản phẩm khoa học công nghệ, để có thể cạnh tranh, hội nhập quốc tế.
Phục vụ thực tiễn
- Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có những sản phẩm nghiên cứu ứng dụng vào trong thực tế. Vậy trong quá trình triển khai, Học viện có gặp khó khăn gì?
- Chúng tôi có đến gần 300 tiến sĩ, PGS, GS được đào tạo rất bài bản ở các nước. Thực tế, chúng ta nghiên cứu rất nhiều nhưng số lượng sản phẩm được ứng dụng chuyển giao vào thực tiễn vẫn còn khiêm tốn. Chúng tôi cũng rất trăn trở về vấn đề này, làm thế nào để kết quả nghiên cứu đó gắn với thực tiễn được tốt hơn.
Chúng tôi nhận thấy, đây cũng là vấn đề khó khăn. Chủ trương có rồi, cơ chế chính sách chúng ta cũng có rất nhiều, nhưng có thể còn một vài điểm nghẽn nào đó mà mình chưa rà soát để khai thông. Học viện đang có nhóm nghiên cứu các chính sách về nông nghiệp, khoa học công nghệ nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn đó.
Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để gắn kết giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người sử dụng. Nếu chúng ta thực hiện tốt thì có thể chuyển giao được sản phẩm và phải bắt đầu ngay từ khâu ý tưởng chứ không phải để đến lúc có sản phẩm rồi thì mới đi tìm, khi đó rất mất thời gian.
Bởi nếu ngay từ đầu chúng ta xây dựng được ý tưởng, tập hợp và nghe nhu cầu của các bên; từ đó đặt ra vấn đề nghiên cứu thì tôi cho rằng, sau khi nghiên cứu xong, chúng ta có thể chuyển giao đưa vào thực tiễn một cách rất thuận lợi.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều nghiên cứu khoa học. Hàng năm thực hiện rất nhiều đề tài nghiên cứu. Gần đây, chúng tôi cũng chú trọng và tạo nên “sức ép” cho các nhóm nghiên cứu. Tức là, nghiên cứu phải ra sản phẩm và sản phẩm phải sử dụng được để phục vụ thực tiễn, doanh nghiệp, người dân.
“Khát” nguồn nhân lực
- Vậy với sinh viên thì sao, những nghiên cứu của các em đã đi đến đâu và có khả năng phát triển các sản phẩm không – thưa Giáo sư?
- Chúng tôi rất tâm huyết vào đội ngũ sinh viên và ý tưởng mới mẻ của các em. Chúng tôi quan tâm, chú trọng đến sinh viên làm nghiên cứu khoa học thông qua việc phát động các phong trào, cuộc thi. Từ đó, các em đề xuất ý tưởng nghiên cứu. Khi lựa chọn được những ý tưởng tốt, các thầy, cô sẽ cùng với sinh viên xây dựng và phát triển.
Hiện, có rất nhiều ý tưởng đã được phát triển đưa vào các công ty. Nhiều cựu sinh viên của Học viện đang làm ở các doanh nghiệp, đứng đầu các doanh nghiệp về chăn nuôi, thú y hoặc các sản phẩm cây trồng... Tôi cho rằng, đó là điều rất tốt. Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em cần nung nấu ý tưởng nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức sự kiện về hành trình khởi nghiệp, bắt đầu từ các trường THPT.
- Thời gian tới, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ có chương trình, kế hoạch gì về đào tạo nhằm, đáp ứng nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp?
- Nguồn nhân lực chất lượng cao rất cần thiết. Vì thế, chúng tôi đang đổi mới trong đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu thực tiễn nhiều hơn. Tức là, sinh viên có thể linh hoạt thời lượng học tập ở trường để đi đến các doanh nghiệp làm việc, rồi về địa phương.
Chúng tôi tăng thời lượng thực tiễn để các em có kiến thức thực tế, tay nghề tốt hơn. Trước đây, thì chỉ có vài tuần nhưng bây giờ thì có vài tháng hoặc cả một học kỳ, thậm chí còn gọi là “học kỳ doanh nghiệp”.
Học viện cũng kết nối với các trung tâm cung ứng nhân lực và các doanh nghiệp trong nước, quốc tế, cùng với Nhật Bản, Israel… các tổ chức để cùng đào tạo sinh viên.
- Vậy, ngay trong mùa tuyển sinh năm nay, GS có nhắn nhủ gì với thí sinh để các em có thể lựa chọn ngành học phù hợp, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp?
- Chúng ta thấy, ở Việt Nam nông nghiệp có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong khi đất nước gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai... thì vai trò của ngành nông nghiệp trở nên quan trọng, như trụ đỡ giúp cho các ngành kinh tế khác để chúng ta phát triển và khôi phục.
Cũng như những ngành khác, hậu Covid-19, nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp cần khôi phục lại nhằm giúp đỡ người dân. Ví dụ như chuyển đổi số trong nông nghiệp hay áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để gia tăng giá trị. Để tăng cường chế biến sâu, thì nguồn nhân lực cho lĩnh vực này rất quan trọng và đòi hỏi phải có kiến thức.
Khi chúng tôi làm việc với các tập đoàn và các doanh nghiệp lớn, họ đã đặt vấn đề với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về việc về đào tạo nguồn nhân lực. Điều đó cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp đang rất thiếu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
- Xin cảm ơn GS!